Đội tuyển Việt Nam vô địch ASEAN Cup 2024: Dấu ấn đặc biệt của ông Kim
Chức vô địch ASEAN Cup 2024 với nhiều kỷ lục mang đậm dấu ấn của huấn luyện viên Kim Sang Sik, từ chuyên môn cho đến khả năng kỹ trị...
Vượt qua nghịch cảnh
Huấn luyện viên Kim Sang Sik đã thực hiện lời hứa giành chiến thắng trên đất Thái Lan một cách thuyết phục. Và trước đó, chiến lược gia người Hàn Quốc không ít lần khẳng định đội tuyển Việt Nam không có lý do để ngán Thái Lan.
Trên sân Rajamangala tối 5/1, “Những chiến binh sao vàng” đã chiến đấu với ngọn lửa của tinh thần dân tộc để vượt qua những thời khắc khó khăn nhất và được đền đáp xứng đáng với chức vô địch ASEAN Cup 2024.
Một ngày sau khi đội tuyển Việt Nam đánh bại Thái Lan để lên ngôi vô địch ASEAN Cup 2024, Chủ tịch nước Lương Cường đã kí tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho đội tuyển Việt Nam và Huân chương Lao động hạng Ba cho 6 cầu thủ, gồm: Nguyễn Xuân Son, Đỗ Duy Mạnh, Nguyễn Quang Hải, Nguyễn Tiến Linh, Nguyễn Hoàng Đức và Nguyễn Đình Triệu. Trong đó, dù bỏ lỡ 3 trận đầu tiên ở vòng bảng nhưng Nguyễn Xuân Son đã đoạt 2 giải thưởng cá nhân là Cầu thủ xuất sắc nhất giải và Vua phá lưới với 7 bàn. Trước Xuân Son, chỉ 2 cầu thủ từng làm được điều này trong 1 kì ASEAN Cup là Chanathip Songkrasin của Thái Lan (2020) và Noh Alam Shah của Singapore (2007).
Tuấn Hải ghi bàn mở tỷ số ở phút thứ 8 sau khi tận dụng thành công sai lầm của hàng thủ Thái Lan. Tổng tỷ số lúc này là 3-1. Nhiều người nghĩ Voi chiến sẽ vỡ trận. Đội tuyển Việt Nam dễ dàng giành chức vô địch. Nhưng thực tế ngay trong hiệp 1 trận chung kết, thầy trò huấn luyện viên Kim Sang Sik đã rơi vào tình huống cực kỳ nguy hiểm.
Đầu tiên, Ngọc Tân mắc sai lầm và Thái Lan ghi bàn gỡ hòa 1-1. Và điều tồi tệ nhất xảy ra vài phút sau đó, chúng ta mất đi thứ vũ khí lợi hại nhất là tiền đạo Nguyễn Xuân Son với chấn thương ám ảnh ở phút 32.
Cục diện trận đấu xoay chuyển quá nhanh. Tinh thần Thái Lan lên rất cao, trong khi đội tuyển Việt Nam hứng chịu áp lực rất nặng nề từ những “biến cố” xảy ra rất nhanh.
Trong quá khứ, nhiều lần đội tuyển Việt Nam thất bại cay đắng sau những bàn thua sai lầm như vậy, nhất là lần này thầy trò huấn luyện viên Kim Sang Sik phải chơi ở “chảo lửa” Rajamangala với sức ép khủng khiếp từ gần 5 vạn khán giả. Không còn Xuân Son, đội tuyển Việt Nam buộc phải dựa vào thực lực để vượt qua thử thách chông gai.
Chưa hết, “số phận như trêu đùa” đội tuyển Việt Nam với tình huống Thái Lan ghi bàn vượt lên dẫn 2-1 trong trận chung kết lượt về. Supachok, thay vì trả bóng trong tình huống trước đó cầu thủ Việt Nam chủ động đưa bóng ra biên để bác sĩ vào chăm sóc Hoàng Đức theo tinh thần fair-play, cầu thủ này đã bất ngờ vung chân dứt điểm bên ngoài vòng 16m50 đưa bóng găm thẳng vào góc lưới của Đình Triệu.
Trọng tài Ko Hyung-jin không thể không công nhận bàn thắng vì nó hoàn toàn hợp lệ. Đội tuyển Việt Nam chỉ có thể tự trách mình vì cho rằng fair-play là luật chơi. Đó là bài học lớn!
