Đốm trắng trong họng là bệnh gì và xử trí như thế nào?
Nhiều người bệnh khi đến gặp bác sĩ hỏi về việc bị nhiều đốm trắng trong họng, thỉnh thoảng họ khạc ra được những hạt màu trắng hoặc màu vàng, rất bẩn và hôi. Việc này lặp đi lặp lại khiến họ rất lo lắng. Vậy những hạt đó là gì?
Theo PGS.TS.BS. Phạm Thị Bích Đào - BV Đại học Y Hà Nội, tình trạng nêu trên là một biểu hiện của bệnh viêm amidan hốc mủ mạn tính. Giải thích về vấn đề này, BS. Đào cho biết: "Cấu tạo của amidan bản chất là các tổ chức lympho ở họng, tập hợp thành đám, có nhiệm vụ bào vệ vùng họng (ngã tư của đường ăn và đường thở), cửa ngõ của mọi tác nhân xâm nhập vào cơ thể.
Do vậy, amidan sẽ có nhiều khe hốc. Khi ăn, thức ăn sẽ chui vào các khe hốc này, đọng lại, vôi hóa, đồng thời có sự xâm nhập của vi khuẩn vào trong khối thức ăn này sẽ vôi hóa gây mùi hôi. Do vậy, tình trạng viêm amidan có mủ kéo dài sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của người bệnh".
Nguyên nhân dẫn đến viêm amidan hốc mủ
Theo PGS. TS Phạm Thị Bích Đào, một số nguyên nhân chính dẫn đến viêm amidan hốc mủ bao gồm:
- Người bệnh chưa điều trị dứt điểm được viêm amidan cấp tính hoặc điều trị chưa đúng cách: Khi viêm vẫn còn, kết hợp với các yếu tố tác động như thức ăn, khói bụi, các vi khuẩn khác tấn công thêm vào vị trí viêm. Kết quả là hình thành nên các ổ viêm, có mủ. Hoặc bệnh nhân không tuân thủ theo phác đồ điều trị viêm amidan cấp, khiến bệnh ngày càng trầm trọng hơn, xuất hiện mủ.
- Do yếu tố từ môi trường sống: Chất lượng không khí ô nhiễm, nhiều bụi bẩn, vi khuẩn... là những yếu tố có thể tấn công người có sức đề kháng yếu. Đặc biệt là những người đang có dấu hiệu viêm amidan. Khi đó, viêm amidan thông thường rất dễ tiến triển thành amidan có mủ.
- Do lối sống của người bệnh: Lối sống không lành mạnh cũng là nguyên nhân thường được kể đến. Sử dụng các chất độc hại, khói thuốc, rượu bia… đều làm tăng tình trạng viêm amidan của bệnh nhân.
- Do vệ sinh răng miệng: Răng miệng không được vệ sinh sạch sẽ và thường xuyên sẽ gây tích tụ vi khuẩn, virus. Không những vậy, các mảng bám ở răng nếu không được vệ sinh sạch sẽ dễ dẫn đến bị sâu răng, làm tăng thêm triệu chứng hôi miệng ở bệnh nhân viêm amidan mủ.
- Các bệnh lý Tai Mũi Họng: Ba cơ quan này nằm ở vị trí ngay cạnh nhau, thông với nhau bởi lỗ xoang. Do vậy, khi có tổn thương do vi khuẩn tấn công tại 1 vị trí cũng có khả năng dẫn đến xâm nhập đến cơ quan còn lại.
Viêm amidan mủ có tác hại gì, giải quyết như thế nào?
Theo PGS.TS.BS Bích Đào, khi mắc viêm amidan mủ người bệnh rất khó chịu, nhất là có mùi hôi trong hơi thở. Đồng thời, nếu người bệnh có mủ bã đậu có thể sẽ tăng tần suất viêm họng cho người mắc bệnh, vì đây là nơi cư trú của vi khuẩn, nếu tần xuất 05 - 07 lần/năm, có thể cân nhắc chỉ định cắt amidan. Nên vệ sinh amidan bằng cách súc họng và lấy bỏ tổ chức mủ bã đậu thường xuyên.
Tuy nhiên, đối với bệnh nhân viêm amidan mủ, việc cắt amidan chỉ được thực hiện khi đủ điều kiện về tình trạng sức khỏe và thực sự cần thiết. Bởi vì mỗi cơ quan trên cơ thể chúng ta đều có ích và tham gia vào hoạt động bình thường của cơ thể. Việc đánh giá để chỉ định cắt amidan khi có mủ sẽ do bác sĩ quyết định. Vì để an toàn nhất, chúng ta cần xem người bệnh có đủ điều kiện về sức khỏe hay không và amidan đã thực sự cần cắt đi chưa, hay chỉ cần dùng thuốc và các biện pháp hỗ trợ là đủ.
Ngoài dùng thuốc theo chỉ định của các bác sĩ, người bệnh bị viêm amidan mủ cần chú ý vệ sinh răng mũi miệng và vòm họng sạch sẽ bằng nước muối sinh lý hoặc nước muối ấm. Nên hạn chế ảnh hưởng từ môi trường bằng việc đeo khẩu trang khi ra ngoài hay khi thường xuyên bị ho, hắt hơi.
Nên uống nhiều nước mỗi ngày, vì bệnh nhân viêm amidan sẽ có cảm giác khô họng, khát nước và hay mệt mỏi. Do vậy, cần bổ sung đủ nước, hoặc cũng có thể uống sữa, các đồ uống tốt cho sức khỏe như nước ép hoa quả.
Để phòng bệnh viêm amidan mủ, khi mắc viêm amidan cần có chế độ ăn uống và sinh hoạt hợp lý, để tránh tái phát và tiến triển thành mạn tính.
Cần chăm sóc, vệ sinh tai mũi họng, chải răng 2 lần mỗi ngày, vào buổi sáng khi ngủ dậy và buổi tối trước khi đi ngủ. Thường xuyên súc miệng, rửa mũi bằng nước muối sinh lý để làm sạch bụi bẩn vùng mũi họng. Cần đeo khẩu trang khi đi ra ngoài để bảo vệ mũi họng.
Ăn đồ ăn có nhiều dinh dưỡng, bổ sung đầy đủ vitamin, khoáng chất. Không ăn đồ ăn cay nóng, đồ có nhiều chất béo, dầu mỡ. Đặc biệt cần tránh rượu bia, thuốc lá, hạn chế la hét lớn, vì việc này sẽ tác động đến vùng họng và thanh quản.
Mời độc giả xem thêm video: