Đồn Biên phòng Cà Xèng giúp dân thoát nghèo

Nhiều năm qua, Đồn Biên phòng Cà Xèng (Quảng Bình) triển khai nhiều mô hình, việc làm cụ thể, thiết giúp đỡ người dân 2 xã Thượng Hóa và Hóa Sơn (huyện Minh Hóa), góp phần xóa đói, giảm nghèo, xây dựng 'thế trận biên phòng toàn dân', 'thế trận lòng dân' ngày càng vững chắc.

Chỉ huy Đồn Biên phòng Cà Xèng trao đổi với Bí thư Chi bộ bản Mò O Ồ Ồ về mô hình sinh kế giúp bà con.

Chỉ huy Đồn Biên phòng Cà Xèng trao đổi với Bí thư Chi bộ bản Mò O Ồ Ồ về mô hình sinh kế giúp bà con.

Nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con bản Mò O Ồ Ồ, xã Thượng Hóa, mong muốn có được đường điện chiếu sáng tại các trục đường thôn bản, nhất là khu vực có địa hình hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn để đi lại, sinh hoạt và bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn, Đảng ủy, Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng Cà Xèng đã họp bàn, tìm giải pháp hỗ trợ xây dựng công trình điện chiếu sáng phục vụ đời sống, sinh hoạt của người dân. Sau khi nghiên cứu cụ thể tình hình địa bàn, từ địa hình, giao thông đến khí hậu, thời tiết, nghiên cứu kỹ thuật, phương pháp kéo dây cáp điện, cách đào hố móng lắp dựng cột đèn điện, lắp ráp các vật tư đường điện, trực tiếp đến các công trình đường điện đã được xây dựng, sử dụng để tham quan, học hỏi kinh nghiệm, Đồn nhận thấy việc triển khai khả thi, nếu có đủ nguồn lực tài chính.

Khánh thành công trình Ánh sáng vùng biên.

Khánh thành công trình Ánh sáng vùng biên.

Công trình đường điện dọc trục đường chính của bản Mò O Ồ Ồ được chọn làm điểm. Đồn đã phối hợp với địa phương tiến hành khảo sát, đồng thời kêu gọi, huy động nguồn lực kinh phí từ các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm. Công trình được triển khai xây dựng với tổng chiều dài 2,5km, sử dụng 40 cột bóng đèn điện lưới, với kinh phí đầu tư gần 50 triệu đồng và hơn 60 ngày công của cán bộ chiến sĩ. Đến cuối tháng 12 năm 2019, công trình được khánh thành lấy tên là “Ánh sáng vùng biên”.

Hằng ngày lúc đêm tối, trục đường sáng trưng, bà con đi lại thuận tiện, vui mừng phấn khởi; cấp ủy, chính quyền địa phương ghi nhận, đánh giá cao, bày tỏ mong muốn được nhân rộng thêm mô hình. Đảng ủy, Ban Chỉ huy Đồn ban hành Kế hoạch triển khai xây dựng mô hình “Ánh sáng vùng biên” trên địa bàn các thôn, bản thuộc các xã Thượng Hóa và Hóa Sơn.

Để tổ chức thực hiện hiệu quả, Đồn thành lập 1 tổ kỹ thuật, lấy lực lượng đoàn viên thanh niên có kinh nghiệm, tay nghề về gò, hàn, kỹ thuật điện làm nòng cốt để gia công, sản xuất hệ thống cột điện, mua sắm, lắp ráp các vật tư, bảo đảm cho đơn vị tổ chức xây dựng các công trình theo đúng kế hoạch. Lãnh đạo Đồn trực tiếp kiểm tra, đôn đốc, nắm bắt kịp thời vướng mắc, bất cập nảy sinh để điều chỉnh, bổ sung phù hợp, bảo đảm các công trình thi công đúng tiến độ, kỹ thuật, chất lượng.

Qua hơn 5 năm triển khai, được sự quan tâm, ủng hộ, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp; sự quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Chỉ huy Đồn, vai trò tham mưu của các tổ chuyên môn; bằng tình cảm, tinh thần trách nhiệm đối với nhân dân, đồng bào các dân tộc ở khu vực biên giới, mô hình đã tạo được sức lan tỏa về ý nghĩa nhân văn, minh chứng hiệu quả trong thực tiễn.