“Bàn thắng xấu xí” của Supachok gây ra sự ức chế rất lớn cho các tuyển thủ Việt Nam. Nghịch cảnh ấy đã đẩy đoàn quân áo đỏ tới bờ vực của sự sụp đổ. Đơn giản bởi khi đó, Thái Lan đã san bằng tỷ số sau 2 lượt trận, tinh thần lên cao và có sự hậu thuẫn rất lớn từ những khán đài rực lửa.
Nhưng đây cũng là phép thử cho phẩm chất của đội bóng bất bại tại ASEAN Cup 2024. Sụp đổ hay thăng hoa nằm ở ý chí và năng lực. Thầy trò huấn luyện viên Kim Sang Sik đã đứng vững để kiểm soát trận đấu, chơi theo cách của mình.
Hệ thống phòng ngự được siết lại. Lối chơi chuyển trạng thái. Quang Hải được đưa vào sân để phát huy sự tinh quái và kỹ thuật. Và rất nhanh chóng, trong một tình huống phản công, pha qua người khôn khéo của Quang Hải buộc Weerathep phạm lỗi và bị đuổi khỏi sân với tấm thẻ vàng thứ 2.
Nắm bắt cơ hội, các tuyển thủ Việt Nam vùng lên mạnh mẽ, dồn ép Thái Lan vào tình thế chống đỡ bị động. Trong thế trận 10 người, hàng thủ khá tệ của Thái Lan ở giải năm nay không thể trụ vững. Pha đốt lưới nhà của cầu thủ số 3 bên phía Thái Lan ở phút 82 là hệ quả tất yếu của thế trận trên sân.
Đội tuyển Việt Nam giành lại lợi thế trong cuộc đua tới chức vô địch. Theo nguyên tắc thông thường, huấn luyện viên Kim Sang Sik sẽ tăng cường phòng ngự để bảo toàn tỷ số, lúc này tổng tỷ số đang là 4-3.
Nhưng không! Chiến lược gia người Hàn đã tung 2 mũi công là Đinh Thanh Bình và Hai Long vào sân. Toan tính của ông Kim đã đúng. Tận dụng việc Thái Lan dâng toàn bộ đội hình trong tình huống phạt góc, kể cả thủ môn, đội tuyển Việt Nam ấn định chiến thắng 3-2 ở phút bù giờ thứ 20.
Sự tột đỉnh thăng hoa thể hiện rõ theo pha dứt điểm của Hai Long. Bóng lăn chầm chậm vào lưới trong sự nỗ lực nhưng bất lực của 2 cầu thủ Thái Lan như để kéo dài hương vị chiến thắng.
Chiến thắng của đội tuyển Việt Nam ở Bangkok trở nên vinh quang hơn nhờ những nghịch cảnh khó lường. Thậm chí, người hậm mộ có thể cảm nhận rõ động lực rất lớn của thầy trò huấn luyện viên Kim Sang Sik khi rơi vào tình huống hiểm nghèo.
Tất cả đều chiến đấu hết mình sau khi Nguyễn Xuân Son không may mắn rời sân vì chấn thương nặng. Anh không mang dòng máu Việt nhưng đã cháy vì màu cờ sắc áo. Bàn thắng thiếu fair-play của Supachok có lẽ càng khiến mọi thứ trở nên tệ hơn cho… Thái Lan bởi khi đó, “Những chiến binh sao vàng” chơi với tinh thần rất khác. Các tuyển thủ thực sự “nổi giận” và quyết tâm sắt đá trừng phạt đối thủ đã chấp nhận mọi thủ đoạn để ghi bàn.
Khác với 2 lần vô địch trước (2008 và 2018), đây là lần đầu tiên đội tuyển Việt Nam nâng cúp vô địch Đông Nam Á trên sân khách, cùng với thành tích bất bại, thắng 7 và hòa 1, ghi 20 bàn và thủng lưới 6 - cao nhất của chúng ta trong lịch sử giải đấu khu vực.
Đoàn quân áo đỏ đã thiết lập kỷ lục thắng nhiều trận nhất trong 1 kì thi đấu kể từ khi giải vô địch Đông Nam Á ra đời. Việt Nam cũng là đội đầu tiên đánh bại Thái Lan trong cả 2 lượt trận chung kết ASEAN Cup. Thầy trò huấn luyện viên Kim Sang Sik thắng 2-1 ở lượt đi tại Việt Trì và thắng 3-2 ở lượt về tại Rajamangala.
