Đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp tỉnh Thái Bình
Hơn 50 câu hỏi của các doanh nghiệp trên địa bàn đã được nêu ra tại buổi gặp gỡ, trao đổi, giải quyết vướng mắc cho cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp với lãnh đạo tỉnh Thái Bình vào sáng 28/4.
Hàng loạt vấn đề mới, cấp thiết liên quan trực tiếp hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp được phản ánh tới lãnh đạo tỉnh, với hy vọng sẽ được giải quyết nhanh gọn, thấu đáo, gỡ khó để doanh nghiệp tiếp tục phát triển.
Cụ thể, các doanh nghiệp như: Công ty sứ Hảo Cảnh (khu công nghiệp Tiền Hải), Công ty cơ khí xây lắp Thái Bình (thành phố Thái Bình), Công ty Đại Nghĩa (huyện Tiền Hải)… đề nghị được tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước; nâng hạn mức vay; tiếp tục hỗ trợ ưu đãi do ảnh hưởng dịch Covid-19.
Công ty xây dựng Việt Hàn (huyện Thái Thụy), Công ty Hoa Việt (huyện Hưng Hà), Công ty dệt nhuộm Thăng Long (cụm công nghiệp Đồng Tu)… đề nghị các cơ quan chức năng tháo gỡ khó khăn trong giải phóng mặt bằng các dự án, không để kéo dài ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư của doanh nghiệp.
Công ty sứ Đông Lâm, Công ty sứ Hảo Cảnh, Công ty Viglacera Tiên Sơn… (khu công nghiệp Tiền Hải) đề nghị không tăng giá, ổn định giá khí đốt thiên nhiên do Xí nghiệp phân phối khí áp thấp miền bắc cung cấp. Do tình hình dịch bệnh phức tạp, giá nguyên nhiên liệu, vật liệu tăng cao, đặc biệt là khí đốt, chiếm tỷ lệ lớn trong giá thành sản phẩm, đang gây khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm. Doanh nghiệp phải nộp từ 3-14 tỷ đồng tiền khí/tháng, tạo áp lực không nhỏ đến sản xuất, kinh doanh.
Ngoài ra, một số doanh nghiệp đề nghị tỉnh Thái Bình tạo điều kiện quỹ đất để mở rộng nhà máy; quỹ đất để xây dựng nhà ở cho công nhân, người lao động; tiếp tục tinh giản các thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.
Ghi nhận những ý kiến chính đáng, thẳng thắn và rất thực tế của cộng đồng doanh nghiệp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận khẳng định: Tất cả những kiến nghị, đề xuất đã nêu ra, các sở, ngành và địa phương phải giải quyết thực chất, đi vào những vấn đề cụ thể để tháo gỡ khó khăn.
Những việc thuộc thẩm quyền của tỉnh, các sở, ban ngành; các huyện, thành phố phải tập trung trả lời thấu đáo, hết khả năng trách nhiệm được giao; không trả lời chung chung và thể hiện sự thờ ơ với doanh nghiệp.
Hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp không nắm rõ thông tin về chế độ, chính sách của Nhà nước, do đó cần phải hướng dẫn, phổ biến thật rõ ràng để cộng đồng doanh nghiệp có thể tiếp cận và thụ hưởng.
Về giá khí tăng cao đang ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh của rất nhiều doanh nghiệp tại huyện Tiền Hải và một số nơi khác, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình cho biết: “Lãnh đạo tỉnh đã nhiều lần gặp gỡ trực tiếp Bộ Công thương, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đề nghị có văn bản chỉ đạo điều hành, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp trên địa bàn”.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình nêu rõ: Các sở, ban, ngành và các huyện, thành phố cần nêu cao trách nhiệm trong việc tham mưu giải quyết các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Coi khó khăn của doanh nghiệp là khó khăn của mình, trên tinh thần bàn để tháo gỡ, chứ không dựa vào khó khăn mà không làm, không trao đổi và đồng hành với doanh nghiệp. Như vậy là chưa hết trách nhiệm được giao và không mang tính chất xây dựng.
Lãnh đạo tỉnh khẳng định, sẽ tiếp tục quan tâm, lắng nghe và kịp thời xử lý những vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp trong thực tiễn hoạt động. Ngay sau đây, tỉnh sẽ khởi động trở lại hoạt động “Cafe doanh nhân”, đây là kênh thông tin quan trọng để nắm bắt nhanh những kiến nghị của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Bình.