Đối tượng đổ xăng đốt quán khiến 11 người tử vong có thể đối mặt với án tử hình?

Theo nhận định của luật sư, hành vi cố ý tước đoạt tính mạng người khác một cách đặc biệt nguy hiểm, gây hậu quả nghiêm trọng có thể đối diện mức án cao nhất là tử hình.

Dư luận xã hội bàng hoàng khi thông tin về một vụ đổ xăng đốt quán cà phê khiến 11 người thiệt mạng tràn ngập trên mặt báo sáng 19/2. Sự việc nghiêm trọng xảy ra vào nửa đêm, rạng sáng cùng ngày.

Ngay sau khi vụ cháy được khống chế, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố đã vào cuộc, triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, qua đó đã nhanh chóng xác định, làm rõ và ra Quyết định khởi tố vụ án “Giết người”, khởi tố bị can đối với C.V.H (SN: 1973, trú tại: xã Đại Mạch, huyện Đông Anh, có 2 tiền án về tội “Cướp tài sản” và “Trộm cắp tài sản”) để điều tra, xử lý về hành vi đốt quán cà phê làm nhiều người tử vong tại quận Bắc Từ Liêm vào đêm 18/12/2024.

Tại cơ quan Công an, C.V.H bước đầu khai nhận: H đến quán uống bia rồi phát sinh mâu thuẫn với nhân viên nên đã mua xăng đổ vào khu vực tầng 1 (nơi có nhiều xe máy) rồi châm lửa đốt; khi thấy ngọn lửa bùng lên, H bỏ đi.

Chân dung kẻ thủ ác và hiện trường đầy ám ảnh nơi 11 người thiệt mạng sau khi quán bị đốt cháy.

Chân dung kẻ thủ ác và hiện trường đầy ám ảnh nơi 11 người thiệt mạng sau khi quán bị đốt cháy.

Theo luật sư Hoàng Văn Hà, Giám đốc Công ty Luật ARC Hà Nội, hành vi này có dấu hiệu phạm tội Giết người theo quy định tại Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Điều luật này áp dụng với các hành vi cố ý tước đoạt tính mạng người khác một cách đặc biệt nguy hiểm, gây hậu quả nghiêm trọng có tính chất côn đồ. Việc đổ xăng - một hành động có khả năng cao gây cháy lan và thiệt hại nhân mạng - đủ yếu tố cấu thành tội danh nghiêm trọng này.

Mức án cao nhất đối với tội Giết người là tử hình, phản ánh sự nghiêm trị của pháp luật đối với các hành vi gây nguy hiểm cho xã hội. Việc xác định tội danh và mức án phụ thuộc vào kết quả điều tra cụ thể, bao gồm động cơ, hậu quả thực tế và các tình tiết giảm nhẹ hoặc tăng nặng.

"Đây cũng là bài học pháp lý và lời cảnh tỉnh đối với mọi hành vi thiếu kiểm soát, đẩy bản thân và xã hội vào những bi kịch khó lường", luật sư Hà nhấn mạnh.

Luật sư Hoàng Văn Hà, Giám đốc Công ty Luật ARC Hà Nội.

Luật sư Hoàng Văn Hà, Giám đốc Công ty Luật ARC Hà Nội.

Ngoài tội Giết người đã khởi tố, luật sư Hà cho rằng, cơ quan điều tra cũng sẽ tiến hành định giá tài sản bị thiệt hại để khởi tố thêm đối tượng này về tội Hủy hoại tài sản theo quy định tại điều 178 Bộ luật Hình sự.

Bên cạnh đó, đối tượng này cũng sẽ có trách nhiệm bồi thường toàn bộ những thiệt hại đã gây ra đối với các nạn nhân, thân nhân của nạn nhân. Thiệt hại bao gồm toàn bộ tài sản bị hủy hoại trong vụ án này, với nạn nhân bị thương tích phải cấp cứu thì sẽ bồi thường toàn bộ chi phí cứu chữa, tiền công người chăm sóc, thu nhập bị mất, bị giảm sút, tiền bồi thường tổn thất về tinh thần. Đối với nạn nhân đã tử vong thì còn phải bồi thường thêm tiền chi phí về mai táng, tiền nghĩa vụ cấp dưỡng đối với người mà nạn nhân có nghĩa vụ cấp dưỡng.

Cơ quan điều tra cũng sẽ mở rộng để làm rõ vụ án này có đồng phạm hay không có đối tượng nào giúp sức, xúi giục cho bị can này thực hiện hành vi phạm tội hay không.

Ngoài ra cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ hoạt động kinh doanh của quán cà phê để xác định có đảm bảo an toàn hay chưa, có hoạt động đúng giấy phép hay không..., để có những giải pháp phòng ngừa, tránh những vụ việc tương tự có thể xảy ra.

"Nếu bị kết án về nhiều tội danh, trong đó có tội danh nhận mức hình phạt cao nhất là tử hình, bị cáo có nhân thân xấu, hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận xã hội thì rất có thể đối tượng sẽ phải nhận hình phạt nghiêm khắc nhất", luật sư Hà nói thêm.

Nguồn Góc nhìn pháp lý: https://gocnhinphaply.nguoiduatin.vn/doi-tuong-do-xang-dot-quan-khien-11-nguoi-tu-vong-co-the-doi-mat-voi-an-tu-hinh-8263.html