Cùng với nguồn kinh phí hơn 500 triệu đồng hỗ trợ từ các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, cán bộ, chiến sĩ trích từ nguồn quỹ vốn, đóng góp hơn 50 triệu đồng và rất nhiều ngày công lao động để gia công, đào hố, đúc đổ bê-tông, kéo dây điện, vận chuyển cột điện, vật tư phục vụ triển khai mô hình, đến nay đã có 14 công trình trên địa bàn 14 thôn, bản đưa vào sử dụng, với tổng chiều dài hơn 22km. Mô hình “Ánh sáng vùng biên” do Đồn Biên phòng Cà Xèng khởi xướng, thực hiện đã được nhân rộng ra 28 xã, phường biên giới trong toàn tỉnh.

Cán bộ chiến sĩ giúp dân gặt lúa.

Cán bộ chiến sĩ giúp dân gặt lúa.

Trung tá Hoàng Công Hùng, Đồn trưởng Biên phòng Cà Xèng, cho biết, mặc dù giá trị đầu tư mô hình “Ánh sáng vùng biên” chưa nhiều so với các chương trình, dự án khác đã được đầu tư ở khu vực biên giới nhưng đã mang lại hiệu quả thiết thực, có ý nghĩa sâu sắc đối với đời sống, sinh hoạt thường ngày của nhân dân nơi biên giới, nhất là trong điều kiện cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ, còn gặp nhiều khó khăn.

Vựa lúa Rục Làn được Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình hỗ trợ, triển khai xây dựng từ năm 2010 tại 3 bản Ón, Yên Hợp, Mò O Ồ Ồ, xã Thượng Hóa với tổng diện tích 9,7ha. Bước qua mùa vụ thứ 2 thì gần ½ diện tích ruộng lúa buộc phải chuyển qua trồng ngô vì không thể bảo đảm đủ nguồn nước tưới tiêu. Những năm qua với sự quan tâm đồng hành, hỗ trợ của cán bộ, chiến sĩ Đồn Cà Xèng, các hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở bản Mò O Ồ Ồ đã duy trì hiệu quả mô hình trồng lúa nước Rục Làn với diện tích 5,3ha.

Cán bộ chiến sĩ “cầm tay chỉ việc” hỗ trợ, hướng dẫn, bà con dân bản đã từng bước nắm bắt được kỹ thuật trồng trọt, chăm sóc, thu hoạch và có nguồn lương thực ổn định để nâng cao đời sống. Năng suất lúa hàng năm đạt khoảng 45 đến 50 tạ/ha.

Vụ Đông-Xuân năm nay, thời tiết nắng nóng gay gắt, hạn hạn kéo dài, tuy nhiên với nỗ lực, quyết tâm cao, Đồn đã hỗ trợ áp dụng kỹ thuật trồng trọt và các loại phân bón phù hợp, tưới tiêu đầy đủ, bà con cũng chủ động chăm sóc nên năng suất lúa đạt 51 tạ/ha, sản lượng đạt 27 tấn, là vụ lúa có năng suất cao nhất từ trước đến nay. Tranh thủ thời tiết thuận lợi, cán bộ chiến sĩ xuống đồng, chung tay hỗ trợ bà con thu hoạch, bảo quản lúa, mô hình trồng lúa nước ở Rục Làn tiếp tục được duy trì, nhân rộng.

Anh Cao Xuân Long, Bí thư Chi bộ kiêm trưởng bản Mò O Ồ Ồ bộc bạch, Đồn giúp đỡ bà con bằng nhiều mô hình, việc làm thiết thực, bà con biết cách canh tác, nuôi trồng hiệu quả, đời sống ngày một khấm khá.

Mô hình Truyền thanh bản xa mang lại hiệu quả thiết thực.

Mô hình Truyền thanh bản xa mang lại hiệu quả thiết thực.

Mô hình “Truyền thanh bản xa" được triển khai tại 7 thôn, bản thuộc hai xã với đầy đủ các loại trang thiết bị và hệ thống đường dây truyền thanh dài 5km, tổng kinh phí trên 150 triệu đồng được kêu gọi, huy động từ Hội con em Quảng Bình công tác tại Bộ đội Biên phòng Thành phố Hồ Chí Minh và các nhà hảo tâm. Để hoàn thành công trình, cán bộ, chiến sĩ Đồn và nhân dân đóng góp 80 ngày công.

