Đối tượng chuyên sản xuất thuốc chữa ung thư bằng bột than kêu oan
Mới đây, TAND Cấp cao tại Hà Nội đã xem xét đơn kháng cáo kêu oan của bị cáo Nguyễn Xuân Thu (38 tuổi, ở huyện Thường Tín, Hà Nội) và Nguyễn Văn Tuấn (34 tuổi, ở huyện An Dương, Hải Phòng) về tội Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm.
Trước đó, tòa sơ thẩm xử phạt bị cáo Thu 10 năm tù về Sản xuất hàng giả và 12 năm tù về tội Sản xuất hàng giả là thực phẩm. Tổng hợp hình phạt là 22 năm tù. Tương tự bị cáo Tuấn lĩnh án 17 năm tù cùng về hai tội danh trên.
Sau phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Thu kháng cáo kêu oan; bị cáo Tuấn xin giảm nhẹ hình phạt.
Bản án sơ thẩm thể hiện, năm 2012, Thu và Tuấn bàn bạc, thống nhất sản xuất Vinaca chữa ung thư CO3.2, Vinaca xương khớp CO2, Vinaca Vi3, Vi4, Vi5, Vi6, Vi7, xà phòng Spa Vinaca, rượu XO, Vinaca Carbon đa dụng từ nguyên liệu bột than được đốt từ các cây tre, thân đu đủ, củ su hào, củ nghệ, thục đen...
Tuấn thành lập Công ty Hồng An Phong, đăng ký kinh doanh các sản phẩm từ gỗ, tre, rơm rạ..., sản xuất máy thông dụng. Thu giữ vai trò cung cấp máy móc thiết bị và nguyên liệu và chỉ đạo Tuấn đốt thành than để làm nguyên liệu sản xuất.
Ngày 12/4/2017, Thu và Tuấn thành lập Công ty TNHH Vinaca do Thu làm Tổng giám đốc với số vốn điều lệ 1 tỷ đồng, trong đó Thu góp 900 triệu, còn Tuấn đóng 100 triệu đồng.
Một số sản phẩm như dầu gội đầu, xà phòng Spa mang thương hiệu Vinaca, Thu khai mua dầu Sunsilk và phôi xà phòng về pha trộn, điều chế... Giá sản phẩm cũng như số lượng xuất kho đều do Thu quyết định. Chẳng hạn, sản phẩm thấp nhất là xà phòng Spa: 70.000 đồng/bánh, đắt nhất là rượu XO Vinaca giá 1,5 triệu đồng/chai.
Vinaca còn được cấp chứng nhận "Top 10 thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ tốt nhất Việt Nam năm 2017".
Khi điều tra, Công an thành phố Hải Phòng đã ủy thác điều tra đến 27 cơ quan điều tra các tỉnh, thành phố trong cả nước như: Điện Biên, Bình Định, Quảng Ninh, Nam Định, Hải Dương, Bắc Giang, Thái Bình,TP HCM, Đà Nẵng, Hà Nội... để thu thập tài liệu liên quan đến việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm Vinaca.
Kết quả mẫu sản phẩm giám định tại Viện khoa học hình sự (Bộ Công an) cho thấy tất cả các sản phẩm Vinaca là hàng giả về hàm lượng, không đúng với các thành phần trong đăng ký tiêu chuẩn chất lượng và kiểm định chất lượng sản phẩm.
Tại tòa, bị cáo Thu thừa nhận hành vi thực hiện song cho rằng, bị cáo đang tham gia một dự án khoa học cùng các trường đại học của nước ngoài và được tài trợ số tiền 10 tỷ USD. Các sản phẩm đều mang nhiều giá trị cho môi trường và người tiêu dùng. Các sản xuất Vinaca V3,V4,V5,V6V7, Vinaca ung thư Co3.2, CO2, rượu Vinaca XO… không chứa độc tố mà có chất bí mật là vàng nano.
Bị cáo giải thích, vàng nano dễ bị oxi hóa và mất tác dụng khi gặp các chất độc nên phải tiến hành ngâm thử chai lọ. Khi cơ quan chức năng bắt quả tang các công nhân đang đốt than tre và đóng gói viên nang, thực chất là ngâm thử chai lọ. Sau đó, bị cáo sẽ chỉ đạo việc ngâm ủ, rung lắc trong nhiều tháng, đưa vào máy thổi CO2 và chuyển đi đóng gói.
Tòa phúc thẩm nhận định, bị cáo Thu là người khởi xướng, chủ mưu, cung cấp máy móc, thiết bị, nguyên liệu và chỉ đạo Tuấn đốt thành than để làm nguyên liệu. Bị cáo Tuấn giúp sức tích cực. Từ khi điều tra, truy tố, bị cáo Thu giải thích vòng vo, không thừa nhận hành vi nên cấp sơ thẩm xử phạt bị cáo mức án 22 năm tù là phù hợp.
Còn bị cáo Tuấn được hưởng các tình tiết thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải. Tại cấp phúc thẩm, bị cáo không có thêm tình tiết giảm nhẹ nào đáng kể. Do đó, tòa phúc thẩm quyết định giữ nguyên bản án sơ thẩm.