Đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường sẽ thay đổi?
Theo phản ánh của bà Hà Thị Lệ (Hà Nội), căn cứ Phụ lục II Nghị định số 18/2015/NĐ-CP thì hoạt động gây nuôi động vật hoang dã cần phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường. Tuy nhiên, các điều kiện về số lượng đặt ra lại chưa chỉ rõ là số lượng cá thể động vật hoang dã, hay số lượng loài động vật hoang dã được nuôi.
Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 sẽ có hiệu lực từ năm 2022, bà Lệ hỏi, các điều kiện liên quan đến hoạt động nêu trên sẽ thay đổi như thế nào?
Bộ Tài nguyên và Môi trường trả lời vấn đề này như sau:
Số thứ tự 71 Phụ lục II Mục I Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường đã quy định về danh mục dự án phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, trong đó có dự án đầu tư xây dựng cơ sở chăn nuôi, chăm sóc động vật hoang dã tập trung.
Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022 và giao cho Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật này, trong đó có Điều 28 quy định về phân nhóm dự án đầu tư theo tiêu chí môi trường và Điều 30 quy định về đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường.
Trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan thực hiện rà soát, nghiên cứu, tham vấn các nhà khoa học, chuyên gia môi trường về đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường, trong đó có vấn đề liên quan đến quy mô (số lượng) cho từng loài động vật hoang dã gây nuôi phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường để tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật trên (Nghị định này sẽ thay thế Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường).