'Đòn bẩy' giúp nông dân làm giàu
Các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đang quản lý, sử dụng vốn Quỹ hỗ trợ nông dân đảm bảo hiệu quả, đúng mục đích. Nguồn vốn trên thật sự là 'đòn bẩy' giúp nông dân đẩy mạnh phát triển sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, vươn lên làm giàu chính đáng.
Để nguồn vốn trên phát huy hiệu quả, tránh bố trí vốn cho vay dàn trải, Hội Nông dân tỉnh chỉ đạo tập trung cho vay (các nhóm hộ) ở từ 2 - 3 chi hội gần nhau để thuận lợi cho công tác chỉ đạo, quản lý. Trong đó, ưu tiên các xã điểm xây dựng nông thôn mới của tỉnh, xã có quy hoạch vùng sản xuất tập trung, phát huy thế mạnh địa phương. Các hộ tham gia dự án phải có cùng một mục đích đầu tư. Đặc biệt, tất cả các dự án trước khi giải ngân vốn đều được thẩm định kỹ lưỡng từ cơ sở, đảm bảo tính khả thi, đúng đối tượng mong muốn vay để làm ăn. Lãnh đạo Hội Nông dân cấp xã là chủ dự án, từ việc gắn rõ trách nhiệm đó nên đã nâng cao ý thức quản lý, giám sát hội viên sử dụng đúng mục đích, tạo sự liên kết giữa các hộ vay.
Các cấp Hội Nông dân đang quản lý 26 tỷ đồng vốn Quỹ hỗ trợ nông dân giúp cho trên 750 hộ vay, thực hiện 98 dự án trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản. Qua đánh giá nguồn vốn được sử dụng cho vay đảm bảo đúng đối tượng, có hiệu quả, nguồn phí thu đảm bảo đầy đủ theo quy định. Các dự án đang phát huy hiệu quả rõ rệt như: Dự án “trồng rau an toàn” ở phường Ỷ La (TP Tuyên Quang), dự án nuôi “trâu sinh sản kết hợp cày kéo” ở các xã Phúc Sơn (Chiêm Hóa), dự án “nuôi trâu, bò sinh sản” ở xã Thành Long (Hàm Yên), dự án “Trồng và chăm sóc bưởi” ở xã Thắng Quân, xã Xuân Vân (Yên Sơn)… đã giúp các hội viên vay có thu nhập cao, từng bước ổn định đời sống. Tiêu biểu như các hộ ông Phạm Văn Đắc, ông Phạm Văn Hải, thôn Văn Lập, xã Thắng Quân (Yên Sơn) có thu nhập trên 150 triệu đồng/năm khi thực hiện dự án “Trồng và chăm sóc bưởi”. Hộ bà Long Thị Thang, ở tổ 6, phường Ỷ La (TP Tuyên Quang) có thu nhập ổn định từ trồng rau sạch…
Đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thành Long (Hàm Yên) khẳng định, Hội đang quản lý 2 dự án nuôi trâu, bò sinh sản, không có trường hợp chậm trả phí. Cả 2 dự án trên đều phát huy hiệu quả vì từ khâu lập dự án, các cấp hội đã khảo sát, tìm hiểu nguyện vọng của từng hộ hội viên. Các hộ đều là những hộ chăm chỉ làm ăn, nguyện vọng vay chính đáng, có phương án sử dụng vốn vay rõ ràng. Bên cạnh đó, dự án triển khai “đúng”, “trúng” vì giúp phát huy lợi thế địa phương có đồng cỏ rộng, các hộ có quỹ đất trồng cỏ, bà con có kinh nghiệm chăn nuôi lâu đời. Điều đáng mừng là các hộ luôn chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc phòng dịch hiệu quả cho đàn vật nuôi.
Ông Nguyễn Văn Hiệu, thôn Hưng Long, xã Thành Long vui mừng chia sẻ, gia đình ông là 1 trong 10 hộ của xã được vay tổng số 210 triệu đồng. Gia đình ông được vay 20 triệu đồng, số vốn đó đóng vai trò “đòn bẩy” giúp có thêm vốn mua trâu giống tăng đàn chăn nuôi. Khi vay vốn ông thấy rất thuận lợi, nhanh chóng, dễ dàng, không mất thời gian đi lại nhiều lần, phí vay hợp lý mức 0,7%/tháng. Song song với mua trâu giống, ông trồng thêm 3 sào cỏ voi, trồng 2 sào ngô vụ đông chủ động nguồn thức ăn cho trâu. Bên cạnh đó, ông chủ động tiêm phòng dịch đầy đủ, phòng chống rét cho đàn vật nuôi. Qua 1 năm chăm sóc tốt, con trâu cái đã sinh sản. Vì thức ăn có sẵn nên càng nuôi càng lãi, riêng con trâu nghé nuôi năm sau có giá gần 30 triệu đồng. Để cả đàn nuôi thêm 5 năm tới, tổng đàn trâu ước sẽ tăng lên khoảng 10 con, đó là nguồn tài sản lớn đối với người nông dân.
Việc người nông dân được vay vốn qua kênh Quỹ hỗ trợ nông dân đã góp phần tạo thêm việc làm, thu nhập ổn định cho người nông dân, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa. Đặc biệt qua đó cũng góp phần hạn chế tình trạng nông dân tiếp cận vốn “tín dụng đen”, đảm bảo an ninh trật tự vùng nông thôn.