Đối thoại với doanh nghiệp

Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Ninh Thuận vừa tổ chức đối thoại với doanh nghiệp. Buổi đối thoại do Chủ tịch UBND tỉnh Trần Quốc Nam chủ trì, cùng đại diện nhiều sở, ngành và 8 doanh nghiệp tham gia.

Sau khi nghe các doanh nghiệp, nhà đầu tư kiến nghị, phản ánh một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh, lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Thuận đã thông tin, giải đáp đầy đủ các nội dung và chỉ đạo cụ thể các cơ quan, địa phương phải có trách nhiệm giải quyết dứt điểm những nội dung kiến nghị.

Với sự vào cuộc đầy trách nhiệm của lãnh đạo các cấp nên trong 9 tháng năm 2024, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Ninh Thuận tiếp tục phục hồi, ổn định, thu ngân sách nhà nước đạt 3.540 tỷ đồng, tăng 29,2%, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 8% so với cùng kỳ, xếp vị trí 19/63 tỉnh, thành phố cả nước, 4/14 tỉnh, thành phố khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung.

UBND tỉnh Ninh Thuận tổ chức đối thoại với doanh nghiệp.

UBND tỉnh Ninh Thuận tổ chức đối thoại với doanh nghiệp.

Việc đối thoại với doanh nghiệp không phải là điều mới mẻ, nhưng tổ chức thường xuyên, định kỳ hằng tháng, có chất lượng, hiệu quả sau đối thoại thì không phải địa phương nào cũng làm được. Có địa phương cũng tổ chức đối thoại gặp mặt, song chỉ mang tính hình thức, thiếu tính liên tục, dẫn đến việc các vấn đề chậm được giải quyết hoặc chưa triệt để, vì thế khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, hoạt động sản xuất, kinh doanh, kéo theo địa phương mất đi cơ hội thu hút đầu tư, phát triển kinh tế-xã hội.

Hiện nay, nước ta có hơn 930 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, khoảng 14,4 nghìn hợp tác xã và hơn 5 triệu hộ kinh doanh, với đóng góp khoảng 60% tổng sản phẩm trong nước (GDP), 85% tổng số lao động và 98% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu. Các doanh nghiệp có sự đóng góp tích cực vào hoạt động an sinh xã hội. Vì vậy, sự thành công của doanh nghiệp cũng chính là sự thành công của địa phương và đất nước. Do đó, việc tổ chức đối thoại thường xuyên định kỳ giữa lãnh đạo địa phương với doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn cũng như giải quyết các vấn đề phát sinh là việc làm cần thiết.

Song để bảo đảm tính bền vững, hiệu quả, các cuộc đối thoại cần được công khai về nội dung, thời gian giải quyết các vấn đề. Mặt khác, cần phát huy hơn nữa tinh thần chủ động nắm bắt thông tin, giải quyết khó khăn, kiến nghị của doanh nghiệp từ sớm và ngay tại cơ sở, nhất là về thủ tục hành chính, pháp lý, chính sách. Đồng thời, phải thiết lập cơ chế giám sát, đánh giá hiệu quả của việc đối thoại, quy rõ trách nhiệm đối với từng cơ quan, địa phương nếu sau đối thoại, các vấn đề không được giải quyết hoặc giải quyết không thấu đáo.

Thiết nghĩ, việc đối thoại với doanh nghiệp phải phản ánh đúng quan điểm, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và Chính phủ là “hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân, doanh nghiệp”, luôn đồng hành, lắng nghe, chia sẻ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng, để doanh nghiệp hoạt động thuận lợi theo pháp luật, yên tâm sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy sự phát triển chung của đất nước.

VŨ DUY HIỂN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/doi-thoai-voi-doanh-nghiep-798244