Đối xử với rác thải nhựa như một tài nguyên, sẽ giúp giảm ô nhiễm?
80-120 tỉ USD bị thất thoát khỏi nền kinh tế toàn cầu do thiếu tái chế bao bì nhựa. Nếu quản lý nhựa như một tài nguyên để tái chế có thể sẽ tránh khỏi ô nhiễm môi trường và thúc đẩy nền kinh tế.
Đại dịch Covid-19 đã khiến tình hình trở nên trầm trọng hơn do lượng tiêu thụ khẩu trang, dung dịch sát khuẩn đóng chai nhựa và bao bì đóng gói cho các đơn hàng trực tuyến gia tăng đột biến.
Ô nhiễm nhựa do rò rỉ từ môi trường ra môi trường biển ở mức đặc biệt nghiêm trọng đối với Việt Nam bởi đặc thù đường bờ biển dài. Để ứng phó với tình trạng này, kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 đặt mục tiêu giảm 75% lượng rác thải nhựa đại dương trong 10 năm tới.
Theo báo cáo Nghiên cứu Thị trường cho Việt Nam - Cơ hội và rào cản đối với tuần hoàn nhựa do Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) công bố, chỉ có 33% trong số 3,9 triệu tấn các loại nhựa sử dụng phổ biến được thải ra hàng năm tại Việt Nam được thu hồi và tái chế. Nghiên cứu ước tính rằng nền kinh tế đã lãng phí 75% giá trị vật liệu của nhựa, tương đương từ 2,2-2,9 tỉ USD mỗi năm.
Rác thải nhựa xuất hiện dọc theo bờ biển Việt Nam. (Ảnh minh họa)
Mỗi năm, một lượng bao bì nhựa trị giá 80-120 tỉ USD bị thất thoát khỏi nền kinh tế toàn cầu do thiếu tái chế và tạo ra giá trị dưới mức tối ưu kể cả khi có tái chế. Tất cả những yếu tố này đã góp phần nâng cao nhận thức toàn cầu về quản lý chất thải nhựa và những lo ngại về ô nhiễm nhựa đã được người tiêu dùng bình thường của Việt Nam nhận thức rõ.
Tái chế nhựa không chỉ giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa mà còn giúp giảm phát thải khí nhà kính và tiết kiệm các nguồn nguyên vật liệu có giá trị. Ông Kyle Kelhofer, Giám đốc Quốc gia IFC phụ trách Việt Nam, Campuchia và Lào, cho biết: “Nâng cao lợi ích kinh tế của việc tái chế nhựa sẽ giúp huy động đầu tư nhiều hơn của khu vực tư nhân để giải quyết hiểm họa ô nhiễm nhựa, đồng thời hỗ trợ các ngành quan trọng như du lịch, vận tải biển và thủy sản, vốn đang bị ảnh hưởng nặng nề”.
Việt Nam cần các chính sách nhằm giảm tiêu thụ nhựa và đẩy nhanh việc áp dụng các hệ thống tái sử dụng. Chẳng hạn, đối với sản phẩm nhựa sử dụng một lần có giá trị thấp mà không có phương án thay thế phù hợp, chính sách hiệu quả có thể bao gồm cấm và hạn chế đưa sản phẩm đó ra thị trường, áp dụng phí đối với người tiêu dùng, nhà sản xuất, hoặc nhà nhập khẩu và thuế.
Việt Nam cần các chính sách nhằm giảm tiêu thụ nhựa và đẩy nhanh việc áp dụng các hệ thống tái sử dụng. (Ảnh minh họa)
Bao bì chiếm khoảng 35% doanh thu của tất cả các loại nhựa tiêu thụ tại Việt Nam. Nếu không thiết kế lại và đổi mới nền tảng, khoảng 30% bao bì nhựa sẽ không bao giờ được tái sử dụng hoặc tái chế.
Do đó, Bộ Công Thương nên tham vấn ý kiến các bên liên quan thuộc khu vực nhà nước và tư nhân để phối hợp xây dựng các tiêu chuẩn thiết kế để tái chế, khuyến khích các ngành tự nguyện áp dụng các tiêu chuẩn này, và bắt buộc áp dụng các tiêu chuẩn này.
Việt Nam đã có đủ năng lực tái chế để đạt được tối thiểu 20% hàm lượng tái chế cho bao bì PET, PP, HDPE và LDPE/ LLDPE vào năm 2030. Hiệp hội Nhựa Việt Nam cho rằng, nếu sử dụng được nguồn nguyên liệu nhựa tái chế ở mức 35-50%/năm, các doanh nghiệp có thể giảm chi phí sản xuất hơn 15%.
Vì vậy, Chính phủ cần khuyến khích các doanh nghiệp hoạt động trong ngành nhựa Việt Nam đầu tư hơn về công nghệ để tái chế rác thải nhựa.