Đôi vợ chồng 'thổi hồn' vào dân ca ví, giặm
Đã hàng chục năm nay Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Tiến Khởi (SN 1972) - Phó Chi hội Văn học nghệ thuật huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) và vợ là chị Trần Thị Hợi (SN 1983) - Chủ tịch Hội LHPN xã Phú Gia luôn miệt mài lan tỏa và 'thổi hồn' cho những ca khúc dân ca ví, giặm, những lời ca cổ...
Đã hàng chục năm nay Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Tiến Khởi (SN 1972) - Phó Chi hội Văn học nghệ thuật huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) và vợ là chị Trần Thị Hợi (SN 1983) - Chủ tịch Hội LHPN xã Phú Gia luôn miệt mài lan tỏa và "thổi hồn" cho những ca khúc dân ca ví, giặm, những lời ca cổ, tổ khúc dân ca...
Sau nhiều lần lỡ hẹn, chúng tôi cũng gặp được vợ chồng anh Khởi, chị Hợi. Tiếng đàn, tiếng hát ngân vang của anh chị dẫn chúng tôi về ngôi nhà nhỏ ở xã miền núi biên giới Phú Gia. Ngôi nhà là địa điểm sinh hoạt của những người yêu dân ca ví, giặm ở Hương Khê và là nơi chứng kiến những đêm dài anh Khởi chong đèn sáng tạo nghệ thuật, chị Hợi miệt mài tập luyện điệu ví, câu hò.
Sinh ra và lớn lên trong gia đình thuần nông có niềm đam mê nghệ thuật ở xã Hương Giang, ngay từ nhỏ, anh Nguyễn Tiến Khởi đã là thành viên nòng cốt của đội văn nghệ ở xã, huyện. Anh cũng sớm bộc lộ tài năng thiên bẩm và niềm đam mê của mình khi tham gia các cuộc thi hát và đạt nhiều giải cao.
Năm 1986, khi mới chỉ 14 tuổi, tại hội diễn văn nghệ do huyện Hương Khê tổ chức, anh Khởi đã đạt giải nhất giọng hát dân ca qua tác phẩm “Thần sấm ngã”. Đặc biệt, khi còn học phổ thông, anh đã soạn lời nhiều bài hát dân ca ví, giặm biểu diễn tại các hội diễn văn nghệ tại địa phương. Niềm đam mê nghệ thuật cứ thế lớn dần và nuôi dưỡng tâm hồn anh.
Cũng như anh Khởi, từ nhỏ, chị Hợi cũng là hạt nhân của đội văn nghệ ở xã Phú Gia. Hầu hết các chương trình văn nghệ lớn, nhỏ trong làng, trong xã chẳng bao giờ thiếu giọng ca của chị. Cũng chính từ những chương trình văn nghệ quần chúng, anh Khởi và chị Hợi đồng hành cùng nhau nhiều hơn và đến năm 2011 thì nên duyên vợ chồng. Tắm mình trong những làn điệu dân ca, hai tâm hồn, hai trái tim cùng đồng điệu đã không ngừng lan tỏa và thổi hồn cho những ca khúc dân ca ví, giặm.
Yêu và đến với với âm nhạc bằng tất cả trái tim mình, anh Khởi vừa tự mày mò tìm hiểu, khám phá vừa theo học các khóa học đàn, nhạc lý và học hát ở các trung tâm đào tạo âm nhạc khác nhau. Hơn 40 năm gắn bó với nghề, anh Khởi đã sở hữu một gia tài nghệ thuật đồ sộ với hàng trăm tác phẩm gồm kịch sân khấu, tiểu phẩm, ca khúc, tổ khúc dân ca Nghệ Tĩnh có nội dung tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, ca ngợi Đảng, Bác Hồ, cổ vũ phong trào thi đua và phản bác những tệ nạn xã hội...
Nhiều tác phẩm của anh đã để lại ấn tượng sâu sắc như: vở kịch “Thiên đình ký sự”, “Lời sám hối muộn màng”, “Nghĩa tình đồng đội”, “Nỗi lòng người mẹ”… hay các tổ khúc dân ca như: “Tự hào đất mẹ Hương Khê”, “Khúc tình quê Hà Tĩnh”, “Quốc Hội khúc hoàn ca”, “Lời Người vọng mãi ngàn năm”, “Sài Gòn thành phố tôi yêu” và vô số tác phẩm đạt các giải cao ở cấp khu vực cũng như toàn quốc. Đặc biệt, có tác phẩm được dịch sang tiếng Anh sử dụng tuyên truyền rộng rãi ở trong và ngoài nước.
