'Đòn bẩy' cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số Vị Xuyên và Đồng Văn

Trong những năm qua, việc quan tâm, chăm lo đời sống đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) luôn được tỉnh ta đặt lên hàng đầu. Các chính sách hỗ trợ đồng bào DTTS được đẩy mạnh, đã giúp các hộ nghèo, cận nghèo huyện Vị Xuyên và Đồng Văn thêm động lực vươn lên phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

Những chính sách hỗ trợ đồng bào DTTS đã làm thay đổi diện mạo nông thôn các xã vùng cao của huyện Đồng Văn. Trong ảnh: Đường bê - tông Nông thôn mới thôn Đoàn Kết, xã Sủng Là. Ảnh: My Ly

Những chính sách hỗ trợ đồng bào DTTS đã làm thay đổi diện mạo nông thôn các xã vùng cao của huyện Đồng Văn. Trong ảnh: Đường bê - tông Nông thôn mới thôn Đoàn Kết, xã Sủng Là. Ảnh: My Ly

Huyện Vị Xuyên có 19 dân tộc, trong đó DTTS rất ít người (dưới 10.000 người) như Pà Thẻn, Lô Lô, Bố Y, Phù Lá, Pu Péo, Sán Chay, Sán Dìu) sinh sống, tập trung trên địa bàn 24 xã, thị trấn. Những năm qua, huyện tập trung thực hiện các chính sách của Chính phủ cho đồng bào DTTS như 134, 135, 2085, 2086…; một số chính sách riêng, đặc thù cho vùng dân tộc rất ít người, như: Dự án hỗ trợ phát triển KT - XH cho 5 dân tộc dưới 1.000 người từ năm 2006 – 2010; Đề án phát triển KT - XH vùng dân tộc Cờ Lao...; chính sách hỗ trợ phát triển KT - XH các DTTS rất ít người giai đoạn 2016 – 2025; ưu tiên tuyển sinh và hỗ trợ học tập đối với trẻ mẫu giáo, học sinh, sinh viên DTTS rất ít người... Qua đó đã thúc đẩy KT - XH vùng DTTS, dân tộc rất ít người phát triển; hạ tầng cơ sở từng bước được cải thiện, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo ngày càng giảm.

Gia đình ông Hầu A Mang, thôn Lùng Châu, xã Phong Quang (Vị Xuyên) được hỗ trợ di dời nhà ở ra khỏi vùng nguy cơ sạt lở cao. Ảnh: An Dương

Gia đình ông Hầu A Mang, thôn Lùng Châu, xã Phong Quang (Vị Xuyên) được hỗ trợ di dời nhà ở ra khỏi vùng nguy cơ sạt lở cao. Ảnh: An Dương

Thực hiện chương trình 135, trong năm 2019, huyện đã giải ngân 17,224/19,305 tỷ đồng vốn đầu tư, 2,605/6,357 tỷ đồng vốn sự nghiệp cho 29 công trình; giải ngân 1,163/1,389 tỷ đồng để duy tu, bảo dưỡng 3 công trình; hỗ trợ phát triển sản xuất 1,442 tỷ đồng cho 340 hộ được thụ hưởng; mô hình giảm nghèo giải ngân được 1,066 tỷ đồng/5 mô hình với 91 hộ thụ hưởng... Bên cạnh đó, huyện cũng thực hiện nghiêm các quyết định, đề án, chương trình của Chính phủ về chính sách cho đồng bào DTTS. Đặc biệt, đã thực hiện hỗ trợ gạo, kinh phí cho học sinh bán trú theo quy định của Chính phủ đối với học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn năm học 2018 – 2019. Hỗ trợ tiền ăn cho 3.787 học sinh, hỗ trợ gạo cho 3.805 học sinh; hỗ trợ ăn trưa cho 4.718 trẻ em mẫu giáo. Đối với chính sách hỗ trợ Bảo hiểm y tế cho người nghèo, cận nghèo và đồng bào DTTS đã hỗ trợ 100% cho các đối tượng...

Tuy nhiên, việc thực hiện các chính sách đối với DTTS và DTTS rất ít người còn những hạn chế như: Chính sách nhiều nhưng còn dàn trải, thiếu nguồn lực thực hiện, giao phân bổ nguồn vốn giữa Trung ương và các địa phương chưa thống nhất, dẫn đến nhiều chương trình, dự án khó lồng ghép, không được bố trí vốn triển khai...

Dù vậy, với nhiều nỗ lực thực hiện các chính sách dân tộc của huyện Vị Xuyên thời gian qua, đã được đồng bào đón nhận, đạt được những kết quả quan trọng trong xây dựng cuộc sống mới.

Đối với huyện Đồng Văn, nhiều chính sách hỗ trợ được triển khai trên địa bàn đã mang lại lợi ích trực tiếp cho người dân như: Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững (Chương trình135) nhằm hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn huyện với tổng số tiền hỗ trợ gần 5 tỷ đồng; Chương trình 30a; Quyết định 2085 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho các hộ nghèo…

Để đảm bảo chương trình hỗ trợ đúng người, đúng đối tượng, các xã, thị trấn đã chỉ đạo cán bộ phụ trách phối hợp với Trưởng thôn và các ban, ngành đoàn thể của thôn sàng lọc, kiểm tra đúng đối tượng được thụ hưởng. Đối với từng mục hỗ trợ có những hướng dẫn cụ thể như: Đối với các gia đình được hỗ trợ vốn chăn nuôi, xã cử cán bộ phụ trách giúp đỡ gia đình lựa chọn kỹ, mua con giống tốt. Đồng thời yêu cầu cán bộ chuyên môn phải thường xuyên kiểm tra, giám sát, hướng dẫn kỹ thuật nuôi cho các hộ… Từ những nguồn vốn hỗ trợ, nhiều mô hình thực hiện hiệu quả đã được nhân rộng như: Mô hình nuôi bò, dê tại các xã Lũng Táo, Ma Lé; mô hình trồng rau trái vụ ở xã Sảng Tủng; các mô hình nuôi ong Bạc hà, trồng ớt gió, trồng Lê tại các xã trên toàn huyện.

Anh Nguyễn Văn Chiểu, Trưởng phòng Dân tộc huyện Đồng Văn cho biết: Đối với huyện phần đa là đồng bào DTTS còn nhiều khó khăn thì những chính sách hỗ trợ này đã kịp thời động viên, giúp đỡ họ vươn lên trong cuộc sống. Những nguồn vốn đến tay người dân sẽ là động lực giúp họ thay đổi tư duy, mạnh dạn phát triển kinh tế, từng bước xóa đói, giảm nghèo. Thời gian tới, huyện tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế vùng DTTS theo hướng bền vững; khai thác hiệu quả, tiềm năng, lợi thế của vùng. Đặc biệt là quan tâm chăm lo, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, đội ngũ cán bộ người DTTS…

Nhờ có sự chung tay, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo thực hiện hiệu quả, minh bạch các chế độ hỗ trợ, người dân vùng cao, đặc biệt là đồng bào DTTS huyện Đồng Văn đã có cuộc sống ổn định hơn, diện mạo nông thôn đã đổi thay rõ rệt. Những chính sách hỗ trợ đồng bào DTTS đã góp phần không nhỏ trong việc xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững.

AN DƯƠNG - MY LY

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/chinh-sach-voi-cuoc-song/201907/don-bay-cho-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-vi-xuyen-va-dong-van-748163/