Bản lĩnh cầm quân
Sau trận chung kết lượt về, huấn luyện viên Kim Sang Sik nhận định, ASEAN Cup 2024 là chức vô địch lịch sử.
“Chúng tôi phải thi đấu trên một sân vận động nóng bỏng, trải qua một trận đấu rất khó khăn. Nhưng nhờ sự ủng hộ của người hâm mộ, chúng tôi đã giành chiến thắng. Cảm ơn tất cả cầu thủ đã không từ bỏ, nỗ lực đến những giây phút cuối cùng. Tôi từng vô địch K.League, nhưng đó là với câu lạc bộ. Với đội tuyển quốc gia, đây là lần đầu tôi trải qua cảm giác này. Chức vô địch với đội tuyển Việt Nam có ý nghĩa rất lớn”, nhà cầm quân người Hàn Quốc bày tỏ.
ASEAN Cup 2024 là danh hiệu đầu tiên của huấn luyện viên Kim Sang Sik sau 8 tháng nắm đội tuyển Việt Nam, từ tháng 5/2024. Trong thời gian qua, chiến lược gia người Hàn Quốc không có phát biểu kiểu “đao to búa lớn” về lối chơi, công việc của mình. Những điều ông làm rất đơn giản nhưng hiệu quả, tập trung tìm hiểu bóng đá Việt Nam, đặc biệt là tâm lý, phong độ các tuyển thủ, đồng thời từng bước tập hợp những con người tốt nhất, xây dựng thành một tập thể gắn kết, khao khát cống hiến và đặt lợi ích quốc gia, đội bóng lên trên hết trong bối cảnh mà niềm tin của người hâm mộ cho tới các cầu thủ Việt Nam xuống rất thấp.
Mới đây, trên trang cá nhân, anh trai và cũng là trợ lý của tiền vệ Hoàng Đức đã chia sẻ câu chuyện về cách ứng xử, và có lẽ chính là kỹ năng dùng người của huấn luyện viên Kim Sang Sik.
“Những ngày cuối tháng 7 năm ngoái, khi em tôi chuẩn bị đưa ra những quyết định khó khăn nhất sự nghiệp, bên cạnh đó là lo lắng về vị trí ở đội tuyển, cơ hội dự ASEAN Cup thì anh Kim đã có cuộc hẹn ăn tối mà ngay từ lúc đó tôi đã tự nhủ, nếu chúng ta vô địch chắc chắn phải chia sẻ câu chuyện này.
Một bữa tối ở quán Hàn tại Keangnam, nơi mà Hoàng Đức, Duy Mạnh và rất nhiều cầu thủ khác đã ăn cùng thầy Park suốt những năm qua. Ở đó, anh Kim luôn bày tỏ niềm tin và động viên Đức, dù có quyết định thế nào thì vẫn sẽ luôn tin tưởng và trao cơ hội ở đội tuyển.
Anh ấy và trợ lý thể lực còn sẵn sàng lên những bài tập cá nhân nếu Đức không được thi đấu nhiều trong thời gian khó khăn đó. 3 tháng qua là 3 tháng khó khăn nhất mà em tôi từng trải qua. Rất nhiều sức ép, rất nhiều lời không hay, nhưng rồi vượt qua tất cả”.
Thực tế, Nguyễn Hoàng Đức đã vượt qua khó khăn về phong độ kém cỏi khi còn khoác áo Thể Công Viettel, sức ép khi quyết định xuống chơi hạng Nhất… để thi đấu xuất sắc tại ASEAN Cup 2024.
Đội tuyển Việt Nam lần này không có mẫu tiền vệ cơ bắp, khỏe trong tranh chấp ở tuyến giữa như Nguyễn Minh Châu tại AFF Cup 2008 hoặc Nguyễn Huy Hùng và Phạm Đức Huy tại AFF Cup 2018. Tuy nhiên, trên hành trình đăng quang ASEAN Cup 2024, hàng tiền vệ vẫn tranh chấp tốt ở khu vực giữa sân, phòng ngự từ xa hiệu quả. Điều đó có được là nhờ vai trò của Hoàng Đức. Anh không thu hồi bóng bằng lối chơi băm bổ, mà giành lại bóng bằng sự khôn ngoan trong các pha tranh chấp, cùng kỹ thuật giữ bóng, kỹ thuật qua người rất tốt.
