Đón công dân về tránh dịch: Một chủ trương đậm tính nhân văn
Nhằm chia sẻ khó khăn với các tỉnh, thành phố phía Nam, đồng thời hỗ trợ người dân Ninh Bình trở về quê, ngày 21/9/2021, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 146 về việc đón người dân Ninh Bình bị ảnh hưởng do dịch COVID-19 trở về từ thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương và tỉnh Đồng Nai. Rất nhiều người dân trong tỉnh đã không giấu được niềm vui, sự xúc động ngay khi được tiếp nhận thông tin ý nghĩa này.
Nhiều năm trước, để cải thiện kinh tế gia đình, nhiều lao động ở xã Phú Long (huyện Nho Quan phải chọn cách ly hương để tìm việc làm. Vợ chồng con trai bà Bùi Thị Thú là một trong những đối tượng lao động như thế.
Theo lời kể của bà Thú, khi chưa xuất hiện dịch COVID-19, cuộc sống của các con bà cũng tạm ổn định. Tuy nhiên, do phải chi phí khá nhiều cho các dịch vụ như thuê nhà, thuê người trông con nhỏ, rồi các khoản chi tiêu… nên số tiền mà đôi vợ chồng trẻ tích cóp được cũng không đáng là bao nhiêu.
Bởi vậy, khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp ở Thành phố Hồ Chí Minh thì vợ chồng con trai bà Thú phải nghỉ việc. Không còn nguồn thu nào, trong khi số tiền tích lũy ít ỏi cũng dần cạn kiệt, cuộc sống của gia đình nhỏ thực sự khó khăn.
Bà Thú cho biết: Qua các cuộc điện thoại về nhà, con tôi nói rằng ở trong đó, các con cũng nhận được nhiều sự giúp đỡ. Chủ nhà giảm tiền thuê nhà trọ, nhiều tổ chức thiện nguyện hỗ trợ thực phẩm… Tuy nhiên, những sự giúp đỡ đó cũng có mức độ, trong khi những khó khăn hiện hữu thì còn lâu dài. Nguyện vọng lớn nhất của các con tôi là được trở về quê hương.
Khi được trưởng thôn thông báo, tuyên truyền các nội dung chính trong Kế hoạch số 146 của UBND tỉnh về việc đón người lao động của tỉnh Ninh Bình bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 đang làm việc và sinh sống ở một số tỉnh phía Nam trở về, gia đình bà Thú cũng như rất nhiều hộ dân khác có người thân đi làm xa rất phấn khởi.
"Trước mắt, tôi sẽ ra UBND xã và làm theo các bước hướng dẫn cụ thể để hoàn thiện các thủ tục cần thiết. Tuy vậy, việc các con có đủ điều kiện để được đón trở về trong kế hoạch đón công dân của tỉnh lần này hay không thì phải chờ đợi kết quả khảo sát, thẩm định theo quy định. Tôi biết, còn rất nhiều công dân khác của tỉnh ta cũng đang gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nhất là những đối tượng là người mắc bệnh hiểm nghèo, người khuyết tật, phụ nữ mang thai, trẻ em…Bởi vậy, việc các ngành chức năng và địa phương phải khảo sát và lựa chọn các đối tượng có nguyện vọng hồi hương theo thứ tự ưu tiên là phù hợp với thực tiễn. Dẫu rất mong mỏi, song chúng tôi cũng rất chia sẻ và sẵn sàng chờ đợi thêm"- bà Thú nói.
Ông Nguyễn Đình Độ, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Long cho biết: Theo số liệu khảo sát, toàn xã Phú Long có trên 400 lao động đang làm việc ở ngoại tỉnh, trong đó, có nhiều lao động làm việc ở các tỉnh phía Nam. Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, các gia đình có thân nhân đi làm việc xa nhà rất lo lắng.
Để đảm bảo các điều kiện an toàn trong phòng dịch, thời gian qua, địa phương đã tích cực tuyên truyền, vận động để bà con an tâm, động viên người thân bình tĩnh, không được di chuyển về quê một cách tự phát. Qua nắm bắt tình hình tư tưởng, nhiều bà con bày tỏ nguyện vọng được đón người thân trở về, vì người thân không có việc làm và thu nhập từ nhiều tháng nay.
Từ khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp ở một số tỉnh phía Nam, trong đó có tỉnh Bình Dương- nơi cậu con trai mới tròn 19 tuổi đang học nghề cắt tóc, vợ chồng chị Đinh Thị Bích (xã Gia Vượng, huyện Gia Viễn) như ngồi trên đống lửa. Chị Bích cho biết, cháu vừa học nghề vừa đi làm để có thêm kinh phí trang trải cho cuộc sống xa nhà. Nhưng khi dịch diễn biến phức tạp, cháu không đi làm được nữa nên không có nguồn thu nhập nào. Cháu phải sống nhờ sự cưu mang của người quen trong suốt vài tháng qua, nhưng lại không thể trở về quê vì phải đảm bảo các quy định trong phòng dịch.
