'Đòn bẩy'giúp phát triển kinh tế - xã hội

Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI 'về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội', trong 10 năm qua, với sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, điều hành của UBND tỉnh và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nguồn vốn chính sách đã đến với các địa phương, trở thành 'đòn bẩy' giúp phát triển kinh tế - xã hội.

Trợ lực cho người nghèo

Ông Đinh Cầm, ở thôn Long Thượng, xã Long Mai (Minh Long) cho biết, nhiều năm trước, dù gia đình tôi chăm chỉ làm rẫy, trồng lúa nước và chăn nuôi gia súc, gia cầm, nhưng do còn nhỏ lẻ, manh mún nên thu nhập thấp, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Năm 2019, tôi được cán bộ Hội Nông dân xã vận động tham gia lớp tập huấn giảm nghèo và hướng dẫn thủ tục vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn chính sách xã hội (CSXH) để đầu tư trồng keo. Mới đây, tôi khai thác keo bán cho nhà máy chế biến dăm gỗ, trừ chi phí còn lãi khoảng 120 triệu đồng, nhờ đó, có tiền trang trải cuộc sống và nuôi các con ăn học. Hiện, vợ chồng tôi bàn bạc tiếp tục vay 100 triệu đồng từ nguồn vốn của Ngân hàng CSXH để đầu tư, mở rộng diện tích trồng keo.

Người dân làm thủ tục vay vốn tại một điểm giao dịch của Ngân hàng Chính sách xã hội. Ảnh: PV

Người dân làm thủ tục vay vốn tại một điểm giao dịch của Ngân hàng Chính sách xã hội. Ảnh: PV

Cũng nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách, anh Hồ Văn Châu, ở thôn Cả, xã Trà Hiệp (Trà Bồng) có đủ điều kiện để tham gia xuất khẩu lao động. Anh Châu chia sẻ, từ lâu, người dân quê tôi chỉ biết bám ruộng, làm rẫy, thu nhập bấp bênh nên mãi nghèo. Tôi lớn lên, băn khoăn chưa biết làm thế nào để thoát nghèo, thì xem ti vi thấy các bạn đi xuất khẩu lao động có thu nhập cao, nên nghĩ đây là hướng đi phù hợp với bản thân. Tôi đăng ký tham gia lớp đào tạo nghề và trúng tuyển đi làm việc tại Nhật Bản. Thế nhưng, chi phí để làm thủ tục xuất khẩu lao động quá lớn.

Trong lúc tôi loay hoay chưa biết làm gì, thì cán bộ tín dụng Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Trà Bồng đã hướng dẫn tôi làm thủ tục vay vốn diện xuất khẩu lao động trong vòng 36 tháng. “Vay được vốn chính sách, tôi mừng lắm. Sau khi sang Nhật làm việc, mỗi tháng tôi dành dụm, gửi tiết kiệm được 20 triệu đồng. Sau 3 năm làm việc trở về nước, tôi đã trả được nợ ngân hàng, xây dựng ngôi nhà khang trang và tích lũy được ít vốn làm ăn. Nhờ đó, gia đình tôi đã thoát nghèo", anh Châu chia sẻ.

Cán bộ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bình Sơn giải quyết thủ tục vay vốn cho người dân xã Bình Đông. Ảnh: HỒNG HOA

Cán bộ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bình Sơn giải quyết thủ tục vay vốn cho người dân xã Bình Đông. Ảnh: HỒNG HOA

Tại 2 xã Hành Tín Đông, Hành Tín Tây (Nghĩa Hành), nhờ vay vốn tín dụng chính sách, người dân đã có điều kiện thực hiện nhiều mô hình như trồng rau sạch, trồng cây ăn quả như chuối ngự, sầu riêng, bưởi da xanh... Từ đó, các hộ gia đình có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Làm ăn có hiệu quả nên nhiều hộ dân có điều kiện xây nhà mới kiên cố. Nhiều gia đình được hỗ trợ vay vốn học sinh, sinh viên nên con em có điều kiện để học đại học, cao đẳng, học nghề và tìm được việc làm sau khi ra trường. Đặc biệt, nhờ nguồn vốn chính sách, hơn 100 hộ nghèo có kinh phí xây nhà phòng tránh bão, lũ.

Nguồn vốn ưu đãi mang lại hiệu quả

Theo Ngân hàng CSXH tỉnh, trong 10 năm qua, nhờ thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW hiệu quả, vốn ưu đãi đã đến với tất cả các địa phương trong tỉnh, với gần 307 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay tổng số tiền hơn 10,9 nghìn tỷ đồng. Nguồn vốn này đã tạo điều kiện cho gần 61,5 nghìn lượt hộ vượt qua ngưỡng nghèo; 7.073 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học; hơn 46,3 nghìn lao động được tạo việc làm từ Quỹ Quốc gia về việc làm; đầu tư xây dựng hơn 162,6 nghìn công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, 4.528 ngôi nhà kiên cố cho hộ nghèo và đối tượng chính sách. Nguồn vốn chính sách đã góp phần quan trọng giúp giảm tỷ lệ hộ nghèo ở Quảng Ngãi. Đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm xuống còn 6,13%. Đến nay, các huyện Ba Tơ, Sơn Hà, Minh Long đã thoát ra khỏi danh sách huyện nghèo của cả nước.

Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh Trần Duy Cường cho biết, sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW ở tỉnh đã tạo được sự đồng thuận và hưởng ứng tích cực của cả hệ thống chính trị; các ban, ngành, hội, đoàn thể tích cực vào cuộc, huy động mọi nguồn lực tài chính, tập trung huy động các nguồn vốn chính sách để giúp người dân giảm nghèo, cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập.

Ngành tài chính đã tham mưu đúng và kịp thời, giúp chính quyền từ tỉnh đến huyện ưu tiên bổ sung nguồn vốn để Ngân hàng CSXH tỉnh triển khai các chương trình cho vay. Đến ngày 30/6/2024, nguồn vốn Ngân hàng CSXH tỉnh đạt 5.579 tỷ đồng, tăng 3.267 tỷ đồng so với 10 năm trước. Cùng với đó, tổng dư nợ tín dụng chính sách toàn địa bàn đạt 5.570 tỷ đồng, tăng 3.264 tỷ đồng so với thời điểm trước khi thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW.

Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh kiểm tra việc sử dụng nguồn vốn vay thực hiện mô hình nuôi cá nước ngọt của người dân. Ảnh: PV

Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh kiểm tra việc sử dụng nguồn vốn vay thực hiện mô hình nuôi cá nước ngọt của người dân. Ảnh: PV

Phát huy thành tích đạt được, Ngân hàng CSXH tỉnh tiếp tục thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW ngày 10/6/2021 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Đồng thời, tập trung huy động nguồn lực, chuyển tải kịp thời nguồn vốn đến đúng các địa chỉ, đối tượng thụ hưởng, góp phần cải thiện cuộc sống của hộ nghèo, gia đình chính sách ở Quảng Ngãi.

TRƯỜNG AN

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/kinh-te/202407/don-baygiup-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-d480ed5/