Đối trọng và định vị

Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos đã gặt hái được nhiều kết quả quan trọng cho đất nước từ chuyến thăm Nhật Bản.

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida (bên phải) và Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. bắt tay trước khi hội đàm tại Tokyo hôm 9,/2. Ảnh: Kyodo

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida (bên phải) và Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. bắt tay trước khi hội đàm tại Tokyo hôm 9,/2. Ảnh: Kyodo

Cứ theo sự quả quyết của ông Marcos khi ở thăm Nhật Bản thì mối quan hệ giữa Philippines và Nhật Bản hiện tại không những chỉ rất tốt đẹp mà còn tốt đẹp chưa từng thấy.

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tuyên bố Nhật Bản sẽ có gói tài chính lớn đầu tư vào các dự án phát triển kinh tế - xã hội ở Philippines. Nhưng đáng chú ý hơn cả là thỏa thuận ký kết giữa ông Kishida và ông Marcos về tăng cường hợp tác song phương trên lĩnh vực quốc phòng và an ninh, mở đường để hai nước đàm phán và ký kết hiệp định hợp tác về quốc phòng, quân sự và an ninh, đem lại bản chất, tầm vóc và chất lượng hoàn toàn mới cho mối quan hệ giữa Nhật Bản và Philippines.

Ông Kishida và ông Marcos mới chỉ thỏa thuận việc quân đội hai nước cùng tham gia các hoạt động nhân đạo và cứu trợ khẩn cấp, huấn luyện và tập trận chung, cho phép quân đội Nhật Bản - vẫn dưới tên gọi là Lực lượng phòng vệ Nhật Bản - được hiện diện ở Philippines để thực hiện những hoạt động nói trên. Những bước đi tiếp theo sẽ là cung cấp vũ khí và thiết bị quân sự, chuyển giao kỹ thuật quân sự và công nghệ quốc phòng của Nhật Bản cho Philippines.

Chuyến thăm Nhật Bản của ông Marcos được cả bên trong lẫn bên ngoài hai nước quan tâm đặc biệt bởi chỉ trước đó có mấy ngày, Philippines và Mỹ có thỏa thuận mới thúc đẩy mạnh mẽ mối quan hệ đồng minh quân sự truyền thống. Theo thỏa thuận ấy, ông Marcos cho phép Mỹ tiếp cận và sử dụng thêm 4 căn cứ quân sự ở Philippines.

Hồi đầu tháng trước, ông Marcos tới thăm Trung Quốc. Vào dịp ấy, ông Marcos và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhất trí với nhau không những chỉ về thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa mối quan hệ song phương mà còn về việc Trung Quốc và Philippines cùng nhau quản trị bất đồng và xung khắc liên quan đến chuyện tranh chấp chủ quyền lãnh thổ ở khu vực Biển Đông.

Thiên hạ có thể dễ dàng nhận thấy rằng ông Marcos xử lý khác người tiền nhiệm các mối quan hệ đối ngoại của Philippines, đặc biệt với Mỹ và Trung Quốc.

Ở sự khác biệt này có hai điều cơ bản nhất và đáng được chú ý nhất. Trước hết là việc ông Marcos điều chỉnh gần như toàn bộ chính sách đối ngoại, trong đó đặc biệt đối với Trung Quốc và Mỹ. Ông Marcos không tiếp tục định hướng "nhất biên đảo" về phía Trung Quốc của người tiền nhiệm nhưng cũng không ngả hẳn về phía Mỹ như quan điểm chính sách của người tiền nhiệm.

Trái lại, ông Marcos chủ trương vừa tranh thủ Trung Quốc vừa phòng ngừa Trung Quốc, thực thi sách lược vừa lạt mềm buộc chặt Trung Quốc vừa gây dựng đối trọng để có thế trong quan hệ với Trung Quốc.

Đối với Mỹ, ông Marcos vừa thúc đẩy rất mạnh mẽ mối quan hệ đồng minh quân sự chiến lược truyền thống với Mỹ - vốn đã bị sứt mẻ khá đáng kể ở thời cầm quyền của người tiền nhiệm - nhưng đồng thời luôn lưu ý đến thái độ, phản ứng và hành động của Trung Quốc. Đồng thời, ông Marcos nỗ lực gây dựng mạng lưới quan hệ hợp tác quân sự, quốc phòng và an ninh với các nước ở trong cũng như ngoài khu vực để vừa tránh bị coi là cùng hội cùng thuyền với Mỹ vừa vẫn có được hiệu ứng cao nhất của con bài đối trọng.

Cái khác nữa ở ông Marcos so với người tiền nhiệm ẩn hiện ở sự định vị Philipines không chỉ là quốc gia ở khu vực Đông Nam Á và thành viên Asean mà còn là một trong những tâm điểm tiềm năng của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

An ninh và ổn định trong khu vực hiện được tất cả các bên liên quan lưu tâm đến hàng đầu, vì thế mối quan hệ của Philipines với Mỹ và Nhật Bản được dành cho tầm quan trọng và giá trị đặc biệt. Cả vì mục tiêu đối phó Trung Quốc lẫn vì lợi ích hiện tại cũng như trong tương lai ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Mỹ và Nhật Bản đều phải rất coi trọng Philipines. Ông Marcos tận lợi thực tế đó thông qua những động thái mới với Mỹ và bằng chuyến công du Nhật Bản này.

Cựu Đại sứ Trần Đức Mậu

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/doi-trong-va-dinh-vi.html