Đội xe ôm mưu sinh văn minh
Lịch sự và nhã nhặn, thân thiện trong hành nghề, không tranh giành khách làm mất an ninh trật tự tại khu vực; không chèn ép giá; đón và trả khách đúng nơi qui định, tự bảo ban nhau trong cung cách phục vụ. Đội xe ôm ở cảng Sa Kỳ, xã Bình Châu (huyện Bình Sơn) và ở Đảo Bé (huyện Lý Sơn) đã tạo được niềm tin và hình ảnh đẹp mắt với người dân, du khách trong suốt thời gian qua.
Ngư dân chuyển nghề
Những ngày mưa bão vừa đi qua, tuyến vận tải Sa Kỳ- Lý Sơn hoạt động trở lại, đó cũng là lúc các thành viên trong Đội xe ôm tự quản ở cảng Sa Kỳ, xã Bình Châu (huyện Bình Sơn) bước vào guồng quay của công việc thường ngày- chạy xe ôm, đưa đón khách.
Đội xe ôm ở đây thành lập khoảng 6 năm, hiện có 20 thành viên. Đa phần là người dân ở các xã lân cận cảng như Tịnh Khê, Tịnh Kỳ, Tịnh Hòa (TP.Quảng Ngãi), Bình Châu (huyện Bình Sơn). Họ được tập hợp lại như một tổ chức nghề nghiệp hoạt động ổn định, tuân thủ theo qui định đã được thống nhất. Áo đồng phục màu xanh theo mẫu, có số điện thoại đường dây nóng của đội trưởng là cách nhận diện về các thành viên của đội.
Một số thành viên trong Đội xe ôm tự quản ở cảng Sa Kỳ.
Trước đây chừng 7 năm về trước việc tranh đón chở khách bát nháo, lộn xộn theo kiểu mạnh ai nấy đón, giá cả cũng vô chừng khiến du khách bất bình, làm mất hình ảnh của cảng Sa Kỳ.
Khi Lý Sơn ngày càng được nhiều du khách biết đến thì sự chuyên nghiệp trong hành nghề xe ôm cần đặt lên hàng đầu. Bây giờ, từ vị trí được đón khách, giá cả từng chặng, từng tuyến… đều được qui định rõ ràng và các thành viên tuân thủ rất nghiêm ngặt. Sự chuyên nghiệp còn được chú trọng từ việc nâng cao chất lượng phương tiện cho đến cung cách chào hỏi, thái độ ân cần, trang bị các kỹ năng giao tiếp cần thiết. Trong đó có cả kỹ năng về tiếng Anh, ưu tiên để phục vụ cho khách du lịch nước ngoài.
Ông Đinh Tấn Tư, 72 tuổi, một trong những người có "biên chế" lâu năm ở đây cho hay: “Hồi trước mỗi khi có khách từ đảo cập vào là một tốp người xáp lại mời, kỳ kèo giá cả. Bây giờ, những lão già chạy xe ôm ở đây như tôi, ai cũng lịch sự, văn minh vì làm ăn lâu dài, không phải ngày một, ngày hai, phải để lại hình ảnh đẹp cho du khách. Có gì bất ổn, khách cứ dựa vào số đường dây nóng của đội trưởng mà báo về phản ánh. Ai vi phạm bị xử lý liền, không được tiếp tục công việc này nữa".
Các thành viên trong đội đã tạo được niềm tin và hình ảnh đẹp đối với người dân, du khách trong suốt thời gian qua.
Điều đặc biệt, các tài xế trong đội đa phần trước đây là ngư dân đi biển. Khi tuổi cao không còn sức khỏe đương đầu với nơi đầu sóng, ngọn gió; hoặc giữa lúc biển giả trắc trở, không còn khả năng tái thiết cuộc sống, họ trở về tìm niềm vui đồng hành cùng du khách. Việc biển giả truyền lại cho con cháu.
Bởi thế, các thành viên trong đội đa phần là người đã có tuổi, nhiều người đã 60, 70 tuổi. Thế nhưng, vốn là dân biển lao động quanh năm nên sức khỏe vẫn đảm bảo cho việc lái xe ôm.
Đội trưởng Nguyễn Công, 54 tuổi, là một trong những trường hợp nêu trên. Trở về tay trắng từ một lần tàu của gia đình chìm sâu nơi biển cả, tài sản không có, lại thất nghiệp, đúng lúc Ban quản lý Cảng Sa Kỳ đang thành lập Đội xe ôm tự quản, ông tự nguyện vào đội để quản lý và gắn bó từ đó cho đến nay.
Bao năm qua, cứ như thường lệ, từ 7h00 sáng ông đã có mặt ở cảng cùng mọi người, chuẩn bị phục vụ khách chuyến tàu đầu tiên và chỉ kịp về nhà khi từ đảo Lý Sơn không còn chuyến tàu nào xuất phát trở về cảng Sa Kỳ.
