Đội tuyển Việt Nam và những 'sàng khôn' sau trận thua đội tuyển Trung Quốc

Loạt trận giao hữu quốc tế với những đối thủ đẳng cấp châu lục dịp FIFA Days tháng 10/2023 của Đội tuyển Việt Nam chắc chắn sẽ giúp những người có trách nhiệm nhìn ra tổng thể những mạnh yếu khác nhau, để kịp thời điều chỉnh.

Diễn biến và kết quả trận giao hữu đầu tiên với Đội tuyển Trung Quốc hôm 10/10 nói lên cụ thể điều đó.

Đội hình ra sân ở hiệp 1 trận đấu trên sân khách Đội tuyển Trung Quốc gồm các nhân tố chính từ thời ông Park Hang-seo như Văn Lâm, Ngọc Hải, Duy Mạnh. Hùng Dũng, Hoàng Đức, Tuấn Anh, Tuấn Hải, Văn Toàn… và một số nhân tố mới mà không mới, từng thi đấu tốt ở V-League 2023 gồm Tuấn Tài, Việt Hưng, Tiến Anh.

Nhìn chung đội hình này thi đấu tốt, ít nhất là không để mất thế trận, không để thủng lưới dù không ít lần bị đối phương phản đòn. Nhưng nếu 2 cánh là vũ khí lợi hại nhất của bóng đá Việt Nam trong thành công những năm trước đây thì trong trận đấu này, bộ đôi Việt Hưng-Tiến Anh bị đẩy lùi về vị trí phòng ngự biên, không một lần tham gia tấn công rõ nét hay tạt, chuyền một đường bóng sáng nước.

Tóm lại, đội hình tốt nhất, yên tâm nhất được ông Philippe Troussier cho đá chính trước Trung Quốc chỉ chơi tròn vai mà không thấy một nét sắc lẹm nào, trừ tình huống đột phá rất hay nhưng sút trượt của Tuấn Hải hay pha chuyền bóng của Hùng Dũng cho Văn Toàn nhưng tiền đạo này không thể làm nên chuyện.

Hiệp 2, do được quyền thay 6 cầu thủ nên cả hai đội đều liên tục thay người thử nghiệm. Cái khác nhau cơ bản nhất là phía Trung Quốc thay người ngay lập tức phát huy hiệu quả, còn Việt Nam đưa cả loạt nhân tố trẻ vào sân thì ai ai cũng thấy khoảng cách mênh mông so với các đàn anh.

Lần lượt Đình Bắc, Văn Cường, Thái Sơn, Văn Khang và thậm chí đàn anh Tiến Linh được tung vào sân nhưng tất cả chỉ đem lại thất vọng rõ rệt. Đáng trách nhất là Tiến Linh (không thể xuê xoa như ông thầy người Pháp rằng ai ai cũng có thể phạm sai lầm?) bởi kinh nghiệm có thừa, đẳng cấp có thừa, trong một tình huống không có gì nguy cấp tại sao Tiến Linh lại phạm sai lầm một cách ngô nghê và tai hại đến thế? Trong khi đó, những Văn Cường, Văn Khang đều không thể tranh chấp bóng bổng lẫn bóng sệt trước đối thủ. Thái Sơn "chạy xe không" lạc lõng, còn Đình Bắc lại càng thảm cảnh hơn khi chuyền sai, chuyền hỏng và lộ rõ sự lúng túng, đánh mất mình khi lần đầu ra sân chơi lớn.

Hai bàn thua có lỗi nặng của sự kèm người bên cánh phải của Tiến Anh khi trận đấu bước sang nửa hiệp 2 thể lực bắt đầu suy giảm, có sự vội vàng của Hoàng Đức khi chuyền năm ăn, năm thua cho Tuấn Tài, để đối phương cướp bóng phản đòn. Và tất nhiên, lỗi hệ thống của hàng thủ trong phòng chống bóng bổng, lỗi ra vào của Văn Lâm, lỗi cá nhân của Duy Mạnh… là những điều chắc chắn thầy trò ông Troussier phải xem lại và có biện pháp khắc phục kịp thời.

