Đội tình nguyện cứu san hô đáy biển
Một nhóm thợ lặn biển ở Nha Trang đã tình nguyện đóng góp công sức để ươm trồng, nuôi cấy san hô dưới lòng đại dương.
Trên hành trình 20 năm làm nghề huấn luyện viên lặn biển, anh Nguyễn Hà Minh Trị (44 tuổi, trú tại TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) cảm nhận rõ những sự đổi thay tiêu cực từ hệ sinh thái biển trước những tác động của con người, biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường.
Vì thế, giữa năm 2020 anh Trị cùng một số người bạn cùng nhau lập nhóm chuyên bảo tồn, nuôi cấy san hô - nhóm Reef Master Vietnam. Các thành viên phần lớn là học viên và các huấn luận viên lặn biển trải dài khắp đất nước.
Sau khi lập nhóm Reef Master Vietnam, các thành viên cùng nhau họp bàn kế hoạch, giải pháp phục hồi san hô tại những vùng biển đang bị suy giảm. Nhóm anh Trị chọn giải pháp dùng khoan, khoan một lỗ nhỏ trên các tảng đá ở đáy biển. Sau đó, dùng một chất keo đặc biệt, dán san hô lên để nó phát triển theo tự nhiên. Sau gần 2 năm thử nghiệm, nhóm nhận thấy những nhánh san hô gắn lên đá cố định phần lớn đều phát triển khỏe mạnh.
Tại vùng biển ở Ninh Thuận, nhóm anh Trị còn đưa ra phương án trồng san hô lên giàn treo dưới biển. Ngoài ra, nhóm Reef Master Vietnam đang thử nghiệm dùng loại xi măng trộn keo - không gây ô nhiễm môi trường, để gắn một số nhánh san hô Gạc Nai lên các bãi đá gần bờ.
Nhìn bên ngoài tưởng chừng quá trình ươm mầm, nuôi cấy san hô nhân tạo tưởng đơn giản. Thế nhưng mỗi chuyến đi đó, phải ít nhất khoảng 40 người trong đoàn để đảm bảo hành trình an toàn và đạt được mục tiêu đặt ra. Với số lượng lớn các thành viên trong nhóm, anh Trị chia nhỏ theo từng tổ phụ việc nấu ăn, lấy mẫu san hô, lặn bình, lặn tự do.
Như một chuyến lặn biển tại vịnh Vĩnh Hy - Ninh Thuận, trước đó nhiều ngày nhóm đã cùng nhau chuẩn bị các trang thiết bị, nhu yếu phẩm phục vụ suốt hành trình. Từ TP. Nha Trang, nhóm di chuyển hàng trăm km để tới vườn quốc gia Núi Chúa. Sau đó, nhóm tiếp tục dùng ca nô di chuyển khoảng 15 phút đến vùng biển ươm san hô. Tại đây, sẽ có một nhóm đi lấy giống san hô tại khu vực còn đa dạng sinh học. Nhóm còn lại chuẩn bị giá thể, lắp đặt thiết bị nuôi cấy trước khi gắn san hô được chiết vào.
Giá thể san hô được đặt dưới độ sâu 8m so với mặt nước biển. Đây là độ sâu tối ưu giúp san hô thể tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, cũng là nơi nước biển có nhiệt độ ổn định từ 18-26 độ C. Dưới đáy biển, nhóm thợ lặn sẽ cố định một sợi dây vào tản đá lớn. Chiều ngược lại sát mặt biển, nhóm đặt một phao chìm giúp giá thể luôn ổn định ở độ sâu 8m. Bên cạnh việc nuôi cấy các giàn san hô mới, nhóm còn kiểm tra tính cố định của giàn treo tại những vị trí ươm trồng cũ. Tại đây, nhóm sử dụng cọ mềm đánh nhẹ chất bẩn bám trên các nhánh san hô. Đến nay nhóm đã ươm trồng san hô trên các giàn treo và san hô cũng bắt đầu phát triển dài ra 3cm tại vùng biển Vĩnh Hy.
Ông Trần Văn Tiếp - Giám đốc Ban Quản lý Vườn quốc gia Núi Chúa, tỉnh Ninh Thuận, cho biết: Ý tưởng nuôi cấy san hô của nhóm anh Trị là rất tốt, việc này sẽ góp một phần tái tạo rạn san hô, giáo dục ý thức bảo vệ môi trường biển cho cộng đồng một cách bền vững. Tuy nhiên, mô hình này cần phải có thời gian đánh giá hiệu quả cũng như những kết quả mang lại cho hệ sinh thái san hô nơi đáy biển.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/doi-tinh-nguyen-cuu-san-ho-day-bien-post1504746.tpo