Đối thoại Shangri-La: Nơi châu Á - Thái Bình Dương đứng trước ngã ba đường
Hội nghị Thượng đỉnh An ninh châu Á 2022, hay còn gọi là Đối thoại Shangri-La, sẽ được tổ chức tại Singapore từ ngày 10 đến 12/6. Đây là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt với châu Á - Thái Bình Dương khi khu vực này đang nằm trong sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc.
Tầm quan trọng của châu Á - Thái Bình Dương
Thế giới đang phải chứng kiến rất nhiều bất ổn lớn ở hầu hết các khu vực trên thế giới. Bạo lực, nạn đói… đang diễn ra ở châu Phi, các điểm nóng xung đột khu vực vẫn hàng ngày leo thang ở Trung Đông, hay cuộc chiến Nga-Ukraine đã khiến châu Âu không còn là miền đất yên bình.
Hội nghị Thượng đỉnh An ninh châu Á 2022 sẽ diễn ra ở khách sạn Shangri-La (Singapore) từ ngày 10 đến ngày 12 tháng 6. Ảnh: AP
Có thể nói, chỉ còn lại châu Á - Thái Bình Dương, mặc dù vẫn có một số bất ổn nhỏ - là khu vực vẫn duy trì hòa bình và ổn định tổng thể trên trái đất này, trong đó phát triển kinh tế và hợp tác làm ăn vẫn là mối quan tâm hàng đầu của các quốc gia, cũng như cho đến từng người dân.
Tuy nhiên, trong bối cảnh căng thẳng giữa các cường quốc ngày càng gia tăng và thiếu sự tin cậy lẫn nhau mang tính chiến lược, nhiều người lo lắng rằng nền hòa bình, ổn định và lạc quan của châu Á - Thái Bình dương đang bị đe dọa, thậm chí không biết liệu có thể kéo dài được bao lâu.
Đối thoại Shangri-La sẽ được tổ chức tại Singapore vào cuối tuần này, trở lại sau 2 năm bị trì hoãn bởi đại dịch. Và vấn đề làm thế nào để duy trì hòa bình và an ninh ở châu Á-Thái Bình Dương hiển nhiên sẽ rất nổi bật trong các chương trình nghị sự. Cả Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ sẽ tham dự cuộc họp, qua đó càng thu hút sự chú ý của toàn thế giới, từ những người dân thường quan tâm đến tình hình thế giới, các nhà hoạch định chính sách cho đến các nhà lãnh đạo toàn cầu.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin dự kiến sẽ có bài phát biểu quan trọng về chính sách quốc phòng của Mỹ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trong khi Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa sẽ phát biểu về tầm nhìn của Trung Quốc đối với trật tự khu vực ở châu Á - Thái Bình Dương.
Gần đây, chúng ta đã thấy nhiều sự phát triển về chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương từ chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden. Vào ngày 12 tháng 2, Nhà Trắng đã ban bố chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vốn được mong đợi từ lâu. Bên cạnh đó còn có “Tuyên bố chung Mỹ-Hàn Quốc”, “Tuyên bố chung Mỹ-Nhật Bản” và “Tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo Nhóm Quad”. Tất cả đều được đưa ra trong chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden tới Đông Á từ ngày 21 đến ngày 24 tháng 5.
Trước đó nữa như đã biết, Mỹ và ASEAN đã tổ chức Hội nghị Cấp cao đặc biệt lần đầu tiên tại Washington, nơi mà hai bên đã tuyên bố sẽ nâng mối quan hệ lên “đối tác chiến lược toàn diện”. Rồi vào ngày 26/5, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã có bài phát biểu tại Đại học George Washington, phác thảo chiến lược của nước này đối với Trung Quốc. Bởi vậy, rất có thể Bộ trưởng Lloyd Austin sẽ trình bày toàn diện phần quân sự trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ tại Singapore.
Từ chiến lược “liên minh” của Mỹ…
Mặc dù vẫn đang trong quá trình hình thành, nhưng chiến lược của Mỹ tại châu Á-Thái Bình Dương đã có một cấu trúc rõ ràng, cụ thể được tạo thành từ ba trụ cột.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin. Ảnh: NYT
Đầu tiên là củng cố các liên minh. Trên nền tảng của các liên minh quân sự song phương với Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Philippines và Thái Lan, Mỹ hiện đang tập trung vào các nhóm an ninh lớn hơn như Quad và Aukus.
Thứ hai là thúc đẩy Khung kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương (IPEF). Do Mỹ khởi xướng cùng 12 quốc gia thành viên sáng lập khác, IPEF được xem như một đối trọng mới với 2 khuổn khổ lớn tại khu vực là Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà Mỹ đều không phải là thành viên.
Trụ cột thứ ba là tăng cường hành động quân sự trên tất cả các mặt trận. Mỹ đang tăng cường sức mạnh quân sự và thông qua “hoạt động tự do hàng hải” ở Biển Đông, các chuyến đi cao điểm qua eo biển Đài Loan và các cuộc tập trận quân sự chung với Hàn Quốc và Nhật Bản ở phía tây Thái Bình Dương.
Khác với chiến lược “liên minh” được đánh giá đầy "cơ bắp" trong chiến lược ở châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ, thì Trung Quốc dường như đang có những cách tiếp cận mang tính "mềm dẻo". Trung Quốc đã đề xuất nhiều sáng kiến khuyến khích các quốc gia hợp tác song phương, kèm theo nhiều hứa hẹn và các chính sách đầy sức hấp dẫn.
... đến Vành đai và Con đường của Trung Quốc
Sáng kiến Vành đai và Con đường là một ví dụ rất cụ thể. Nó tập trung vào các kết nối mang tính riêng lẻ, nhưng có khả năng bao quát rộng hơn trên nguyên tắc đóng góp chung và chia sẻ lợi ích. Tính đến tháng 4, hơn 200 văn kiện hợp tác về Vành đai và Con đường đã được ký kết giữa Trung Quốc với 149 quốc gia và 32 tổ chức quốc tế!
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa. Ảnh: AP
Với việc cả Mỹ và Trung Quốc, dù bằng các chiến lược khác nhau, rõ ràng đều đang muốn lôi kéo châu Á - Thái Bình Dương xích lại gần với mình, thì có thể nói mỗi một quốc gia hay một tổ chức trong khu vực đều đang đứng trước ngã ba đường trong việc đưa ra các quyết định quốc tế vào thời điểm này.
Việc cả Trung Quốc và Mỹ đều muốn tạo dấu ấn tại châu Á - Thái Bình Dương là điều không có gì khó hiểu bởi như đã nói, đây là khu vực có sức hút rất lớn về phát triển kinh tế và mở rộng thượng mại, cũng như có vị trí vô cùng quan trọng trong cả địa chính trị. Đặc biệt, trong thời kỳ mà thế giới đang phải đối mặt với quá nhiều bất ổn, từ dịch bệnh, bạo lực, lạm phát, khủng hoảng nguồn cung cho đến cả chiến tranh, thì vai trò của châu Á - Thái Binh Dương lại càng được quan tâm bao giờ hết.
Bởi vậy, châu Á - Thái Bình Dương nói chung, mỗi quốc gia và tổ chức trong khu vực nói riêng hẳn sẽ rất cân nhắc trước khi đưa ra bất cứ quyết định nào tại Đối thoại Shangri-La 2022 này. Điều quan trọng là những quyết định cần phải có ý nghĩa tiếp tục duy trì sự ổn định về an ninh, sự phát phát triển kinh tế và sự thịnh vượng chung trong khu vực.