Có thể nhiều người và cả ông Troussier sẽ tiếp tục khen ngợi khả năng cầm bóng tiến bộ của Đội tuyển Việt Nam trước đối thủ. Điều đó tất nhiên không sai, bởi cầm được bóng, có bóng mới có cơ sở để tấn công, chủ động nhất và hiệu quả nhất, chứ không cầu may. Nhưng vấn đề là cầm bóng, chuyền đi chuyền lại trên sân nhà dễ dàng, chính xác (rất tốt cho các thống kê) rồi sau đó dẫn đến đột biến nào, cơ hội nào và kết quả nào thì lại hoàn toàn không có. Nghĩa là khi đối thủ chủ động phòng ngự, chủ động bắt bài (chẳng hạn họ thừa biết Việt Nam chuyền chéo sân cho Văn Cường và từ cầu thủ này đột phá xuống biên, chuyền ngược cho tuyến hai dứt điểm ăn bàn) thì Văn Cường hay Văn Khang sức trẻ cũng bất lực trước khối bê tông mác cao mà đối thủ giăng ra.

Đôi cánh không hoạt động tốt và thực ra là không thể hoạt động tốt, Hoàng Đức không chơi với phong độ cao nhất nên không có những đường chuyền đột biến như thường thấy, nghĩa là trung lộ cũng không có ý tưởng và cách làm sáng sủa thì mọi chuyện bế tắc, thậm chí sơ hở dẫn đến bị phản đòn một cách đau đớn là điều không thể tránh khỏi.

Đến đây thì câu chuyện nhân sự Đội tuyển Việt Nam bắt đầu lộ diện sự bất cập do cách tuyển lựa, nhất là việc đưa ồ ạt các nhân tố trẻ lên tuyển để đối đầu với các đối thủ đẳng cấp châu lục. Rõ ràng, sự yếu kém hoặc chưa thể hiện tốt nhất năng lực vốn có của các bộ đôi Tiến Anh-Việt Hưng hay Văn Cường-Văn Khang càng khiến người am hiểu nhận ra sự vội vã gạch tên Văn Hậu-Tấn Tài, những hậu vệ hàng đầu Việt Nam những năm gần đây. Rồi đây, khi hai cầu thủ này ổn định chấn thương và thể lực, việc gọi họ trở lại là điều trước tiên cần tính tới?

Trong khi Tuấn Tài dù trẻ nhưng chơi ổn cả trận thì Ngọc Hải, Duy Mạnh lại cho thấy sự bất lực về chơi bóng bổng, chơi tốc độ cao trước đối thủ. Tuấn Anh vẫn giữ được sự mềm mại, uyển chuyển cần thiết của một tiền vệ lùi sâu chia bóng, Hoàng Đức đĩnh đạc trong nhiều tình huống nhưng nhìn chung anh chơi tệ hơn so với tiềm năng. Hùng Dũng không thể hiện được nhiều, trong khi nhân vật thay thế Thái Sơn cũng như nhiều cầu thủ trẻ phải được cọ xát, tích lũy nhiều hơn nữa. Liệu lý do V-League chưa khai cuộc có thuyết phục không khi hàng loạt nhân tố mới cũ đều không cho thấy sự chói sáng thực sự?

Hai trận tới gặp Đội tuyển Uzbekistan và nhất là Đội tuyển Hàn Quốc, chắc chắn nội tình Đội tuyển Việt Nam sẽ “phơi” ra đầy đủ và cặn kẽ trước mắt ban huấn luyện. Đó chính là lúc thầy trò ông Troussier học được “một tràng khôn” để tự đúc rút kinh nghiệm, bài học xương máu, bổ sung những gì còn khuyết thiếu, tăng cường sức mạnh cá nhân và tập thể trong một nỗ lực chung, thống nhất, nhân lên sức mạnh.

Còn giờ đây, một trận thua hay thắng chưa phải là thảm họa hay điều gì đó nghiêm trọng khi mọi việc bắt đầu từ tháng 11, tức vòng loại thứ 2 World Cup 2026 khu vực châu Á, cuộc chiến dài hơi, đầy cam go mới mở màn./.

Bùi Hoa

Nguồn Nghệ An: https://baonghean.vn/doi-tuyen-viet-nam-va-nhung-sang-khon-sau-tran-thua-doi-tuyen-trung-quoc-post278188.html