Đón bằng công nhận Bảo vật quốc gia tượng Quan Thế Âm tại Bắc Ninh
Trong niềm hân hoan của người dân và đông đảo phật tử, ngày 4/11, tại chùa Thượng Phúc (khu phố Cung Kiệm, xã Nhân Hòa, thị xã Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh) đã diễn ra Pháp hội Quán Thế Âm và lễ đón nhận Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận Bảo vật quốc gia - tượng Quan Thế Âm.
Bảo vật quốc gia tượng Quan Thế Âm bằng đá thời Lê Sơ, niên đại 1449, được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận vào ngày 30/1/2023. Sau nhiều ngày tháng chuẩn bị, lễ đón nhận Quyết định công nhận Bảo vật quốc gia tượng Quan Thế Âm được chính quyền, người dân địa phương và bà con phật tử tổ chức trọng thể.
Niềm tự hào của người dân
Chùa Thượng Phúc (còn gọi chùa Cung Kiệm) hiện bảo lưu pho tượng Quan Thế Âm bằng đá được tạo tác năm Kỷ Tỵ, niên hiệu Thái Hòa thứ 7 (1449). Ngay khi được Thủ tướng chính phủ ký quyết định công nhận pho tượng Quan Thế Âm là Bảo vật quốc gia, công tác chuẩn bị cho lễ đón nhận đã được lên kế hoạch chi tiết. Đặc biệt, hơn một tuần nay, chùa Cung Kiệm là "điểm đến" của người dân Nhân Hòa và phật tử xa gần. Nhiều người con Cung Kiệm đi làm xa quê, cũng thu xếp về chung vui với quê hương.
Bà Nguyễn Thị Hoài, 71 tuổi, ở khu phố Cung Kiệm, phường Nhân Hòa, thị xã Quế Võ chia sẻ: Cả tuần nay cứ thu xếp xong việc nhà là tôi lại ra chùa làm công quả để buổi lễ đón nhận danh hiệu được viên mãn. Tối qua hơn 9 giờ tôi vẫn còn ở chùa phụ gói giò chay, dọn dẹp mà sáng nay 4 giờ đã có mặt dự lễ Thỉnh chuông cùng thầy Trụ trì. Chúng tôi vui lắm khi Cụ Quan Thế Âm của chùa làng được công nhận Bảo vật quốc gia và có giá trị đặc biệt quý hiếm.
Được con cháu dìu ra chùa dự lễ, cụ Răm, 87 tuổi, ở khu phố Cung Kiệm cho biết: Sức yếu, cả năm nay tôi không ra lễ chùa. Nhưng nay là đại lễ, tượng Quan Thế Âm của chùa được công nhận Bảo vật quốc gia nên tôi phải đi dự.
Tại lễ công bố và trao Quyết định công nhận Bảo vật quốc gia, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã Quế Võ Nguyễn Bá Quân khẳng định, đây là sự kiện thể hiện sự trân trọng, ghi nhận của Nhà nước đối với lịch sử vùng đất Quế Võ, chùa Cung Kiệm trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc; đặc biệt là lịch sử Phật giáo cũng như lịch sử tạc tượng Việt Nam. Pho tượng là niềm tự hào của nhân dân thị xã Quế Võ nói chung và khu phố Cung Kiệm nói riêng.
Lãnh đạo thị xã Quế Võ đề nghị, cấp ủy, chính quyền phường Nhân Hòa, chùa Thượng Phúc và nhân dân địa phương khẩn trương xây dựng phương án bảo vệ, bảo quản, phát huy giá trị Bảo vật quốc gia, gắn với việc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương. Cùng với đó, địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu Bảo vật quốc gia tượng Quan Thế Âm, Di tích lịch sử chùa Thượng Phúc đến với đông đảo nhân dân và khách thập phương...
Hiện vật mang tính độc bản
Bảo vật quốc gia tượng Quan Thế Âm chùa Cung Kiệm là pho tượng Quan Âm được khắc niên đại sớm nhất Việt Nam (năm 1449), đồng thời là pho tượng Quan Thế Âm thời Lê Sơ duy nhất.
Pho tượng cũng là hiện vật gốc trong di tích, không có phiên bản của hiện vật này trong các di tích hay địa phương khác nên đây là hiện vật mang tính độc bản. Đây cũng là pho tượng duy nhất có minh văn cả trên thân tượng và bệ tượng. Minh văn pho tượng Quan Âm chùa Cung Kiệm cung cấp thông tin về niên đại tạo tác và địa chỉ, tên các tín chủ công đức. Phần minh văn pho Quan Âm có tất cả 67 chữ (39 chữ khắc trên lưng tượng, 28 chữ khắc trên bệ tượng).
Tính đến nay, tượng Quan Âm chùa Cung Kiệm là pho tượng đá duy nhất được tạo tác từ 2 khối tách rời gồm phần thân tượng và bệ tượng, tổng chiều cao 88,7cm. Tượng được tạc trong tư thế ngồi tọa thiền bán kiết già, đầu đội mũ thiên quan, khoác áo thiên y, anh lạc đeo trước ngực hình hoa mai 9 cánh. Tượng từng được chỉnh sửa, gắn chắp một số chỗ bị vỡ, nứt ở bàn tay phải, phần mũi, cổ và tai phải.
Đáng chú ý, đây là pho tượng Quan Âm đá duy nhất có tạo hình bệ tượng với sự xuất hiện của đôi thủy quái đỡ bệ sen. Đôi thủy quái đang trong tư thế ngóc cao đầu, vượt lên sóng biển, ngoảnh mặt vào nhau cùng đội lấy đài sen.
Theo các nhà nghiên cứu, hiện vật có giá trị đặc biệt quan trọng đối với vấn đề nghiên cứu lịch sử Phật giáo Việt Nam.