Đối tượng bỏ trốn đang bị truy nã ra đầu thú có được coi là tình tiết giảm nhẹ?

Sau khi nhiều đối tượng bỏ trốn đang bị truy nã ra đầu thú, điều được nhiều người quan tâm là theo quy định hiện hành, trong trường hợp này, việc cá nhân ra đầu thú có được xem là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự?

Ngày 15-11, Văn phòng Cơ quan CSĐT - Công an tỉnh An Giang đã tiếp nhận đối tượng Nguyễn Thị Thúy Vi (SN 1994; ở thị trấn An Châu, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang) ra đầu thú. Đây là đối tượng có lệnh truy nã đặc biệt nguy hiểm về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Vụ án được TAND tỉnh An Giang đưa ra xét xử và tuyên phạt tù đối với Dương Hải Thọ (chồng Vi)và Vi. Trong lúc được tại ngoại chờ chấp hành án thì Vi bỏ trốn khỏi địa phương nên bị truy nã.

Tuy vậy, trước sự truy bắt ráo riết và vận động, thuyết phục của lực lượng công an, Vi đã trở về nhà và ra đầu thú.

Đối tượng Nguyễn Thị Thúy Vi tại cơ quan công an

Đối tượng Nguyễn Thị Thúy Vi tại cơ quan công an

Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, Điều 2 Thông tư liên tịch 13/2012 nêu rõ, đối tượng bị truy nã gồm: Bị can, bị cáo bỏ trốn hoặc không biết đang ở đâu; Người bị kết án phạt tù bỏ trốn; Người đang chấp hành án phạt tù, người được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, người được hoãn chấp hành án bỏ trốn…

Cũng theo thông tư 13/2012, để có thể ra quyết định truy nã đối tượng đang bỏ trốn, cơ quan có thẩm quyền phải đảm bảo đáp ứng các điều kiện:

Có đủ căn cứ xác định đối tượng đã bỏ trốn hoặc không biết đang ở đâu và đã tiến hành các biện pháp xác minh, truy bắt nhưng không có kết quả; Đã xác định chính xác lý lịch, các đặc điểm để nhận dạng đối tượng bỏ trốn.

Còn về đầu thú, theo điểm I, khoản 1, Điều 4, Bộ luật TTHS 2015, đó là việc người phạm tội sau khi bị phát hiện đã tự nguyện ra trình diện và khai báo với cơ quan có thẩm quyền về hành vi phạm tội của mình.

Người phạm tội “đầu thú” là điều kiện để xem xét được hưởng tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 2, Điều 51, BLHS 2015, khi quyết định hình phạt, Tòa án có thể coi đầu thú hoặc tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ lý do giảm nhẹ trong bản án.

Trường hợp các bị can đang bị truy tố, nếu bị can nhận thức được tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi phạm tội của mình, ăn năn hối cải, tự nguyện ra đầu thú và khai nhận các hành vi vi phạm và những đồng phạm khác thì sẽ được hưởng chính sách khoan hồng của pháp luật.

Đối với người bị kết án bỏ trốn đang bị truy nã nhưng ra đầu thú, Luật sư Hồng Vân cho biết, khi có người bị truy nã đến đầu thú thì các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất biết để cử người đến tiếp nhận và lập biên bản về việc người bị truy nã ra đầu thú.

Trường hợp người bị truy nã ra đầu thú tại cơ quan Công an, Viện kiểm sát hoặc UBND các cấp thì các cơ quan này phải lập biên bản về việc người bị truy nã ra đầu thú và giải ngay người đó đến CQĐT có thẩm quyền.

Khi tiếp nhận người bị truy nã ra đầu thú, CQĐT phải lập biên bản về việc người bị truy nã ra đầu thú (nếu cơ quan bàn giao chưa lập biên bản) và lấy lời khai về hành vi phạm tội, quá trình trốn, lý do đầu thú và những vấn đề khác có liên quan - Luật sư Hồng Vân nhấn mạnh.

H.L

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/doi-tuong-bo-tron-dang-bi-truy-na-ra-dau-thu-co-duoc-coi-la-tinh-tiet-giam-nhe-post523098.antd