Đội thuyền cứu hộ Thạch Long: 'Chúng tôi đã sẵn sàng nhận nhiệm vụ mới'
Dự báo hoàn lưu bão số 9 sẽ gây mưa lớn ở Hà Tĩnh những ngày tới, đội thuyền cứu trợ xã Thạch Long (Thạch Hà) đã chuẩn bị sẵn sàng tiếp nhận nhiệm vụ ứng cứu vùng lũ trong trường hợp khẩn cấp.
Anh Nguyễn Văn Sinh (thôn Đông Hà 1) cùng 35 ngư dân của xã Thạch Long sẽ được huy động làm công tác cứu hộ trong tình huống mưa lớn gây ngập lụt do hoàn lưu bão số 9.
Theo kế hoạch huy động lực lượng ứng phó với ngập lụt có thể xảy ra do hoàn lưu bão số 9 của huyện Thạch Hà, anh Nguyễn Văn Sinh (thôn Đông Hà 1) cùng 35 ngư dân của Thạch Long sẽ huy động tất cả 10 tàu, thuyền để ứng cứu xã Tân Lâm Hương.
Trong một số trường hợp khẩn cấp, đội cứu hộ của các anh sẽ nhận lệnh di chuyển sang các vùng trọng yếu của Thạch Hà như: Tượng Sơn, Thạch Thắng, Thạch Đài để hỗ trợ lực lượng chức năng.
“Mấy hôm nay, anh em chúng tôi thường xuyên theo dõi dự báo thời tiết để nắm bắt tình hình di chuyển của bão số 9. Từ đó có phương án cứu hộ cụ thể”, ngư dân Nguyễn Văn Sinh (thôn Đông Hà 1, người bên trái) chia sẻ.
“Mấy hôm nay, anh em chúng tôi thường xuyên theo dõi dự báo thời tiết để nắm bắt tình hình di chuyển của bão số 9. Từ đó có phương án cứu hộ cụ thể", anh Nguyễn Văn Sinh (thôn Đông Hà 1) cho biết.
Theo anh Sinh: "Kinh nghiệm trong đợt cứu hộ ở xã Tân Lâm Hương vừa qua cho thấy ngoài việc chuẩn bị chu đáo, an toàn về phương tiện, qua các tình huống phát sinh trong đợt lũ vừa qua, tôi có thêm kinh nghiệm cần tích trữ thêm nhiên liệu, vừa để phục vụ thuyền, vừa để tiếp tế cho các hộ dân khi cần”.
Trong đợt lũ lụt vừa qua, ngoài phương tiện cứu hộ của lực lượng công an, quân đội... có hơn 20 chiếc thuyền của bà con ngư dân Thạch Long, Thạch Văn, Thạch Lạc, Thạch Trị đã kịp thời phối hợp với lực lượng chức năng bám sát tâm lũ, cứu hộ, cứu nạn kịp thời.
Người dân Thạch Hà rất cảm động, khâm phục trước những hành động kịp thời của các ngư dân. Tinh thần không ngại gian nan, nguy hiểm của họ đã giúp cho huyện giảm thiểu tối đa thiệt hại về người trong cơn lũ lịch sử.
Anh Sinh kiểm tra lại các tấm ván trên chiếc thuyền của gia đình.
Anh Nguyễn Hữu Thọ (thôn Đông Hà 1) nhớ lại một tình huống sáng tạo trong đợt cứu hộ vừa rồi, đó là khi chiếc thuyền cứu hộ chỉ qua được cổng chính, không thể “lọt” cửa phụ, muốn đưa các cháu nhỏ ra ngoài để lên thuyền, anh đã hướng dẫn gia đình đặt các cháu nhỏ... vào một chiếc nồi to, rồi đẩy ra phía thuyền.
“Sau trận lũ lịch sử vừa qua, tôi còn nghĩ thêm được nhiều phương án hỗ trợ người dân như dùng nắp soong, chảo phát ra tín hiệu nhờ hỗ trợ trong trường hợp không có còi; dùng mái chèo, cọc tiếp tế đồ ăn cho các hộ dân... Các cách làm này vừa huy động được những vật dụng sẵn có, vừa kịp thời đáp ứng nhiệm vụ khẩn cấp. Kinh nghiệm thực tiễn sẽ giúp tôi thực hiện hiệu quả hơn những đợt cứu hộ trong những tình huống lũ lụt mới”, anh Thọ cho biết.
Anh Phạm Công Kỳ - một người dân ở thôn La Xá (xã Tân Lâm Hương) xúc động nói: “Anh em đội thuyền Thạch Long đã vào tận từng nhà, tiếp cận từng người dân, đưa về nơi an toàn. 3 ngày ở Tân Lâm Hương cũng là thời gian các anh ngâm mình hàng tiếng đồng hồ dưới nước, mặc cho mưa táp vào mặt đến cay mắt nhưng vẫn kiên trì với công tác cứu hộ. Hình ảnh những ngư dân băng mình trong cơn lũ dữ, tìm mọi cách vượt trở ngại, sẵn sàng có mặt khi người dân cần khiến chúng tôi mãi không bao giờ quên".
Cách hỗ trợ, ứng cứu người dân của anh Nguyễn Hữu Thọ là huy động tối đa những vật dụng tại chỗ. Chiếc cọc chống này từng được anh Thọ sử dụng để tiếp tế đồ ăn cho nhiều hộ dân tại những khu vực khó tiếp cận.
Tranh thủ chút thời gian hửng nắng hiếm hoi giữa trưa 29/10, anh Nguyễn Văn Diệm (thôn Đông Hà 2) ra bến, kiểm tra chiếc thuyền có công suất 6 CV.
Sau đợt cứu hộ vừa qua, chiếc thuyền nhỏ của gia đình anh hư hỏng một vài chỗ. Anh đã thuê thợ về thay đinh, ươm xép, đại tu và thường xuyên kiểm tra để có thể yên tâm chuẩn bị cho công tác cứu hộ sắp tới.
Ngoài “ngoại thất” của chiếc thuyền, các chi tiết máy cũng được ngư dân kiểm tra tỉ mỉ, cẩn thận
Với phương châm “sẵn sàng có mặt khi người dân cần”, các ngư dân Thạch Long đã cùng ngồi lại với nhau để bàn bạc các phương án, kế hoạch cụ thể, tránh phân tán, “mạnh ai nấy làm”.
Theo đó, trên mỗi thuyền lúc nào cũng duy trì 3 người, một người lái, người liên lạc, người quan sát... Từ kinh nghiệm cứu trợ vừa qua, mỗi người sẽ lên kịch bản ứng phó với các tình huống khẩn cấp.
Hiện, tất cả các ngư dân đã sẵn sàng tiếp nhận nhiệm vụ trong mùa bão
Các thành viên trong đội cứu hộ cũng đã trao đổi với nhau kỹ càng những kỹ năng ứng cứu hiệu quả như: đối với trẻ sơ sinh sẽ chuẩn bị các tư thế ẵm, bế để đảm bảo an toàn tối đa cho em bé; trong trường hợp người cần sơ tán là sản phụ, người cứu hộ phải nhanh chân huy động lực lượng, đưa họ lên thuyền một cách nhanh chóng. Hay khi di dời các cụ già, đội thuyền sẽ vừa cõng, vừa trấn an họ...
Những sự chuẩn bị này sẽ giúp các anh chủ động, phối hợp nhịp nhàng với nhau, trở thành chỗ dựa cho người dân trong lũ lụt, giúp họ vơi bớt hoang mang, lo lắng.
Ngoài những thuyền nhỏ được ngư dân sử dụng cho công tác cứu hộ, các thuyền có công suất lớn hơn được chằng néo cẩn thận, tránh thiệt hại trong mùa mưa bão.
Trước nhiệm vụ lớn đã được huyện giao trong kịch bản ứng phó với hoàn lưu bão số 9, các ngư dân Thạch Long cũng đã cẩn thận thăm dò địa hình tại các xã cần ứng cứu để chủ động nắm bắt; đưa ra cách di chuyển, luồn lách thuyền phù hợp nhằm tránh tối đa thiệt hại, hư hỏng phương tiện.
Với kinh nghiệm 30 năm bám biển, 35 ngư dân Thạch Long được huy động làm công tác cứu hộ để ứng phó với diễn biến mưa lớn từ hoàn lưu bão số 9 cũng đang nhắc nhở nhau không chủ quan, thường xuyên chú ý chăm lo cho sức khỏe bởi việc phải ngâm nước trong nhiều ngày, nhiều giờ liên tục có thể dẫn đến tình trạng đuối sức.
Sự nhiệt tình, dũng cảm của các ngư dân Thạch Long khiến cá nhân tôi và Nhân dân trong xã vô cùng cảm động. Với các anh, tính mạng, sức khỏe của người dân luôn được đặt lên hàng đầu. Các anh là một trong những chỗ dựa tinh thần cho người dân Tân Lâm Hương trong cơn hoạn nạn.