Đời thực vất vả của thầy Páo trong 'Bão ngầm'
Gần 30 năm làm nghề, vì vẻ ngoài gai góc nên Thạch Kim Long – người thủ vai thầy Páo trong 'Bão ngầm' thường chỉ được giao cho hai loại vai: hoặc là nông dân hoặc là giang hồ. Từng tạo dấu ấn cả ở truyền hình và điện ảnh nhưng đời thực của anh lại rất khó khăn.
Bạn diễn của Thạch Kim Long cho biết, trên phim gai góc là thế, thực ra ngoài đời anh rất rụt rè, ít nói, trông giống nông dân hơn là một diễn viên điện ảnh.
Sinh năm 1970, là người dân tộc Khmer ở Sóc Trăng, năm 1995, Thạch Kim Long khăn gói lên Sài Gòn học khóa diễn xuất điện ảnh trong 9 tháng. Học cùng với anh thời đó có diễn viên Chi Bảo, Trung Dũng, Cascader Quốc Thịnh, Hoài An…
Sau khi hoàn thành khóa học, anh vào nghề diễn bằng những vai quần chúng, ngoài ra còn làm đủ các công việc khác để mưu sinh, từ thợ hồ, chạy bàn quán cà phê, bảo vệ nhà hàng, cho đến phụ bán thịt ngoài chợ... Trong suốt quá trình ấy, anh nhiều lần bỏ về quê, rồi nhớ nghề, lại lộn lại Sài Gòn.
Mãi đến năm 2003, nhờ kinh nghiệm mười mấy năm chăn trâu cắt cỏ, gắn bó với ruộng đồng sông nước mà Thạch Kim Long được mời tham gia phim “Mùa len trâu”, dù trước đó, vai diễn này đã được giao cho người khác.
Sự thành công ngoài mong đợi của bộ phim có kinh phí sản xuất 1 triệu đô không làm cho Thạch Kim Long đổi đời. Cuộc sống diễn viên của anh vẫn tiếp tục với những vai quần chúng. Chán nản, anh quyết định tạm bỏ nghề diễn chuyển qua làm thiết kế, dựng cảnh cho các đoàn phim.
Đến năm 2007, Thạch Kim Long tình cờ gặp lại diễn viên Kiều Trinh (cùng đóng trong “Mùa len trâu”), nhờ Kiều Trinh giới thiệu, anh được chọn vào vai chính Hoạt trong bộ phim điện ảnh “Rừng đen” (ĐD Vương Đức) - Bông sen bạc LHP VN lần thứ 16. Đây cũng chính là một bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp của anh.
”Tôi rất biết ơn Kiều Trinh vì đã giới thiệu tôi với đạo diễn Vương Đức. Nhân vật Hoạt là vai diễn tôi rất thích. Nó gần với tôi, một người sống nội tâm nhưng ưa thích hành động. Tôi không ngại gian khó. Tôi thích đắm chìm trong cảm xúc nhân vật. Trong phim tôi là nhân vật đó, tôi không nghĩ hoặc quên mất mình là diễn viên. Tôi luôn ao ước được mời tham gia những vai đầy cá tính như thế” - Thạch Kim Long nói về vai Hoạt.
Với vai diễn này, Thạch Kim Long trở thành một trong những ứng cử viên nặng ký của hạng mục Nam diễn viên chính xuất sắc nhất giải Cánh diều Vàng 2007. Rồi sau đó, anh lại vào tiếp một vai ấn tượng khác là người phiên dịch Huân trong phim “Đừng đốt” của đạo diễn Đặng Nhật Minh.
Thời gian sau đó, Thạch Kim Long được các đạo diễn chú ý hơn, đặc biệt ở mảng truyền hình. Vai ông trùm sới bạc Chum Nốp trong “Đồng tiền quỷ ám” đã đóng đinh hình ảnh giang hồ cộm cán của Thạch Kim Long trên màn ảnh nhỏ. Cái tên Chum Nốp sau đó trở thành nickname của người đàn ông Khmer “lành như đất”.
Sự nghiệp diễn xuất sau đó của Thạch Kim Long khá thuận lợi. Anh liên tiếp được nhận vai ở các dự án điện ảnh, truyền hình lớn như: Khát vọng Thăng Long (Đạo diễn Lưu Trọng Ninh); Bi đừng sợ (Đạo diễn Phan Đăng Di); Vó ngựa trời nam (Đạo diễn Lê Cung Bắc); Đất mặn (Đạo diễn Tường Phương); Bình Tây Đại nguyên soái (Đạo diễn Phan Hoàng). Riêng trong “Bình Tây đại nguyên soái”, Thạch Kim Long được vào vai Thạch Xoan - vị tướng người Khmer dưới quyền Phó quản Trương Định, anh có cơ hội thể hiện gốc gác của mình và nói tiếng Việt theo cách của người Khmer.
Vai diễn thầy Páo trong “Bão ngầm” tuy không có nhiều đất diễn song bạn nghề đều cho rằng, Thạch Kim Long đã làm rất tốt phần việc của mình.
Bây giờ, những ngày không đi phim thì Thạch Kim Long ở nhà phụ vợ bán cà phê, nước ngọt ở quán cóc ven đường. Là diễn viên nổi tiếng gần 30 năm nhưng vợ chồng Thạch Kim Long vẫn phải sống đời ở trọ, nay đây mai đó. Thời gian nghỉ dịch COVID-19 vừa rồi, anh cũng như nhiều người ngụ cư ở Sài Gòn đều gặp khó khăn khi mọi công việc đều đóng băng.
Thạch Kim Long hy vọng sau thầy Páo anh sẽ có thêm nhiều vai diễn nữa. Một phần vì lòng yêu nghề chưa bao giờ gián đoạn, phần nữa, là để có thêm thu nhập nuôi vợ con.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/doi-thuc-vat-va-cua-thay-pao-trong-bao-ngam-post1430353.tpo