Đối thoại về hợp tác - đầu tư 'TP Hồ Chí Minh - Tây Nguyên: cơ hội mới, tầm nhìn mới'
Ngày 3/1/2025, trong khuôn khổ Chương trình tổng kết Thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP Hồ Chí Minh với các tỉnh vùng Tây Nguyên năm 2024, tại Lâm Đồng, đã diễn ra Hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo TP Hồ Chí Minh, lãnh đạo các tỉnh vùng Tây Nguyên và cộng đồng doanh nghiệp về chủ đề hợp tác - đầu tư 'TP Hồ Chí Minh - Tây Nguyên: cơ hội mới, tầm nhìn mới'.
Phát biểu đề dẫn khai mạc Hội nghị, ông Võ Văn Hoan – Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, đánh giá cao Thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Tây nguyên đã được ký kết vào tháng 12/2022 cũng tại thành phố Đà Lạt, với 5 lĩnh vực hợp tác phát triển, gồm: Du lịch; Kết nối cung – cầu, xúc tiến đầu tư – thương mại; Khoa học - công nghệ, chuyển đổi số, đào tạo nguồn nhân lực; Y tế, giáo dục; Nông nghiệp. Trong đó, vấn đề hợp tác - đầu tư hiện diện ở tất cả 5 lĩnh vực...
Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cũng gợi mở các nội dung thảo luận để các đại biểu tập trung, đi vào chiều sâu, là: Chính sách thu hút đầu tư, lĩnh vực thế mạnh của các địa phương; Đầu tư cho hệ thống phân phối: liên quan đến hoạt động và nhu cầu đầu tư của các đơn vị phân phối tại vùng Tây Nguyên; đề xuất, kiến nghị đối với địa phương về các chính sách hỗ trợ đầu tư; Phát triển vùng nguyên liệu: đề xuất liên kết phát triển vùng nguyên liệu bền vững, an toàn tại Tây Nguyên.
Tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Tây Nguyên như: Chương trình OCOP; Chương trình phát triển giống cây, con và nông nghiệp công nghệ cao; đào tạo tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, phát triển nông nghiệp công nghệ cao kết hợp với du lịch sinh thái; xây dựng chuỗi liên kết nông lâm thủy sản, xúc tiến quảng bá thương hiệu sản phẩm nông nghiệp, OCOP...;Các chính sách hỗ trợ, khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp tại TP Hồ Chí Minh và Tây Nguyên...
Ông Võ Văn Hoan cũng mong muốn, với tinh thần lắng nghe, xây dựng, cầu thị, cùng nhau hợp tác cùng nhau phát triển, tất cả các đại biểu, doanh nghiệp, doanh nhân mạnh dạn có ý kiến đóng góp, chia sẻ một cách cởi mở, đúng như chủ đề đã đặt ra là đối thoại, để chính quyền các địa phương biết cần làm gì để hỗ trợ tốt hơn cho nhu cầu phát triển của doanh nghiệp; doanh nghiệp các tỉnh Tây Nguyên và các hệ thống phân phối của TP Hồ Chí Minh cần gì để cung – cầu gặp nhau; làm sao để lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ. Mong là sau 2 giờ đồng hồ làm việc sẽ có những đúc kết cụ thể, thiết thực cho sự hợp tác với cơ hội mới, tầm nhìn mới để có hành động mới…
Đại diện lãnh đạo các tỉnh vùng Tây Nguyên giới thiệu tiềm năng, lợi thế và lĩnh vực thế mạnh; đồng thời, mời gọi và giới thiệu các chính sách thu hút đầu tư vào các tỉnh vùng Tây Nguyên…
Cộng đồng doanh nghiệp thảo luận về các nội dung: Đầu tư cho hệ thống phân phối: hoạt động và nhu cầu đầu tư của các đơn vị phân phối tại vùng Tây Nguyên; Phát triển vùng nguyên liệu bền vững, an toàn tại Tây Nguyên; Tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp giữa Tp.HCM và các tỉnh Tây Nguyên: Chương trình OCOP; Chương trình phát triển giống cây, con và nông nghiệp công nghệ cao; đào tạo tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, phát triển nông nghiệp công nghệ cao kết hợp với du lịch sinh thái; xây dựng chuỗi liên kết nông lâm thủy sản, xúc tiến quảng bá thương hiệu sản phẩm nông nghiệp, OCOP…
Các đại biểu cũng đề xuất, kiến nghị đối với địa phương tháo gỡ khó khăn, chính sách hỗ trợ đầu tư; liên kết phát triển vùng nguyên liệu bền vững, an toàn tại Tây Nguyên…
Phát biểu tại Chương trình Tọa đàm đối thoại hợp tác - đầu tư “TP Hồ Chí Minh - Tây Nguyên: cơ hội, tầm nhìn mới”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S giới thiệu tiềm năng, thế mạnh và các điểm khác biệt của vùng Tây Nguyên so với các vùng miền khác, đặc biệt là bản sắc văn hóa và tài nguyên du lịch rất hấp dẫn du khách. Bên cạnh đó, thổ nhưỡng vùng Tây Nguyên và điều kiện sinh thái phù hợp để phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô hàng hóa với các loại nông sản có lợi thế cạnh tranh: rau, hoa, cà phê, chè, cây ăn quả, macca, bò sữa, thủy sản cá nước lạnh...
Tuy nhiên, do nguồn lực của Tây Nguyên còn hạn hẹp, nên rất cần sự hỗ trợ của các doanh nghiệp có năng lực tin tưởng tham gia đầu tư phát triển vùng Tây Nguyên nói chung và Lâm Đồng nói riêng, với sự đồng hành của chính quyền và các chính sách ưu đãi đầu tư…
Kết luận Hội nghị, ông Võ Văn Hoan đánh giá cao chủ đề Tọa đàm đối thoại hợp tác - đầu tư “TP Hồ Chí Minh - Tây Nguyên: cơ hội, tầm nhìn mới”, phù hợp với khát vọng cao, tham vọng lớn, quyết tâm vượt qua khó khăn của các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp vùng Tây Nguyên nói riêng. Ông Hoan nhận định: "Chúng ta muốn vươn xa, vươn ra thế giới… phải đi theo những quy định, quy chuẩn của thế giới, phải thay đổi về chất và chia sẻ với nhau về cách làm mới, cách làm hiện đại, với các tiêu chí mà xã hội đặt ra để bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe… phù hợp với tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, quản trị doanh nghiệp, chứng chỉ cacbon…".
Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh dẫn lời Tổng Bí thư Tô Lâm: “Chúng ta đang ở kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”; làn sóng đầu tư đổ vào Việt Nam rất nhiều, với nguồn vốn rất lớn, trên nhiều lĩnh vực… Việc điều hành doanh nghiệp của thế giới đã có quản trị xanh, tín dụng xanh, kinh tế xanh… đặt ra thách thức rất lớn cho doanh nghiệp Việt Nam… Các tỉnh Tây Nguyên đang có điều kiện thuận lợi về vùng nguyên liệu, nhân công, hạ tầng giao thông… để phát triển giao thương… Vì vậy, các doanh nghiệp Tây Nguyên phải nỗ lực nhiều hơn, cố gắng nhiều hơn, tầm nhìn khác đi, liên kết phối hợp khác đi, nghiên cứu, tận dụng và phát huy lợi thế của mình, tìm kiếm các cơ hội đầu tư để hợp tác, phát triển và lớn mạnh…
Sự kiện Tọa đàm đối thoại hợp tác - đầu tư “TP Hồ Chí Minh - Tây Nguyên: cơ hội, tầm nhìn mới” được nhận định là một hoạt động có ý nghĩa lớn và hết sức thiết thực trong chuỗi các hoạt động của Chương trình tổng kết thực hiện Thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế xã hội giữa TP Hồ Chí Minh với các tỉnh vùng Tây Nguyên năm 2024 và triển khai kế hoạch hợp tác năm 2025.