Đối tượng lập facebook ảo lừa bán kit test nhanh giá rẻ sẽ phải chịu mức án nào?
Bằng việc lập tài khoản facebook ảo rồi tham gia hội nhóm 'test nhanh labnovation' để rao bán kit test xét nghiệm Covid-19 giá rẻ nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, hành vi này của Nguyễn Chí Thanh đã đủ yếu tố cấu thành tội 'Lừa đảo chiếm đoạt tài sản' theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.
Lập facebook ảo lừa tiền... chơi game
Công an thị xã Duy Tiên (tỉnh Hà Nam) thông tin, ngày 19/4, cơ quan này vừa phối hợp với Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao và Văn phòng Cơ quan điều tra Công an tỉnh Hà Nam bắt giữ đối tượng Nguyễn Chí Thanh (SN 2002), trú tại tập thể cơ khí giải phóng, phường Thịnh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trước đó, qua công tác nắm tình hình, Đội Cảnh sát hình sự Công an thị xã Duy Tiên nắm được thông tin chị P.T.H, ở phường Duy Hải, thị xã Duy Tiên bị một đối tượng sử dụng tài khoản mạng xã hội facebook để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản với số tiền gần 200 triệu đồng.
Bằng các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng phá án đã xác định được đối tượng gây án chính là Nguyễn Chí Thanh, có địa chỉ như trên.
Thủ đoạn của đối tượng là mượn tài khoản ngân hàng của bạn bè rồi lập tài khoản facebook ảo có tên trùng với tên tài khoản ngân hàng của bạn rồi tham gia hội nhóm “test nhanh labnovation”.
Đặc biệt, nhằm thu hút được nhiều “con mồi”, đối tượng Thanh liên tục đăng tải các bài viết với nội dung quảng cáo, rao bán kit test xét nghiệm Covid-19 giá rẻ.
Khi có khách liên hệ đặt mua hàng, Thanh yêu cầu khách hàng đặt cọc. Khi khách chuyển tiền cọc vào tài khoản ngân hàng mà Thanh mượn thì Thanh tiếp tục viện ra nhiều lý do để yêu cầu khách chuyển khoản toàn bộ số tiền hàng như đã thỏa thuận. Sau khi nhận được tiền của bị hại, Thanh chặn liên lạc và rút toàn bộ số tiền ra để tiêu xài và chơi game.
Cơ quan công an cho biết, bằng các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng điều tra đã phát hiện, bắt giữ đối tượng Thanh khi đang ẩn náu trên địa bàn TP. Hà Nội. Được biết, Nguyễn Chí Thanh rất nghiện chơi game, đối tượng này thường lang thang tại các quán Internet.
Qua đấu tranh, Thanh khai nhận, bằng thủ đoạn trên, Thanh đã thực hiện hàng chục vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều nạn nhân ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước.
Thực tế cho thấy, thời gian qua, liên tiếp xảy ra các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra trên môi trường mạng. Các thủ đoạn ngày càng tinh vi, phức tạp. Đặc biệt, mặc dù các cơ quan chức năng đã có nhiều biện pháp cảnh báo, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, nâng cao nhận thức và cảnh giác cho người dân, tuy nhiên, nhiều người dân vẫn mắc bẫy.
Người dân cần thận trọng khi giao dịch qua mạng
Chia sẻ vấn đề dưới góc độ pháp lý, luật sư Trần Xuân Tiền - Trưởng Văn phòng Luật sư Đồng Đội cho biết, với sự bùng nổ của công nghệ, đặc biệt là qua Internet, mạng xã hội, các đối tượng tội phạm ngày càng phát sinh nhiều hơn. Trong đó, hành vi cũng được thực hiện bằng nhiều thủ đoạn, biến tướng dưới nhiều phương thức hơn nên vẫn còn nhiều người dân mắc bẫy và bị chiếm đoạt số tiền không nhỏ.
Với hành vi của đối tượng Nguyễn Chí Thanh như trên đã đủ yếu tố cấu thành tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 174 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017. Để xác định khung hình phạt đối với tội danh này cần căn cứ vào số tiền mà Thanh đã chiếm đoạt.
Cụ thể, nếu số tiền chiếm đoạt từ 2 triệu đến dưới 50 triệu thì hình phạt áp dụng với đối tượng là phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm; nếu số tiền chiếm đoạt trị giá từ 50 triệu đến dưới 200 triệu thì khung hình phạt là từ 2 - 7 năm tù.
Nếu số tiền chiếm đoạt từ 200 triệu đến dưới 500 triệu, người thực hiện hành vi sẽ bị phạt tù từ 7-15 năm; nếu số tiền chiếm đoạt từ 500 triệu đồng trở lên thì đối tượng sẽ bị phạt tù từ 12 - 20 năm hoặc tù chung thân.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Trước những vụ việc như trên, luật sư Trần Xuân Tiền khuyến cáo: "Nhằm hạn chế những vụ việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng, tránh mất mát, thiệt hại về tài sản, người dân nên mua hàng ở những cơ sở kinh doanh và các trang web có uy tín, đồng thời nâng cao ý thức cảnh giác trước những thông tin trên mạng xã hội".
Cụ thể, khi thực hiện các giao dịch mua bán qua mạng, người dân cần chú ý xác minh thông tin mà người bán đăng lên facebook hoặc các trang mạng xã hội khác. Trong trường hợp người bán yêu cầu đặt cọc hoặc thanh toán thông qua hình thức chuyển khoản, người mua cần thận trọng khi thực hiện chuyển khoản, nhất là đối với những giao dịch có số tiền lớn.
Trong đó, cần xác minh xem thông tin người nhận chuyển khoản và thông tin của người bán có trùng khớp hay không; ghi rõ nội dung chuyển khoản là nhằm mục đích mua bán và lưu lại thông tin giao dịch. Trong trường hợp chẳng may “sập bẫy” các đối tượng này, người dân cần nhanh chóng tố giác hành vi phạm tội lừa đảo lên các cơ quan chức năng để kịp thời xử lý các đối tượng này, góp phần ngăn chặn những sự việc tương tự tiếp tục xảy ra.
Trong vụ việc trên, đối tượng thực hiện hành vi đang ở độ tuổi rất trẻ nhưng lại có những thủ đoạn lừa đảo khá tinh vi. Hơn nữa, đối tượng còn lợi dụng nhu cầu cao sử dụng kit test Covid-19 để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dân. Điều này cho thấy sự lệch lạc trong cả nhận thức và hành động của một bộ phận giới trẻ hiện nay.
Mặt khác, vì nghiện chơi game nên Thanh đã bất chấp mọi quy chuẩn đạo đức để kiếm tiền nhằm thỏa mãn đam mê, nhu cầu của mình. Vì vậy, qua vụ việc trên, bên cạnh việc tăng cường phổ biến, tuyên truyền pháp luật cho giới trẻ của chính quyền địa phương, gia đình cần thường xuyên quan tâm, giáo dục, định hướng con trẻ theo những giá trị đúng đắn và tốt đẹp, tránh để các con lầm đường lạc lối, để lại những hậu quả không đáng có cho xã hội như vụ việc trên.
Đỗ Nga