Trong rất nhiều hội thi, hội diễn, liên hoan, anh Khởi vừa là tác giả, vừa là đạo diễn và cũng là diễn viên để mang về những thành tích cao như: giải nhất Hội thi Tuyên truyền pháp luật cho người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số toàn quốc năm 2015; giải nhất, giải nhì toàn quốc Hội thi Nhà nông đua tài năm 2017, 2022; giải đặc biệt toàn quốc Liên hoan Nghệ thuật quần chúng “Kỷ niệm 600 năm khởi nghĩa Lam Sơn, 590 năm Lê Lợi lên ngôi vua” năm 2018; giải A, B tại Liên hoan Văn hóa các dân tộc thiểu số khu vực miền Trung năm 2018; giải nhì tại Liên hoan Giới thiệu sách thư viện toàn quốc năm 2023…
Ngoài ra, anh Khởi còn viết, dàn dựng các chương trình sử thi nghệ thuật công phu, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người xem… Năm 2022, sau thời gian dài nghiên cứu, anh Khởi xây dựng thành công kịch bản khôi phục lễ hội “Tết Lấp lỗ” cho bà con dân tộc Chứt ở bản Rào Tre, xã Hương Liên. Kịch bản này được UBND huyện Hương Khê lựa chọn duy trì trong các lễ hội Tết Lấp lỗ ở bản Rào Tre từ nay về sau.
Trong rất nhiều sáng tác của anh Khởi, luôn có sự đồng hành của chị Hợi, không chỉ với vai trò là người tiếp sức cho anh mà chị còn tham gia biểu diễn các tác phẩm do anh sáng tác, cùng góp phần làm nên nhiều thành tích đáng ngưỡng mộ. Anh chị còn miệt mài nghiên cứu, khôi phục, sưu tầm và phát triển dân ca ví, giặm trên địa bàn huyện Hương Khê; giúp đỡ thành lập và duy trì hoạt động cho các CLB dân ca ví, giặm ở các xã, trường học; tạo cảm hứng và truyền dạy dân ca cho thế hệ trẻ…
Ngôi nhà của anh Khởi, chị Hợi cũng trở thành địa điểm sinh hoạt của CLB Dân ca ví, giặm xã Phú Gia nói riêng và những người yêu dân ca trên địa bàn huyện. Được bố mẹ dẫn dắt, truyền dạy, 2 người con của vợ chồng anh Khởi dù còn nhỏ nhưng đã bộc lộ năng khiếu về âm nhạc và trở thành những nhân tố văn hóa văn nghệ ở trường học, địa phương.
Với những cống hiến không ngừng nghỉ, năm 2013, anh Nguyễn Tiến Khởi vinh dự được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tặng bằng công nhận danh hiệu Nghệ nhân dân gian và Huy chương Vì sự nghiệp bảo tồn văn nghệ dân gian; năm 2019, được Chủ tịch nước tặng bằng công nhận danh hiệu Nghệ nhân ưu tú. Anh cũng là giáo dân đầu tiên trong tỉnh được công nhận nghệ nhân dân gian, nghệ nhân ưu tú.
Tại Festival Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh năm 2023, anh Khởi là người duy nhất của đoàn Hà Tĩnh nhận giải thưởng “Tác giả có nhiều đóng góp tích cực trong liên hoan”. Mới đây, đầu tháng 5/2024, anh Khởi được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Chị Hợi cũng đã nhận được nhiều giải thưởng tại các hội thi, hội diễn liên hoan nghệ thuật trong tỉnh và trong nước.
Anh Nguyễn Tiến Khởi chia sẻ: “Hoạt động nghệ thuật là hoạt động sáng tạo không ngừng nghỉ. Có những tác phẩm tôi mất hàng tháng trời thai nghén và có lẽ cũng vì vất vả, nhọc nhằn nên mình càng thêm yêu, thêm quý và tâm huyết với nghề. Đặc biệt, những đề tài viết về Đảng, Bác Hồ và quê hương luôn tạo cho tôi niềm cảm hứng mạnh mẽ. Tôi sáng tác không phải để đạt các giải thưởng mà mong muốn có thể lan tỏa niềm đam mê này đến tất cả mọi người, ai cũng có thể hát, có thể nhớ và yêu ví, giặm quê hương nhất, là thế hệ trẻ”.
Không chỉ là những người tâm huyết "thổi hồn" vào nghệ thuật dân gian, anh Khởi, chị Hợi còn là những người cán bộ hội, công dân gương mẫu ở địa phương.
Năm 2007, sau khi tốt nghiệp Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, chị Hợi về tham gia các hoạt động đoàn tại địa phương. Đến năm 2010, chị được bầu là Bí thư Đoàn xã; từ năm 2015 đến nay là Chủ tịch Hội LHPN xã Phú Gia.
Chị Hợi tâm huyết đi sâu nắm bắt tình hình tư tưởng, đặc thù từng chi hội, hội viên; vào cuộc kêu gọi hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn; triển khai hiệu quả chương trình mẹ đỡ đầu trẻ mồ côi với 11 cháu. Qua đó tạo niềm tin với hội viên và thúc đẩy phong trào hoạt động hội.
Chị Hợi cho biết: "Phú Gia là xã vùng biên khó khăn, địa hình cách trở, ý thức người dân tham gia các hoạt động hội còn hạn chế. Là người đứng đầu tổ chức hội phụ nữ xã, tôi đã nỗ lực triển khai các giải pháp thu hút, tập hợp hội viên thông qua tổ chức các câu lạc bộ thể thao, dân vũ, dân ca; đẩy mạnh phong trào xây dựng mô hình “5 không, 3 sạch”…".
Chủ tịch Hội LHPN huyện Hương Khê Trần Thị Hồng Thắm cho hay: “Chị Hợi là cán bộ hội năng nổ và có năng khiếu đặc biệt với văn hóa, văn nghệ. Nhờ đó, gần 10 năm dưới sự điều hành của chị Hợi, hoạt động hội ở địa phương khá sôi nổi, các phong trào thu hút được đông đảo hội viên tham gia. Hội LHPN xã Phú Gia trở thành một trong những đơn vị đi đầu trong công tác hội, được Trung ương hội, Tỉnh hội đánh giá cao và trao tặng nhiều bằng khen, giấy khen. Tại địa phương, hoạt động của hội phụ nữ đã góp sức hình thành nhiều mô hình kinh tế hiệu quả và đưa xã Phú Gia đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào năm 2021”.
Với vai trò Chi hội Phó Chi hội VHNT huyện, anh Khởi cũng đã có nhiều đóng góp trên lĩnh vực văn hóa của huyện; tích cực động viên các hội viên tham gia sáng tác, triển lãm và tham dự các hội thi giành nhiều giải cao ở cấp tỉnh, Trung ương.
Đặc biệt, hơn 20 năm gắn bó với Trung tâm Phát triển Hương Bình (Hương Khê), trong đó có 10 năm giữ cương vị là Giám đốc Trung tâm, anh Khởi đã góp phần bảo tồn, lưu giữ và phát huy giá trị hơn 1.500 tài liệu, hình ảnh, nông cụ độc đáo từ thời xưa. Trung tâm trở thành điểm tham quan, học tập, trải nghiệm và giáo dục cộng đồng phát huy các giá trị truyền thống quê hương.
Là Ủy viên Ủy ban MTTQ huyện, Phó Trưởng ban đoàn kết Công giáo yêu nước huyện Hương Khê, anh Khởi còn được biết đến là người hăng say và tích cực trong các hoạt động từ thiện. Anh đã kết nối kêu gọi hàng chục dự án về nước sạch, môi trường giúp người dân nghèo trên địa bàn huyện Hương Khê; kêu gọi hỗ trợ xây dựng cầu dân sinh, nhà tình nghĩa, cầu dân sinh trên địa bàn 2 tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình; huy động hàng tỷ đồng trao tặng quà cho các hoàn cảnh khó khăn; huy động kinh phí hỗ trợ mở các lớp ôn thi đại học và vào lớp 10 miễn phí cho học sinh nghèo…
Hiện tại, anh Khởi đang phối hợp quản lý và kết nối giúp đỡ cho 38 trẻ thuộc Trung tâm Bảo trợ trẻ mồ côi Huynh đệ Hương Khê.
Miệt mài, lặng lẽ dâng cho đời những giá trị nghệ thuật không thể đong đếm, bằng lời ca, tiếng nhạc, nhịp phách, vợ chồng anh Khởi, chị Hợi đã và đang góp phần lan tỏa sức sống của một di sản văn hóa trên quê hương, khơi dậy phong trào văn nghệ quần chúng.
Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Tĩnh Trần Xuân Lương đánh giá: “Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Tiến Khởi là người nặng tình với nghệ thuật dân gian, đặc biệt là dân ca ví, giặm. Anh đã dày công nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn, biên kịch, đạo diễn nhiều tiết mục đặc sắc được công chúng ghi nhận; nhiều sáng tác của anh được lưu diễn khắp trong và ngoài tỉnh, góp phần đưa ví, giặm trường tồn, lan tỏa. Không chỉ vậy, những hoạt động sáng tác, biểu diễn, hỗ trợ thành lập, duy trì hoạt động văn hóa văn nghệ ở địa phương do vợ chồng anh Khởi thực hiện thời gian qua cũng góp phần lớn thúc đẩy phong trào văn nghệ quần chúng. Họ chính là những hạt nhân quan trọng xây dựng và phát triển văn hóa cơ sở”.
BÀI, ẢNH: DƯƠNG CHIẾN - HÀ LINH
THIẾT KẾ: HUY TÙNG
Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/doi-vo-chong-thoi-hon-vao-dan-ca-vi-giam-post267716.html