"Vào đội, công việc nhẹ nhàng, đơn giản nhưng thu nhập ổn định. Vào mùa du lịch bình quân một ngày kiếm được vài trăm nghìn. Chỉ lo ngại nhất là mùa mưa bão, biển động, không có khách. Mặc khác, bây giờ ngày càng có nhiều phương tiện để phục vụ du khách ngay tại cảng và chỉ khách say tàu mới đi xe ôm nên công việc nhàn hạ hơn. Có ngày không có cuốc xe ôm nào mình cũng lên để gặp anh em hoặc chở hàng cho các tiểu thương", ông Tư nói.
Thỉnh thoảng các thành viên trong đội xe ôm còn giúp người dân trên đảo vận chuyển hàng hóa.
Dù đi vào hoạt động đã lâu nhưng Đội xe ôm tự quản ở cảng Sa Kỳ đã để lại nhiều ấn tượng đẹp với du khách trước khi đặt chân lên tàu qua đảo, hoặc từ đảo về cảng bằng hình ảnh đẹp, văn minh và lịch sự. Không những vậy, sự có mặt của đội xe ôm từ nhiều năm nay còn góp phần đảm bảo an ninh trật tự ở khu vực, kịp thời phát hiện những vụ việc nóng đến ban quản lý và lực lượng bộ đội biên phòng.
Đội xe ôm “tóc dài”
Chuyến ca nô từ đảo Lớn qua đảo Bé (huyện Lý Sơn) vừa cập bến, hai người phụ nữ từ trong bờ đon đả tiến về phía khách để chào hỏi, báo giá dịch vụ xe ôm. Đằng sau là một tốp phụ nữ đang dựng sẵn xe và đợi được phân công đưa đón khách. Họ mang trong mình vẻ đẹp mạnh mẽ, chất phát của phụ nữ đất đảo, tự nhận mình là thành viên của đội xe ôm chở khách trên đảo Bé.
Đội xe ôm "tóc dài" ở đảo đa phần là vợ của các ngư phủ. Đội được thành lập vào đầu năm 2020, xuất phát từ việc cấm các xe điện không đảm bảo yêu cầu hoạt động trên đảo. Nhu cầu khách tham quan đến đảo ngày càng đông, nên huyện chỉ đạo thành lập đội xe ôm để có phương tiện thay thế phục vụ du khách. Cánh đàn ông phần lớn đều đi biển hoặc tham gia đội thuyền thúng nên công việc này được giao lại cho phụ nữ đảm nhận.
"Nếu đưa xe cho du khách 2 người tự lái đi quanh đảo là 100 nghìn. Chúng tôi chở một người đi là 50 nghìn, còn chở khách ra bãi sau tham quan thì giá 30 nghìn... Giá cả này đã được qui định. Sau khi du khách tham quan xong chúng tôi sẽ đợi đưa ra cảng để theo ca nô về đảo Lớn", một người phụ nữ cầm phiếu ghi rõ các dịch vụ giới thiệu đến du khách lựa chọn.
Ở đảo Bé (huyện Lý Sơn) cũng có một đội xe ôm chở khách, chủ yếu là chị em phụ nữ.
Sau khi đưa chiếc mũ bảo hiểm dặn dò du khách, bà Trương Thị Bông, 50 tuổi, mời du khách lên xe. Trên chuyến xe, bà Bông cho hay, từ ngày đội thành lập đã tham gia. Là phụ nữ nhưng bà Bông và các chị chạy xe, phục vụ du khách chẳng kém cạnh các ngư phủ trên đảo nên rất được lòng. Với giọng nói đặc trưng ở đảo, chị giới thiệu từng địa danh nổi tiếng, đời sống văn hóa của cư dân, mọi ngóc ngách trên đảo như một hướng dẫn viên thực thụ.
Thường thì các thành viên chủ chốt trong đội đều có mối liên hệ trước với ca nô trước khi cập bến để nắm đủ số lượng người. Cả đội chia nhau thành nhiều tốp, thay phiên nhau phục vụ du khách. Hôm nay người này phát phiếu thì người kia chạy xe hoặc hôm nay người này đã chạy xe ôm rồi thì hôm sau nhường lượt cho người khác.
“Kết thúc một ngày chạy xe, mọi người họp lại để chia đều tiền trong ngày. Ai cũng có phần. Ở đây mùa mưa nhìn cây cối hoang tàn, lượng du khách ghé đảo rất ít. Thế nhưng, vào mùa du lịch, du khách đông nghịt. Có ngày, mỗi chị em cũng kiếm được hơn 200 nghìn vào thứ 7, chủ nhật và các ngày lễ”, chị Bông chia sẻ.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn Lê Văn Ninh, từ khi thành lập đến nay, đội xe ôm hoạt động rất hiệu quả, không có tình trạng chèo kéo khách như một số nơi, góp phần phát triển du lịch ở đảo, để lại nhiều ấn tượng trong du khách về con người Lý Sơn thân thiện, chất phác. Chị em trên đảo rất có ý thức trong việc xây dựng hình ảnh du lịch trên đảo. Sau mùa mưa bão năm nay, chúng tôi cố gắng phục hồi lại ngành du lịch để tiếp tục tạo công ăn việc làm cho bà con.
Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/2024/202011/doi-xe-om-muu-sinh-van-minh-3032950/