Bên cạnh đó, dấu ấn lớn nhất của huấn luyện viên Kim Sang Sik đến từ khả năng dùng người. Xuyên suốt 8 trận đấu tại giải, giới chuyên môn và người hâm mộ rất khó để đoán được đội hình xuất phát của đội tuyển Việt Nam.
Ở giải này, chiến lược gia người Hàn đã sử dụng 25/26 cầu thủ đăng ký (ngoại trừ thủ môn Trần Trung Kiên không ra sân). Sự “biến hóa” về nhân sự ấy không chỉ giúp các cầu thủ duy trì thể lực, còn tạo cơ hội cho mỗi người nỗ lực hết mình thể hiện khả năng, đồng thời mang đến sự bất ngờ cho đối phương trong việc tìm cách hóa giải lối chơi của đội tuyển Việt Nam.
Nổi bật nhất là quyết định sử dụng song song 2 thủ môn Nguyễn Filip và Đình Triệu ở vòng bảng. Từ vị thế số 2, nhưng khi được trao cơ hội, Đình Triệu 33 tuổi đã chứng tỏ năng lực và trở thành lá chắn thép trong khung thành đội tuyển Việt Nam kể từ bán kết.
Cũng thật khó lường khi ông Kim không sử dụng đội trưởng Duy Mạnh và Quang Hải trong trận chung kết lượt về. Sau đó, Quang Hải vào sân khiến đội tuyển Thái Lan mất người từ phút 74, tình huống góp phần quan trọng để “Những chiến binh sao vàng” đảo ngược thế cờ. Hay việc ông để Phạm Tuấn Hải - tiền đạo chưa đá chính trận nào trước đó ra sân ngay từ đầu. Kết quả, Tuấn Hải là người mở tỷ số cho tuyển Việt Nam từ rất sớm. Anh cũng góp công mang về bàn thắng thứ 2 khi có đường tạt bóng để cầu thủ đội bạn phản lưới nhà.
Bản lĩnh của chiến lược gia sinh năm 1976 còn thể hiện qua việc ông chấp nhận đương đầu với sức ép để loại bỏ những cầu thủ tên tuổi như Công Phượng, Quế Ngọc Hải… để trao cơ hội cho những cầu thủ ít tiếng tăm như Ngọc Tân, Vĩ Hào, Ngọc Quang, Văn Vĩ…, đồng thời khéo léo bảo đảm sự cân bằng với nhóm cầu thủ dày dạn kinh nghiệm như Đỗ Duy Mạnh (đội trưởng, không được đá chính trận chung kết lượt về), Bùi Tiến Dũng, Thành Chung, Hoàng Đức, Tiến Linh…
Huấn luyện viên Kim Sang Sik còn là người thân thiện, hòa đồng và vui vẻ. Ông tạo ra bầu không khí giàu năng lượng, cạnh tranh công bằng cho đội tuyển. Ai khát khao, phong độ cao nhất và phù hợp lối chơi trước từng đối thủ sẽ được ra sân. Từ đó, đội tuyển Việt Nam trở thành tập thể gắn kết, không thể bị đánh bại tại ASEAN Cup 2024.
“Chúng tôi hoàn thành mục tiêu đầu tiên. Phía trước của đội tuyển Việt Nam là vòng loại cuối ASIAN Cup và cuối năm là SEA Games 33. Tôi háo hức và sẽ coi các giải đấu như khởi đầu mới cùng bóng đá Việt Nam”, ông Kim Sang Sik bày tỏ và người hâm mộ cũng tin rằng, giai đoạn mới tươi sáng của bóng đá nước nhà đang mở ra.
Trong một bài viết, tờ Nate của Hàn Quốc đã sánh ngang huấn luyện viên Kim Sang Sik với tiền bối Park Hang Seo. “Việt Nam đã đánh bại đương kim vô địch Thái Lan với tỷ số 3-2 ở trận chung kết ASEAN Cup ngay trên sân Rajamangala ở Bangkok. Với tổng tỷ số 5-3, Việt Nam giành chiến thắng thứ 3 trong lịch sử tham dự giải vô địch Đông Nam Á. Với kỳ tích ấy, có thể khẳng định rằng tại tuyển Việt Nam, huấn luyện viên Kim Sang Sik đã vươn lên đẳng cấp ngang hàng tiền bối, trở thành một trong những vị huấn luyện viên Hàn Quốc nổi tiếng nhất tại khu vực”, tờ Nate nhận định.