Đón 'đại bàng' Mỹ vào Việt Nam 'làm tổ': Cần có thêm chính sách hấp dẫn
Các 'đại bàng' Mỹ như Boeing, Coca-Cola, CitiBank, Meta, SpaceX, Netflix,... đang tỏ ý muốn đầu tư tại Việt Nam. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, Việt Nam cần phải có chiến lược cụ thể để thu hút dòng vốn của các doanh nghiệp này.
Cần có những chính sách đột phá để đón "đại bàng" Mỹ
Mới đây, hàng loạt “đại bàng” của Mỹ đã tới Việt Nam để tìm kiếm cơ hội đầu tư. Trong đó, 50 tên tuổi lớn hàng đầu nước Mỹ, như Boeing, Coca-Cola, CitiBank, Meta, SpaceX, Netflix, Abbott, AES…, hoạt động trong nhiều lĩnh vực như công nghệ, bán dẫn, tài chính, y tế, dược phẩm, năng lượng đều tỏ ý muốn đầu tư tại Việt Nam.
Đơn cử, SpaceX, công ty của tỷ phú Elon Musk mong muốn phát triển thị trường dịch vụ Internet vệ tinh tại Việt Nam và các nước trong khu vực. Tương tự, Boeing cũng đang muốn tăng cường hoạt động tại Việt Nam, khi đã mở văn phòng đại diện tại Hà Nội.
Trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo và Công luận, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho rằng, so với các nhà đầu tư đến từ các quốc gia khác thì điều đáng mừng là tỉ lệ các doanh nghiệp Mỹ gia tăng đầu tư và có cái nhìn tích cực về môi trường đầu tư tại Việt Nam ngày càng tăng.
Những dự án của họ cũng tập trung vào những lĩnh vực mà Việt Nam đang rất cần, thậm chí có ý nghĩa ở tầm trung hạn chứ không phải là ngắn hạn như các dự án khác.
Theo số liệu khảo sát của Hiệp hội doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam (Amcham), gần 80% hội viên được khảo sát đã đánh giá là rất tích cực hoặc tích cực về triển vọng trung và dài hạn của họ về Việt Nam và đã lên kế hoạch hoặc đang cân nhắc đầu tư thêm.
Đặc biệt, sự hiện diện của những cái tên hàng đầu như P&G, Coca Cola, Apple, Google, Intel đã cho thấy mức độ ưu tiên của giới đầu tư Hoa Kỳ vào Việt Nam.
Ông Toàn cho rằng, phải khẳng định rằng, Việt Nam rất cần dòng vốn đầu tư từ Mỹ, đặc biệt là những tập đoàn đa quốc gia, những tập đoàn lớn về công nghệ cao.
“Trước kia Chính phủ cũng đã từng lập tổ công tác để 'đón đại bàng', tức là các doanh nghiệp lớn đến từ Mỹ và EU, đây là nguyện vọng của Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam cần phải có chiến lược cụ thể để thu hút dòng vốn của các 'đại bàng' này”, ông Toàn nói.
Đơn cử như vấn đề về nguồn nhân lực. Nhân lực ở đây phải là nguồn nhân lực có trình độ, có chất lượng cao thì mới tiếp thu được các dự án có chất lượng cao.
“Điều này là rất quan trọng. Trước đây, từng có thời gian Intel mới vào Việt Nam cũng từng gặp vướng về nguồn nhân lực. Nên lần này các doanh nghiệp lớn của Mỹ đến Việt Nam, họ muốn khảo sát, muốn triển khai hợp tác đầu tư trong đổi mới sáng tạo, tạo lập các cứ điểm về công nghệ thì đòi hỏi Việt Nam phải có nguồn nhân lực tốt”, ông Toàn nhấn mạnh.
Ngoài ra, Việt Nam cần phải tính đến cơ chế ưu đãi khác đối với các doanh nghiệp FDI nói chung và doanh nghiệp Mỹ nói riêng, ưu đãi đó không phải là về thuế, mà về những ưu đãi như phối hợp với họ để cùng đào tạo nguồn nhân lực chẳng hạn, tạo điều kiện khung khổ pháp lý để xây dựng các trung tâm về đổi mới, về công nghệ chẳng hạn, như của Samsung chẳng hạn.
“Xét theo mặt bằng chung, dù mức lương tối thiểu của Việt Nam đã được điều chỉnh tăng lên thì hiện nay lương nhân công ở Việt Nam vẫn được đánh giá là rẻ hơn nhiều nước khác, quy mô dân số đông đảo đã tạo ra cả nguồn cung cấp nhân lực dồi dào cũng như thị trường tiêu thụ rộng lớn, đặc biệt là sự xuất hiện ngày càng nhiều tầng lớp trung lưu”, ông Toàn nói thêm.
Những lĩnh vực Việt Nam cần hợp tác với Mỹ
Phó Chủ tịch VAFIE phân tích: Hiện nay, lĩnh vực Việt Nam đang quan tâm nhất là ngành công nghiệp chất lượng cao, trong đó có công nghệ sản xuất linh kiện, chất bán dẫn, chip…
Đây cũng là những thứ mà thị trường thế giới đang rất cần và chúng ta có đủ tiềm năng lẫn khả năng để hợp tác với các doanh nghiệp Mỹ về lĩnh vực này. Nên, đây là lĩnh vực mà Việt Nam nên xúc tiến hợp tác sâu hơn.
Tiếp đến đó là về lĩnh vực logistics. Đây cũng là lĩnh vực Việt Nam rất nhiều tiềm năng và hoàn toàn có thể hợp tác với các doanh nghiệp Mỹ hoặc kêu gọi họ hợp tác về lĩnh vực này. Đây là yếu tố mà Việt Nam chưa mở cửa hoàn toàn, vì nhiều lý do.
“Công bằng mà nói, logistics cũng không phải là lĩnh vực có tính “đe dọa” đến chủ quyền quốc gia hay an ninh, nhưng chúng ta vẫn dè dặt, do đó hệ thống logistics của Việt Nam phát triển chưa đồng bộ”, ông Toàn bày tỏ quan điểm.
Ngoài ra, Việt Nam rất cần hợp tác với Mỹ trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng. Đây là lĩnh vực có thế mạnh đặc biệt của Mỹ.
Chỉ trong một thời gian ngắn vừa qua, Mỹ sụp đổ hàng loạt ngân hàng, thậm chí có những ngân hàng với tên tuổi lừng lẫy hàng chục năm, song không vì thế mà cả hệ thống ngân hàng Mỹ bị chao đảo, thực tế thì họ vẫn bảo lãnh, mua bán, và có những công cụ hiệu quả để điều tiết, ngăn chặn khủng hoảng dây chuyền.
“Điều này chỉ làm được ở một thị trường tài chính - ngân hàng đã có tuổi đời hàng trăm năm với bề dày kinh nghiệm cũng như tiềm lực tài chính dồi dào. Nếu chúng ta mở rộng hơn về lĩnh vực này thì tôi tin vẫn đủ sức hấp dẫn các nhà đầu tư tài chính đến từ Mỹ”, ông Toàn nói.