Qua theo dõi các phương tiện thông tin đại chúng và kênh tuyên truyền từ trưởng thôn, chị Bích được biết tỉnh Ninh Bình đã có kế hoạch đón người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 từ một số tỉnh phía Nam trở về, trong đó có tỉnh Bình Dương- nơi con trai chị đang "mắc kẹt", chị Bích rất phấn khởi.
Việc đầu tiên chị Bích làm, đó là ra UBND xã để nhờ hướng dẫn các thủ tục cần thiết để sớm đón được con trai trở về.
"Trước thông tin UBND tỉnh có kế hoạch đón công dân tỉnh nhà trở về, chúng tôi rất phấn khởi và xúc động. Đây là một chủ trương rất kịp thời, rất nhân văn của tỉnh dành cho những người dân xa quê, gặp khó khăn vì dịch bệnh. Tôi đã điện thoại và dặn con trai, nếu đủ các điều kiện để trở về theo chương trình đón công dân của tỉnh thì con phải tuân thủ thật nghiêm mọi quy định trong hành trình về quê nhằm đảm bảo an toàn cho bản thân và cộng đồng "- chị Bích xúc động nói.
Ông Hà Ngọc Thúy, Chủ tịch UBND xã Gia Vượng (huyện Gia Viễn) cho biết, những năm gần đây, nhờ làm tốt công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động, nhất là lao động nông thôn của UBND huyện Gia Viễn nên lượng lao động phải ly hương vì việc làm trên địa bàn xã là không nhiều.
Qua khảo sát, toàn xã có khoảng 200 lao động đi làm ăn xa, trong đó có 56 người đang làm việc ở Bình Dương, Đồng Nai và thành phố Hồ Chí Minh. Ngay khi UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 146/KH-UBND về việc đón người dân Ninh Bình bị ảnh hưởng do dịch COVID-19 trở về từ thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương và Đồng Nai, chúng tôi đã chủ động thực hiện tuyên truyền qua hệ thống đài truyền thanh để nhân dân nắm được chủ trương.
Ngoài ra, các trưởng thôn, xóm cũng đến tận những hộ gia đình có người thân đang làm việc ở một số tỉnh phía Nam để tuyên truyền, phổ biến các thông tin về kế hoạch của tỉnh trong việc đón lao động trở về quê. Nhờ đó, đa số bà con đã nắm được thông tin. Những gia đình có thân nhân gặp khó khăn vì dịch bệnh đã chủ động ra UBND xã để đăng ký.
Chỉ mới trong sáng nay (ngày 23/9), UBND xã Gia Vượng đã tiếp nhận đơn từ thân nhân của 10 lao động. Trước mắt, chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền để mọi người dân nắm được thông tin, đồng thời thống kê số công dân có nhu cầu trở về. Các bước tiếp theo, xã sẽ chờ đợi hướng dẫn cụ thể từ UBND huyện, sau đó sẽ khẩn trương triển khai thực hiện.
Mặc dù chưa có số liệu cụ thể, nhưng thực tế, số công dân của tỉnh ta đi làm việc, sinh sống ở ngoại tỉnh cũng không phải ít. Trong đó, huyện Kim Sơn là địa phương có nhiều lao động ly hương nhất trên địa bàn tỉnh. Theo kết quả khảo sát của phòng chuyên môn, toàn huyện Kim Sơn có khoảng 19 nghìn lao động đang làm việc ngoại tỉnh, trong đó chủ yếu là ở phía Nam. Thời gian vừa qua, cũng đã có hàng nghìn công dân trở về và thực hiện cách ly theo quy định.
Việc đón đồng bào xa xứ trở về quê nhà là hành động kịp thời, thiết thực, thể hiện tinh thần "nhân văn, nhân ái" của dân tộc Việt Nam. Được trở về quê hương, nhất là trong giai đoạn khó khăn đang hiện hữu đó là nguyện vọng chính đáng và thực sự cần thiết đối với nhiều công dân xa quê.
Tuy nhiên, trước tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, để đưa công dân trở về đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch, đòi hỏi mỗi địa phương, đơn vị được giao nhiệm vụ phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.
Các huyện, thành phố cần chủ động, tích cực chuẩn bị mọi mặt để làm tốt nhất các nhiệm vụ như tiếp nhận đăng ký, chuẩn bị khu cách ly, xét nghiệm, điều hành kịp thời, thống nhất để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19 cho công tác đón người dân trở về quê; Chuẩn bị tốt các phương án đảm bảo an ninh, an toàn và các điều kiện hậu cần phục vụ tại khu cách ly tập trung; tạo mọi điều kiện thuận lợi để những lao động trở về từ tỉnh ngoài sớm ổn định cuộc sống, sau khi họ thực hiện xong thời gian cách ly theo đúng quy định.