Đối với Mỹ, gián điệp công nghiệp Trung Quốc nguy hiểm hơn Liên Xô
Vấn đề gián điệp công nghiệp giữa phương Tây và phương Đông đã tồn tại từ thời Liên Xô. Theo The Diplomat, có sự khác biệt trong cách tiếp cận của Liên Xô và Trung Quốc để 'vay' bí quyết nước ngoài, và đối với Mỹ, Trung Quốc nguy hiểm hơn nhiều so với Liên Xô trong vấn đề này.
Nạn gián điệp công nghiệp đang rất phổ biến. (Nguồn: Linkedin)
Công nghệ Mỹ luôn là mục tiêu
Tác giả bài báo - TS. Robert Farley, giảng viên cao cấp Trường Ngoại giao và Thương mại Quốc tế Patterson - trích dẫn một báo cáo của CIA từ năm 1982 (giải mật năm 1999) rằng, trong Chiến tranh Lạnh, Liên Xô đã tích cực tìm cách để sở hữu công nghệ Mỹ.
Khi đó, tình báo Liên Xô thu thập thông tin thông qua tất cả các kênh có thể: trao đổi khoa học và kỹ thuật giữa Đông và Tây thông qua các tổ chức thuộc hệ tư tưởng cộng sản ở các nước phương Tây; các công ty nằm trong khối Đông; các tình báo cài cắm trong các công ty thương mại công nghệ và trong cả cấu trúc chính trị.
Nỗ lực của Liên Xô rất lớn và được chỉ đạo tập trung, sử dụng các phương tiện liên lạc, thu thập nguồn mở và tài sản trí tuệ, tìm cách thu nhận các sản phẩm chất xám (bí quyết) liên kết với các quy trình công nghiệp có thể làm tăng chất lượng và giảm chi phí trong sản xuất thiết bị quân sự.
Theo tác giả bài báo, Liên Xô đã ở một vị trí thuận lợi hơn so với Trung Quốc bây giờ, vì có cả một mạng lưới tình báo của các nước Đông Âu tiếp sức, còn các cơ quan tình báo Trung Quốc bị hạn chế hơn.
Liên Xô thường xuyên lợi dụng sự bất cân xứng trong cấu trúc pháp lý của bảo vệ sở hữu trí tuệ, ví dụ các lệnh trừng phạt cấm xuất khẩu sang Liên Xô nhưng lại có thể xuất khẩu sang Đông Âu.
Tình báo công nghiệp Trung Quốc được cho đang tìm mọi cách để có được các công nghệ tiên tiến của phương Tây. (Nguồn: Top Cor)
Điểm yếu của Liên Xô
Hầu hết các hoạt động đánh cắp thành công đã xảy ra bên ngoài Mỹ, do Liên Xô sử dụng lợi thế các công ty địa phương ở các quốc gia có kết nối thương mại rộng lớn hơn với khối phương Đông so với Mỹ.
Đây là cái giá cần thiết cho cả chính sách xuất khẩu vũ khí của Mỹ và quyết định theo đuổi việc tạo ra một cơ sở công nghiệp đa quốc gia rộng lớn, cả hai đều góp phần chuyển giao công nghệ.
Nhưng ở đây cũng ẩn giấu điểm yếu của Liên Xô. Trong thời gian đối đầu giữa hai hệ thống, Moscow quan tâm nhiều hơn đến các công nghệ quân sự của phương Tây, do đó, nền kinh tế Liên Xô ngày càng bị tụt lại phía sau trong khu vực dân sự.
Trung Quốc cũng bị thúc đẩy bởi mối quan tâm đối với phát triển của công nghệ dân sự, cho phép họ nắm bắt thị phần quan trọng của thị trường tiêu dùng cũng như phát triển khả năng quân sự của nước này.
Hai hướng đã liên kết thành công trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là các công ty Trung Quốc (như Huawei) có thể giúp đặt nền móng cho cơ sở hạ tầng Internet.
Hoạt động gián điệp của Liên Xô đã diễn ra trong một môi trường thông tin hoàn toàn khác so với hiện tại. Sự thiếu năng động trong nền kinh tế và thiếu liên hệ kinh tế rộng lớn với phương Tây khiến Liên Xô không thể tận dụng lợi thế của việc mua lại công nghệ ở cùng mức độ với Trung Quốc đương đại.
Hơn nữa, người Trung Quốc có các phương tiện tiếp thu công nghệ tinh vi hơn rất nhiều so với Liên Xô.
So với Moscow, lợi thế hiện nay của Trung Quốc là một “công xưởng thế giới” - một phần quan trọng của chuỗi sản xuất toàn cầu đang ở Trung Quốc. Các trường đại học và sinh viên Trung Quốc đang ở tuyến đầu của khoa học và công nghệ.
Điều này mang đến cho quân đội Trung Quốc, các dịch vụ tình báo và các công ty công nghiệp sẵn sàng tiếp cận các luồng công nghệ mà Liên Xô phải vật lộn để khám phá.
The Diplomat kết luận, vị trí trung tâm của Trung Quốc trong nền kinh tế toàn cầu và mối quan tâm như nhau của họ đối với các công nghệ quân sự và dân sự khiến Mỹ gặp nguy hiểm hơn về mặt gián điệp công nghiệp so với thời Liên Xô.
Mỹ là đối tượng chính để các hacker Trung Quốc tìm đến. (Nguồn: Sociablen)
Trung Quốc mới là mối đe dọa chính
Các nỗ lực của Liên Xô nhằm đánh cắp công nghệ từ châu Âu, Nhật Bản và Mỹ là nghiêm trọng, ngay cả khi họ thất bại vì nhiều lý do. Mặc dù tạo ra mối quan ngại nghiêm trọng ở Washington, nền kinh tế Liên Xô không thể kết hợp công nghệ phương Tây với tốc độ đủ để bắt kịp Mỹ, và thay vào đó ngày càng tụt hậu ở cả hai mảng dân sự và quân sự.
Cách tiếp cận đa diện hơn của Trung Quốc và nền kinh tế năng động hơn là mối đe dọa lớn hơn nhiều.
Trong một diễn biến mới nhất, virus corona đang làm chuyển hướng các cuộc tấn công mạng. Cục Điều tra Liên bang (FBI) và Bộ An ninh Nội địa Mỹ đang chuẩn bị đưa ra cảnh báo rằng hầu hết tin tặc và gián điệp lành nghề của Trung Quốc đang tìm cách đánh cắp nghiên cứu của Mỹ trong nỗ lực phát triển vaccine và phương pháp điều trị virus corona.
Những nỗ lực này là một phần của sự gia tăng trong không gian mạng và các cuộc tấn công của các quốc gia đang tìm kiếm lợi thế trong đại dịch.
Ngay cả trước khi xảy ra đại dịch, Mỹ đã rất bất bình trước các nghi ngờ Trung Quốc đánh cắp tài sản trí tuệ liên quan đến nghiên cứu sinh học.
Tháng 1 vừa qua, Bộ Tư pháp Mỹ công bố buộc tội Charles M. Lieber - Chủ nhiệm Khoa hóa học và sinh hóa Đại học Harvard, đã đưa ra những tuyên bố sai lệch liên quan đến việc ông tham gia chương trình Ngàn Tài năng Trung Quốc để tuyển dụng nhân tài khoa học.