'Đối với quần chúng, chúng ta chỉ là một giọt nước trong biển cả'
Ngay sau ngày Cách mạng Tháng Mười thành công, V. I. Lenin đã có những đòi hỏi hết sức nghiêm khắc và căn bản đối với những người làm việc trong bộ máy công quyền Nhà nước. Những đòi hỏi đó cũng như phong cách làm việc của Ilich đến nay vẫn còn giữ nguyên giá trị.
Trước hết, Lenin luôn coi trọng việc cải tiến bộ máy nhà nước theo hướng đơn giản hóa công việc, xây dựng ý thức kỉ luật, chấp hành mọi quy định một cách khẩn trương và triệt để. Một lần, trả lời đề nghị của một nhà máy được cung cấp vải, Lenin viết: “Vấn đề này đã được Chủ tịch đoàn Ban Chấp hành Trung ương toàn Nga (như Hội đồng Nhà nước) quyết định. Theo Hiến pháp, Chủ tịch đoàn ở trên Hội đồng Dân ủy (như Chính phủ); tôi, với cương vị Chủ tịch Hội đồng Dân ủy - và cả Hội đồng Dân ủy nữa cũng không có quyền làm trái nghị quyết ấy”.
V. I. Lenin đã có những đòi hỏi hết sức nghiêm khắc và căn bản đối với những người làm việc trong bộ máy công quyền Nhà nước- Ảnh tư liệu.
Lenin nghiêm khắc chống lại tệ hối lộ. Tháng 5/1918, trong bức thư gửi Dân ủy Tư pháp, Lenin yêu cầu “phải soạn thảo ngay lập tức, với sự nhanh chóng đặc biệt, một dự luật quy định hình phạt đối với tội tham ô, hối lộ… không được dưới 10 năm tù và kéo dài thêm 10 năm lao động cưỡng bức”.
Khi biết được một Nghị định nào đó của Chính phủ không được chấp hành, Lenin yêu cầu nhất định phải trừng trị kẻ vi phạm. Người nói, hình phạt có khi không nặng, nhưng nhất thiết phải loại bỏ ý nghĩ chung cho rằng có tội cũng không bị trừng trị.
Có thời gian sau khi Lenin lành vết thương, các bác sĩ cấm Người làm việc trong phòng có khói thuốc lá. Được sự đồng ý của Lenin, Văn phòng treo trong Phòng giấy của Người một tấm biển đề mấy chữ lớn: “Cấm hút thuốc”. Thế nhưng nhiều người cứ quên đi và không tuân theo quy định ấy. Một hôm, sau một cuộc họp trong căn phòng bị hun khói, Lenin cho gọi Chủ nhiệm Văn phòng đến và ra lệnh cho ông này cất tấm biển đi: “Nếu chúng ta bất lực, không làm cho lệnh ấy được chấp hành thì nên hủy nó đi, đừng để nó tự mất giá trị”.
Mặc dù có uy tín tuyệt đối và được nhân dân kính trọng, Lenin không bao giờ lạm dụng địa vị của mình, không thừa nhận việc Người được dành thêm một ngoại lệ nào đó. Ngày 23/5/1918, Lenin gửi thư cho Cục trưởng Cục Hành chính trong đó nghiêm khắc khiển trách ông này đã “tự ý và trái pháp luật nâng lương của Chủ tịch Hội đồng Dân ủy từ 500 lên 800 rúp”. Lenin cũng không tán thành việc Người được biếu quà hay nhận tặng phẩm của các cơ quan, viên chức.
Hết sức bất bình về tính vô trách nhiệm và thái độ trì trệ trong việc cung ứng bánh mì cho công nhân, tháng 1/1919, Lenin gửi thư cho Cục trưởng Lương thực tỉnh Simbirsk: “… Tôi yêu cầu ông phải dốc toàn tâm, toàn lực, tránh lề lối làm việc hình thức. Trường hợp hỏng việc, tôi buộc lòng phải cho bắt và truy tố trước pháp luật toàn bộ nhân viên của ông”.
V.I. Lenin vẫn sống mãi trong lòng các tầng lớp nhân dân lao động trên toàn thế giới- Ảnh tư liệu.
Lenin đòi hỏi mỗi cán bộ phải tự giải quyết công việc trong phạm vi trách nhiệm của mình, tránh đùn đẩy lên trên hoặc giao hết cho cấp dưới. Lenin không bỏ qua những trường hợp vô trách nhiệm, dù là nhỏ hay không mấy quan trọng. Hay tin chiếc thang máy sẽ không vận hành trong 3 ngày, Người gửi thư cho Cục trưởng Cục Hành chính: “Thật là tồi tệ! Những người đau tim mà phải trèo bộ thì rất có hại và nguy hiểm. Tôi nghiêm khắc khiển trách ông. Tôi yêu cầu ông tìm người phạm lỗi, thi hành kỉ luật và gửi danh sách đến cho tôi”.
Vào những năm đầu của Chính quyền Xô-viết, hàng ngày có rất nhiều người muốn tìm đến gặp Lenin; những người khách này thường phải qua rất nhiều trạm và do vậy thường đến trễ. Yêu cầu của Lenin phải giải quyết “thông thoáng” vấn đề này nhiều khi không được chấp hành triệt để do tệ quan liêu, cường quyền. Ngày 19/1/1921, Lenin gửi thư cho Tư lệnh Quân quản Kremlin: “Hôm qua, lúc 8 giờ tối, ông Gonzenberg đến thăm tôi và bị các trạm gác giữ lại nửa giờ. Một lần nữa và không phải lần đầu tôi lưu ý ông về việc không tôn trọng quy định. Ông đừng bắt tôi phải dùng đến những biện pháp nghiêm khắc. Tôi nhắc ông biết là ông coi thường lệnh của tôi”.
Tiếp đó, Lenin chỉ vẽ một cách tỉ mỉ cách thức tổ chức công việc sao cho chu đáo hơn, khoa học hơn.
Tháng 12/1921, nhận thấy những người lãnh đạo các cơ quan trung ương nhiều lần không trả lời và không giải quyết đơn khiếu nại của người dân, Lenin yêu cầu “bộ máy hành chính của Nhà nước phải làm việc một cách chu đáo, nhanh chóng và công minh. Để lơi lỏng chẳng những làm tổn hại đến cá nhân mỗi người, mà toàn bộ việc quản lí nhà nước hóa ra hoang đường, ảo tưởng”.
Lenin hết sức tin tưởng ở quần chúng và hơn ai hết, Người biết động viên họ tiến hành đấu tranh. Tại Đại hội Đảng lần thứ XI, Người nói: “Trong đám quần chúng đông đảo, chúng ta chỉ là một giọt nước trong biển cả. Chúng ta chỉ có thể lãnh đạo, một khi chúng ta hiểu thấu suy nghĩ của họ. Không làm được điều đó, Đảng không lôi kéo được giai cấp vô sản, rồi giai cấp vô sản không lôi kéo được quần chúng, như vậy bộ máy sẽ hoàn toàn sụp đổ”.
Năm tháng qua đi, song lời nói và việc làm của V. I. Lenin luôn luôn và mãi mãi thể hiện tính đúng đắn của nó trong hoạt động của từng chính đảng, từng nhà nước.
(Theo cuốn“Chúng tôi bảo vệ Lenin”,Nikolai Zubov, NXB “Cận vệ trẻ”, Moscow, 1981)