Đòn bẩy đổi mới sáng tạo giúp doanh nghiệp Việt vừa thoát bờ 'vực thẳm' vừa làm được chuyện lớn
Nhìn từ khả năng chinh phục thị trường toàn cầu của những doanh nghiệp (DN) thuần Việt như ABC Bakery hay RIR để thấy việc tận dụng đổi mới sáng tạo đi thẳng ra thị trường rồi nắm bắt các cơ hội lớn là rất quan trọng. Trong khi đó, trước con số đáng báo động về số DN rút lui khỏi thị trường, đang buộc khối nội đứng trước lựa chọn sinh tử là dùng đòn bẩy đổi mới sáng tạo nhằm vừa thoát bờ 'vực thẳm' vừa có thể làm được chuyện lớn.
Ông Kao Siêu Lực, Tổng giám đốc CTCP Bánh kẹo Á Châu (ABC Bakery), cho biết công ty vừa mới ký thêm một hợp đồng xuất khẩu (XK) bánh vào cuối tháng 3/2024 với một đối tác quan trọng là Marina Bay Sands - một quần thể khách sạn, nghỉ dưỡng 5 sao nổi tiếng bậc nhất tại Singapore. Việc khai thác thị trường này hiện đang rất tốt, ngày càng nhiều khách sạn 5 sao ở đây đã đặt hàng nhập khẩu bánh mì từ công ty.
Sáng tạo cần được đi thẳng ra thị trường
Như hé lộ của ông Lực, nếu như 3 - 4 năm về trước doanh thu XK bánh chỉ chiếm khoảng 20% trong tổng doanh thu của công ty. Còn đến nay, với việc ưu tiên đẩy hàng đi nước ngoài, doanh thu từ XK đã tăng mạnh, đạt tỷ trọng 35 - 37% trong tổng doanh thu. Bên cạnh thị trường Singapore thì thị trường XK lớn nhất của công ty hiện tại là thị trường Nhật Bản (chiếm đến 90% kim ngạch XK).
Các DN Việt cần nhận thức rõ tính cấp bách và sống còn của đònbẩy đổi mới sáng tạonếu không muốn rơi vào bờ “vực thẳm”.
Có được bước tiến về mặt XK như vậy, theo vị tổng giám đốc của ABC Bakery, đó là nhờ công ty chú trọng nhiều vào khâu đổi mới sáng tạo, đặc biệt là làm sao nghiên cứu sản phẩm mới nhằm chinh phục khách hàng quốc tế. Ngay như với thị trường nội địa, công ty cũng phải liên tục cải tiến để cho ra những sản phẩm mới, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu, tạo ra những trải nghiệm mới cho khách hàng.
Chia sẻ tại buổi tọa đàm “Đổi mới sáng tạo và cơ hội tăng trưởng” do Đại học Andrews (Hoa Kỳ) phối hợp cùng CTCP Kết nối tri thức (ACC) tổ chức ở Tp.HCM hôm 31/3, ông Lực đã đúc rút kinh nghiệm của chính mình từ những khó khăn ban đầu khi khởi tạo một thương hiệu mới, đó là “bản thân phải có sự nhiệt thành với đổi mới sáng tạo thì mới làm được. Nếu chưa có gì, trước mắt thấy khó khăn mà đã vội đầu hàng, sẽ không làm được chuyện lớn”.
Cũng theo vị tổng giám đốc này, để phát huy tính hiệu quả cho đổi mới sáng tạo nhằm cho “ra lò” những sản phẩm bánh, kem thu hút được nhiều khách hàng, bản thân ông kiêm luôn vị trí người đứng đầu về nghiên cứu và phát triển (R&D) của công ty, cũng như dành tâm huyết tận dụng nguồn nông sản Việt nhằm chế biến các sản phẩm mới hấp dẫn người mua.
“Việc đầu tư, cải tiến cho máy móc, công nghệ, nhà xưởng luôn là ưu tiên hàng đầu. Đơn cử như việc tôi đã nghiên cứu và phát triển một máy phun trứng tự động, giúp tiết kiệm thời gian và nguyên liệu, cải thiện sức khỏe và năng suất cho công nhân. Sản phẩm này đã được đánh giá cao tại các thị trường như Singapore và Malaysia”, ông Lực nói.
Từ tính hiệu quả về mặt đổi mới sáng tạo của một DN hàng đầu trong ngành hàng dịch vụ ăn uống (F&B) như nêu trên, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao, cho rằng có rất nhiều sáng kiến, đổi mới sáng tạo thay vì quanh quẩn trong phòng thí nghiệm thì rất cần được đi thẳng ra thị trường. Cùng với đó, việc tiên phong phát triển, phát minh, chế tạo ra những công nghệ mới trong quá trình sáng tạo sẽ giúp cho DN Việt tiến xa trên thị trường toàn cầu.
