Đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp thực hiện chính sách pháp luật về an toàn vệ sinh lao động

Chương trình đối thoại được tổ chức nhằm giúp các doanh nghiệp, đơn vị hiểu và tháo gỡ những khó khăn trong việc thực hiện chính sách pháp luật về an toàn vệ sinh lao động.

Để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp, nhà đầu tư đang hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh, năm 2024 và các năm tiếp theo. Nội dung và mục đích của hội nghị là quán triệt đầy đủ, sâu sắc nội dung Chỉ thị số 31-CT/TW ngày 19/3/2024 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác ATVSLĐ trong tình hình mới và Kế hoạch số 163-KH/TU ngày 26/4/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Chỉ thị số 31-CT/TW ngày 19/3/2024 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác ATVSLĐ trong tình hình mới nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của các cấp chính quyền, các sở, ban ngành, đoàn thể; đẩy mạnh cải cách hành chính, đẩy mạnh xã hội hóa, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho công tác an toàn vệ sinh lao động đáp ứng yêu cầu tình hình mới trên địa bàn tỉnh, đạt được các chỉ tiêu của Chỉ thị số 31- CT/TW và Kế hoạch số 163-KH/TU đề ra.

 Toàn cảnh hội nghị.(Ảnh: Nguyễn Quyền)

Toàn cảnh hội nghị.(Ảnh: Nguyễn Quyền)

Tại Hội nghị, Đại diện các doanh nghiệp, địa phương cũng đưa ra các ý kiến, thảo luận nhằm hoàn thiện chính sách pháp luật về kiểm định kỹ thuật an toàn lao động; quản lý các máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh lao động, huấn luyện an toàn vệ sinh lao động và hoàn thiện chính sách pháp luật về tai nạn lao động, một số chế độ cho người lao động; Quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp...

Đại diện cơ quan chuyên môn cũng trực tiếp trao đổi, giải đáp những thắc mắc của đại biểu về một số nội dung như: Chính sách và giải pháp thực hiện vướng mắc trong quá trình thực hiện pháp luật về lao động, việc làm, tiền lương, BHXH, BHTN, an toàn vệ sinh lao động…tại các doanh nghiệp cơ quan, đơn vị; những đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoàn thiện chính sách, văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến nội dung này.

 Đại diện doanh nghiệp phát biểu tại hội nghị. (Ảnh Nguyễn Quyền)

Đại diện doanh nghiệp phát biểu tại hội nghị. (Ảnh Nguyễn Quyền)

Đặc biệt, Trong thời gian vừa qua do ảnh hưởng của bão số 3 (Yagi), từ ngày 6 - 11/9 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có mưa to đến rất to kèm dông, lốc, lũ, ngập lụt làm thiệt hại lớn về tài sản.

Đại diện người lao động đã đặt ra câu hỏi rất thiết thực trong hội nghị đối thoại là: Hội đồng an toàn vệ sinh lao động tỉnh cho biết trong thời gian vừa qua do mưa lớn, kéo dài gây ra tình trạng ngập nước, lụt lộiảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người lao động, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, các đơn vị sử dụng lao động và người dân. Để phòng ngừa, ứng phó kịp thời, đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động trong và sau mùa mưa bão tại các cơ quan, đơn vị, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, các đơn vị sử dụng lao động và người dân các cơ quan chức năng đã có những giải pháp gì để người lao động chủ động phòng ngừa?.

Đại diện Đồng chí Phạm Hoàng Hải – Phó Giám đốc Sở- Phó Chủ tịch Hội đồng An toàn VSLĐ tỉnh đã đưa ra câu trả lời: Thứ nhất, đối với các cơ quan, ban ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các xã, phường. Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015, các văn bản pháp luật liên quan, Chỉ thị số 18/CT-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh, Quyết định số 29/QĐ-PCTT ngày 04/3/2022 của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đến các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, đơn vị sử dụng lao động và người dân nhằm đảm bảo an toàn tính mạng người lao động và người dân, bảo vệ tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, đơn vị, cơ sở.

Thường xuyên kiểm tra, giám sát công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, công trình đang thi công xây dựng trên địa bàn; yêu cầu các doanh nghiệp, đơn vị, cơ sở tiếp tục kiểm tra, rà soát phương án, biện pháp đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người và tài sản trong và sau mùa mưa bão.

 Lãnh đạo Sở Lao động Thương binh và xã hội chủ trì hội nghị. (Ảnh: Nguyễn Quyền)

Lãnh đạo Sở Lao động Thương binh và xã hội chủ trì hội nghị. (Ảnh: Nguyễn Quyền)

Thứ hai, đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về an toàn, vệ sinh lao động, các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại và các biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc cho người lao động trong và sau mùa mưa bão.

Tổ chức đánh giá, kiểm soát yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc và các yếu tố chịu ảnh hưởng của thiên tai. Chú ý các yếu tố nguy hiểm thường xảy ra tai nạn trong và sau mùa mưa bão như vật rơi, đổ, sập, điện giật, sạt lỡ đất, nước cuốn trôi…Qua đó rà soát, xây dựng đầy đủ các phương án, giải pháp bảo đảm an toàn phù hợp.

Quản lý, kiểm tra các loại máy, thiết bị, vật tư, các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, chỉ đưa vào sử dụng sau khi đã được kiểm tra, kiểm định, đăng ký đảm bảo an toàn.

Tổ chức huấn luyện, hướng dẫn các quy định, nội quy, quy trình, biện pháp an toàn, vệ sinh lao động; trang bị đầy đủ phương tiện, công cụ lao động bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động theo quy định.

Bố trí bộ phận hoặc người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động; phối hợp với Ban chấp hành công đoàn cơ sở để rà soát, thành lập, kiện toàn mạng lưới an toàn, vệ sinh lao động; cử người giám sát, kiểm tra việc thực hiện nội quy, quy trình, biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc theo quy định của pháp luật.

Tổ chức trực ban nghiêm túc sẵn sàng ứng phó với mọi diễn biến xấu của thời tiết có thể xảy ra. Đối với các công trình đang thi công xây dựng, láng trại tại những khu vực triền đồi, sườn núi, thung lũng, ven sông, ven biển và những nơi có địa hình, địa chất thủy văn không thuận lợi, dễ có nguy cơ mất an toàn, cần chú ý các biện pháp phòng ngừa, đảm bảo an toàn hoặc di tản người đến nơi trú ngụ an toàn trước khi có mưa bão. Khi phát hiện nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, sự cố gây mất an toàn lao động, phải có phương án, biện pháp khắc phục kịp thời, đảm bảo an toàn trước khi tiếp tục sản xuất, thi công. Thực hiện việc khai báo, điều tra, thống kê, báo cáo tai nạn lao động, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động theo quy định.

Cuộc đối thoại là một diễn đàn mở để các bên có liên quan bao gồm các đơn vị quản lý nhà nước, đại diện người lao động và sử dụng lao động đóng góp và trao đổi ý kiến trong việc thực thi và hoàn thiện pháp luật về An toàn vệ sinh lao động. Bên cạnh đó, Đối thoại sẽ góp phần tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa các bên tham gia và nâng cao hiểu biết về pháp luật an toàn vệ sinh lao động.

Trọng Tài

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/van-hoa-xa-hoi/doi-song-xa-hoi/doi-thoai-voi-cong-dong-doanh-nghiep-thuc-hien-chinh-sach-phap-luat-ve-an-toan-ve-sinh-lao-dong-164778.html