Đội tuyển Việt Nam chống lại đòn tra tấn thể lực của Thái Lan

Đội tuyển Việt Nam gấp rút hoàn thiện chiến lược để đối phó với lối chơi rắn và giàu thể lực của Thái Lan trong trận lượt về chung kết AFF Cup 2024, diễn ra tại sân Rajamangala vào đêm 5-1.

Trong trận lượt về này, Thái Lan với sự thay đổi lớn trong đội hình được kỳ vọng sẽ triển khai một lối chơi quyết liệt nhằm tìm kiếm lợi thế sớm trước đội tuyển Việt Nam.

Thay đổi chiến thuật và sự trở lại của các trụ cột Thái Lan

Tại trận lượt đi ở sân Việt Trì, HLV Masatada Ishii của Thái Lan đã phải điều chỉnh đội hình để đối phó với lịch thi đấu dày đặc và hậu quả từ trận bán kết kéo dài 120 phút với Philippines. Tuy nhiên, những thay đổi này đã dẫn đến các sai lầm cá nhân và một màn trình diễn kém thuyết phục của đội tuyển Thái Lan.

Trong trận lượt về, Thái Lan sẽ chào đón sự trở lại của hai ngôi sao quan trọng: Supachok Sarachat và Suphanat Mueanta, cả hai đều ngồi dự bị ở lượt đi. Supachok Sarachat dự kiến sẽ đóng vai trò trung tâm ở hàng tiền vệ, mang lại sự sáng tạo và tổ chức lối chơi cho đội nhà. Suphanat Mueanta sẽ đảm nhận vai trò tiền đạo lùi, hỗ trợ Patrik Gustavsson ở tuyến trên và khởi xướng các pha tấn công.

 Đội tuyển Việt Nam cần tránh những va chạm không cần thiết với các cầu thủ Thái Lan. Ảnh: ANH THỊNH.

Đội tuyển Việt Nam cần tránh những va chạm không cần thiết với các cầu thủ Thái Lan. Ảnh: ANH THỊNH.

Ở lượt đi, Suphanat đã để lại dấu ấn rõ nét khi kiến tạo chính xác để Chalermsak Aukkee đánh đầu ghi bàn, giúp Thái Lan rút ngắn tỷ số xuống còn 1-2. Với 5 đường kiến tạo và 4 bàn thắng từ đầu giải, Suphanat là một trong những nhân tố quan trọng nhất của Thái Lan. Đội tuyển Việt Nam cần có kế hoạch chiến thuật chặt chẽ để vô hiệu hóa sức ảnh hưởng của cầu thủ này.

Sức mạnh tuyến giữa và lối chơi thể lực

Ngoài Supachok và Suphanat, Weerathep Pomphan chính là nhân tố quan trọng trong cuộc chiến giữa sân. Sau khi bất ngờ ngồi dự bị ở lượt đi, Weerathep đã được tung vào sân thay thế Akarapong Pumwisat bị chấn thương. Với khả năng chuyền bóng chính xác và thể lực sung mãn, anh là ứng cử viên sáng giá để gây khó khăn cho nhạc trưởng Nguyễn Hoàng Đức bên phía Việt Nam.

Bên cạnh đó, tiền vệ gốc Thụy Điển William Weidersjo mang lại sự kết hợp giữa thể lực và sức bền. Cặp đôi Weerathep – Weidersjo có thể đóng vai trò quan trọng trong chiến thuật áp sát, làm giảm tính sáng tạo của đội tuyển Việt Nam.

 Văn Thanh cùng đồng đội sẽ giữ vững thế trận phòng ngự để không thua là làm nên lịch sử ngay trên sân khách Rajamangala. Ảnh: ANH THỊNH.

Văn Thanh cùng đồng đội sẽ giữ vững thế trận phòng ngự để không thua là làm nên lịch sử ngay trên sân khách Rajamangala. Ảnh: ANH THỊNH.

Lối chơi rắn của Thái Lan: Con dao hai lưỡi

Lối chơi thiên về thể lực, đôi lúc vượt quá giới hạn của Thái Lan, đã trở thành dấu ấn trong phong cách thi đấu của họ. Ở lượt đi, nhiều tình huống phạm lỗi của Thái Lan đã gây tranh cãi, điển hình là pha đạp bóng vào lưng Nguyễn Xuân Son của trung vệ Pansa Hemviboon.

Trên sân nhà Rajamangala, Thái Lan có khả năng gia tăng sự quyết liệt, tập trung “chăm sóc đặc biệt” các cầu thủ quan trọng của Việt Nam như Xuân Son, Hoàng Đức, và Nguyễn Quang Hải. Trong trận bán kết với Philippines, Thái Lan đã phạm tới 24 lỗi, gấp đôi so với đối thủ, cho thấy sự quyết liệt nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ nhận thẻ phạt.

Nhiều khả năng, Thái Lan sẽ quay lại sơ đồ 4-1-4-1 thay vì 4-3-3, tập trung vào áp lực sớm và tìm kiếm bàn thắng ngay từ đầu. Trong khi đó, Việt Nam chơi phòng ngự tập trung để giữ vững lợi thế. HLV Kim Sang-sik cho biết ông không cầu hòa nhưng tùy vào diễn biến trên sân, ông phải xây dựng một kế hoạch chiến thuật hợp lý để đối phó với lối chơi rắn và giàu sức mạnh của Thái Lan.

 Cuộc tái đấu giữa đội tuyển Việt Nam và Thái sẽ rất quyết liệt. Ảnh: ANH THỊNH.

Cuộc tái đấu giữa đội tuyển Việt Nam và Thái sẽ rất quyết liệt. Ảnh: ANH THỊNH.

Sự tập trung, giữ kỷ luật và tránh bị cuốn vào các pha va chạm không cần thiết là yếu tố sống còn của đội khách. Trận lượt về quyết định chắc chắn là màn đối đầu nảy lửa, nơi cả hai đội đều quyết tâm làm nên lịch sử.

Đội tuyển Việt Nam muốn xóa dớp hai mùa liên tiếp thua Thái Lan ở loạt trận bán kết (AFF Cup 2020) và chung kết (AFF Cup 2022), đồng thời vượt qua thử thách trên chảo lửa Rajamangala để lần thứ ba lên ngôi vô địch Đông Nam Á sau hai mùa 2008-2018. Phía bên kia, Thái Lan có động lực rất lớn để lập kỷ lục mùa thứ 3 liên tiếp đăng quang và giữ vững dấu ấn lịch sử trong lần thứ 8 vô địch AFF Cup sau 15 mùa tổ chức.

HÙNG VĂN

Nguồn PLO: https://plo.vn/doi-tuyen-viet-nam-chong-lai-don-tra-tan-the-luc-cua-thai-lan-post828574.html