Bà Hạnh đã nêu ra một dẫn chứng cụ thể là trường hợp Công ty TNHH Real-time Robotics Việt Nam (RIR) ở Tp.HCM đã phát minh và chế tạo ra thiết bị bay không người lái (drone) là Drone Hera và OmniSight Gimbal (khung chống rung thông minh) có tính năng vượt trội sản phẩm drone mà NATO đang sử dụng.
“Đây là một phát minh đúng nghĩa, công nghệ của người Việt Nam, hiện nay đang được thị trường Mỹ công nhận là một sản phẩm vượt trội hơn họ và bán trên thị trường Mỹ giá cao hơn họ. Hiện tại hãng Sony (Nhật Bản) và một số công ty khác thường xuyên đến Việt Nam để hợp tác với công ty RIR. Nhìn một cách lạc quan, Việt Nam có thể trở thành một trung tâm sáng tạo và chế tạo drone của thế giới”, vị chủ tịch của Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao cho biết.
Lựa chọn sinh tử để tồn tại
Trao đổi với VnBusiness, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Luật Việt Á, Phó Chủ tịch Hội Xuất nhập khẩu tỉnh Đồng Nai, khẳng định cơ hội của các DN nội địa là không nhỏ, nhưng làm sao để nắm bắt các cơ hội đó mới là điều quan trọng. Vấn đề này đòi hỏi bản thân người chủ DN phải dành sự quan tâm nhiều hơn đến đổi mới sáng tạo trong sản xuất kinh doanh với một tâm thế luôn chuẩn bị sẵn sàng, để không bỏ lỡ cơ hội đến với DN của mình.
Theo ông Tuấn, việc mở rộng đổi mới sáng tạo cũng là một thách thức đáng để các DN Việt giải quyết. Nhất là cần làm sao để thu hẹp khoảng cách giữa khoản đầu tư cho đổi mới sáng tạo và giá trị tạo ra từ đó. Để dẫn dắt quy trình đổi mới sáng tạo thì các DN cũng cần làm rõ vấn đề, lên ý tưởng, phát triển giải pháp và thực thi.
Trong khi đó, ông Nguyễn Tiến Điệp, Chủ tịch của Alumni Andrews Việt Nam, lưu ý việc đổi mới sáng tạo của DN đã được nói rất nhiều trên thế giới trong nhiều năm nay, tuy nhiên, với Việt Nam, từ khi chịu ảnh hưởng tiêu cực trước và sau đại dịch Covid-19 thì các DN Việt mới thấy tính cấp bách và sống còn của việc đổi mới sáng tạo. Đặc biệt khi trong 3 - 4 năm trở lại đây, tình hình sản kinh doanh của nhiều DN nội địa rơi vào tình cảnh cực kỳ khó khăn.
“Nếu như DN nào không đổi mới sáng tạo, không có khả năng thích ứng, điều chắc chắn là bản thân DN đó đã rút lui khỏi thị trường. Và trong tương lai sẽ còn những DN rơi vào cảnh tương tự như vậy một khi không tạo dựng được khả năng về đổi mới sáng tạo vốn luôn luôn nóng hổi và ngày càng nóng hổi”, ông Điệp nói.
Tình hình thực tế cũng cho thấy số DN ở Việt Nam rút lui khỏi thị trường trong quý 1/2024 là 73,9 nghìn DN, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính ra bình quân một tháng có gần 24,7 nghìn DN rút lui khỏi thị trường. Còn hồi năm 2023, tổng số DN rút lui khỏi thị trường là 172.000 DN, tăng 20,5% so với năm 2022, tính ra bình quân, một tháng có gần 14.4000 DN phải rút lui.
Nhìn vào tình cảnh rút lui, rơi vào bờ “vực thẳm” của các DN nội địa như vậy, với một trong lý do chính yếu là không cập nhật kịp trước những thay đổi của thị trường nên đã khiến cho họ rút lui khỏi thị trường. Đó là những con số đáng báo động và buộc họ phải đứng trước lựa chọn sinh tử, hoặc là dùng đòn bẩy đổi mới sáng tạo để vừa thoát bờ “vực thẳm” vừa có thể làm được chuyện lớn, hoặc là bảo thủ không thay đổi rồi phải chấp nhận cái kết cuối cùng là không tồn tại.