Đối thoại với 'Càng hiểu càng thương' của Lưu Đình Long và Lê Minh Huân
'Càng hiểu càng thương' (NXB Dân Trí) của Lưu Đình Long và Lê Minh Huân gồm 2 phần. Phần 1 là 'Chuyện của Huân' với 18 bài. Phần 2 là 'Chữ của Long' với 39 bài.
Tuy số bài chênh lệch nhưng số trang lại phân bổ đều cho cả hai tung hứng chiết lọc lời từ ái qua mỗi ngóc ngách trong cuộc sống - việc học, tình cảm, gia đình, sự nghiệp, hồn quê...

"Càng hiểu càng thương" ấn hành tháng 7/2025. Ảnh: Nguyễn Hùng
Mở sách ra trang 152 là dòng Long viết “Cảm ơn hòa bình”. Tác giả khẳng định: “Thế hệ 8X của tôi sinh sau chiến tranh, không có phe này phe kia, chỉ biết rằng mình đang sống trong đất nước hòa bình nên yêu quý hai tiếng Việt Nam đến vô cùng... Cảm ơn hòa bình. Xin được cúi mình trước anh linh người ngã xuống cho nền hòa bình hôm nay!”. Và chỉ còn vài ngày nữa là 27/7 - Ngày Thương binh Liệt sĩ - nên chữ nghĩa này vừa mang giá trị đạo đức lịch sử vừa hàm chứa chất thời sự nhân văn 1975-2025.
Đúng là thế hệ của chúng tôi không có phe này phe kia mà là thời đại nhà nhà khởi nghiệp, người người khởi nghiệp, thị trường biến đổi khôn lường, cạnh tranh tiền tệ diễn ra phức tạp. Chẳng vậy mà trong phần lên sóng trên trang sách, Huân chọn kể “Khóc là đặc quyền” (trang 72-76) về một nam sinh thuộc dạng cậu ấm bị tổn thương vì chịu cảnh “chiến tranh lạnh” của người nhà nhiều năm trời.
“Mắt thêm sáng sau lần... biết khóc
Chân thêm hồng sau bước gian truân”
Huân trích thơ của một bậc thầy trên giảng đường để ủi an sự tổn thương trong mỗi thế hệ.

Tác giả Lê Minh Huân - cựu giảng viên Trường Đại học Sư phạm TPHCM.
Điểm chung của hai người viết tự do này ngoài ăn chay trường còn tu khẩu ngữ và là những cậu con trai tình cảm khi được sống gần gũi với mẹ nên chất văn mềm dịu, dễ chịu trong sự khó tính ngầm.
Với Huân, có hẳn thước đo cho sự kém duyên ở mỗi người trong lối nói chuyện (Người “kém duyên”: trang 81-89), theo đó bằng chuyên ngành tâm lý, Huân còn viện dẫn kiểu người thích “cười trên nỗi đau” của người khác mắc phải hội chứng Schadenfreude... (Niềm vui của người này là nỗi đau của người khác: trang 90-96).
Còn Long hay nhắc về “các gạch nối”: “Và có những người, đôi khi phải gánh trên vai những cuộc đời khác, có khi là trách nhiệm vật chất; khi thì tinh thần. Nhưng để cân bằng, người ấy phải vững vàng, có tình thương lớn. (...)
Tôn ti, trật tự trong mối quan hệ là điều kiện cần để cân bằng và tạo ra kết nối chặt chẽ, có thể hỗ tương, vượt sóng dữ” (Nhìn đá nghĩ người: trang 196-197). Rồi anh vào vai người giới thiệu một tập thơ, Long thẳng thừng “tập thơ dày 160 trang, tới 110 bài, không phải bài nào cũng hay nhưng chắc ai đọc cũng có thể nhặt ra đâu đó những câu “trúng tim” mình và ồ lên, sao cô G viết thơ y như viết cho mình vậy nè?” (Chưa đủ cô đơn để yêu chăng?: trang 138-140).

Lưu Đình Long, nguyên Phó Thư ký tòa soạn Báo Giác Ngộ, tác giả của Lắng nghe hơi thở, Tâm kinh mình thuyết cho mình, Như mây thong dong, Như gió an lành, Bình an mà sống.
Trong cuốn sách vỏn vẹn 200 trang này dung chứa tình cảm của hai ngòi bút thiện lành viết về niềm kính yêu dành cho đấng sinh thành, đặc biệt các câu chuyện trăn trở của Huân về chữ hiếu như “chọn người có hiếu mà yêu”, hay “khi nào bạn báo hiếu”... Phía Long dàn trải đều tình thương cho mẹ, cho con trai, cho Phật, cho ân sư, cho quê hương, cho các gạch nối thương yêu trong đời, cho cộng đồng và cho sự khỏe an của chính mình khá cân bằng và chu đáo, xuyên suốt một quan điểm “yêu nhau là cho nhau con đường” (Yêu: trang 163-164).
Từ đây, mỗi độc giả có thể tham khảo nghệ thuật sống của hai tác gia để khéo vận dụng trong cuộc đời mình tích cực gieo trồng giống tốt ắt sẽ cho hoa tươi trái ngọt mỗi thời khắc cùng chăm chỉ cải tạo những vùng đất hoang sơ khô cằn trong tâm thức trở nên màu mỡ phù sa hơn với niềm tin có tu, có thực tập đúng chánh pháp thì khổ trước, sướng sau.
Được biết, Lưu Đình Long và Lê Minh Huân từng hợp tác viết "Sống tích cực, thương chân thành" (NXB Dân Trí) ra mắt năm 2022, được bạn đọc yêu mến. Nhiều bài viết trong cuốn này trở thành học liệu để ra đề thi cho học sinh THPT.