Để triển khai vận hành mô hình hiệu quả, hai xã Thượng Hóa và Hóa Sơn đã thành lập tổ truyền thanh bản xa. Qua thực tiễn hoạt động cho thấy, mô hình phát huy tác dụng, mang lại hiệu quả thiết thực nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân, giúp bà con thuận lợi hơn trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng, tiếp cận với môi trường văn hóa lành mạnh. Mô hình cũng tạo được điểm nhấn quan trọng trong xây dựng bản làng, góp phần giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xây dựng thế trận biên phòng toàn dân ngày càng vững chắc.

Thượng Hóa là một trong những xã biên giới còn nhiều khó khăn của huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình. Với địa hình đặc thù vùng núi, vào mùa mưa lũ đời sống đồng bào càng khó khăn vì địa bàn thường bị chia cắt khi nước lũ dâng cao. Việc có được một cây cầu vượt lũ là niềm mong mỏi từ lâu của chính quyền và bà con nơi đây.

Đồn Biên phòng Cà Xèng dựng nhà giúp dân.

Đồn Biên phòng Cà Xèng dựng nhà giúp dân.

Sau hơn 1 tháng thi công, công trình cầu vượt lũ đã hoàn thành trong niềm vui của chính quyền địa phương, cán bộ giáo viên, lâm trường cũng như Đồn Biên phòng Cà Xèng và đồng bào thiểu số người Rục 3 bản Ón, Yên Hợp, Mò O Ồ Ồ. Cầu vượt lũ có chiều dài 47m, rộng 1,6m, gồm 6 trụ và 5 nhịp, đường dẫn có chiều dài 120m mỗi bên; tổng kinh phí đầu tư là 1 tỷ đồng. Các cán bộ, chiến sĩ tham gia hơn 100 ngày công. Trong quá trình thi công, Đồn và đơn vị thi công đã đề xuất các đơn vị liên quan điều chỉnh lại một số hạng mục, như chiều dài và chiều rộng, các trụ, nhịp để bảo đảm an toàn, chắc chắn, phù hợp với thực tế sử dụng.

Ngoài ra, Đồn Cà Xèng cũng tích cực triển khai Chương trình “Nâng bước em tới trường - Con nuôi Đồn Biên phòng”, Dự án “Cán bộ, chiến sĩ Quân đội nâng bước em tới trường”, Chương trình “Thứ bảy về bản”. Trong số học sinh được Đồn đỡ đầu, chăm sóc trong Chương trình “Nâng bước em tới trường - Con nuôi Đồn Biên phòng”, đã có em học sinh người Rục đầu tiên đỗ đại học. Những việc làm thiết thực giúp đỡ bà con như: kêu gọi vận động, hỗ trợ, hướng dẫn đồng bào Rục trồng hằng trăm ha keo, chăn nuôi trâu, bò, lợn, tặng quà, làm nhà, cắt tóc cho các cháu học sinh, làm vệ sinh các trục đường, ngõ bản; tổ chức khám, phát thuốc miễn phí… đã góp phần gắn kết tình quân dân càng bền chặt.

Trung tá Hoàng Công Hùng, Đồn trưởng Biên phòng Cà Xèng, thăm hỏi, tặng quà hộ dân.

Trung tá Hoàng Công Hùng, Đồn trưởng Biên phòng Cà Xèng, thăm hỏi, tặng quà hộ dân.

Đại úy Nguyễn Tiến Dũng chia sẻ công tác vận động quần chúng đòi hỏi nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, sâu sát nhân dân, tích cực tuyên truyền, vận động, hỗ trợ bà con sinh kế, thoát nghèo. Bộ đội Biên phòng hỗ trợ giống, phân bón, phương tiện thu hoạch, liên hệ đầu ra bao tiêu sản phẩm, bà con đã biết chủ động chăm sóc, cuốc đất, gieo trồng, bón phân, cách thức canh tác lạc hậu dần lùi xa, cuộc sống thêm no ấm.

MINH TÂM

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/don-bien-phong-ca-xeng-giup-dan-thoat-ngheo-post853155.html