Đón dân về đơn vị tránh lũ
Chỉ chưa đầy 10 ngày, tỉnh Quảng Trị đã đón 3 đợt lũ lớn. BĐBP Quảng Trị đã huy động tối đa lực lượng, phương tiện ngày, đêm vượt lũ cứu dân. Trước tình thế bốn bề nước lũ mênh mông, nhiều nhà dân bị ngập sâu đối diện cảnh màn trời chiếu đất, BĐBP Quảng Trị đã quyết định đón nhân dân về đơn vị tránh trú. Những hy sinh, vất vả của những người lính Biên phòng đã tô thắm thêm hình ảnh, phẩm chất cao đẹp 'Bộ đội Cụ Hồ' trong lòng nhân dân.
Sau bữa cơm sáng tại cơ quan Bộ chỉ huy BĐBP Quảng Trị, bà Trần Thị Lúi, 67 tuổi, phường 1, thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị bịn rịn chia tay những người lính Biên phòng để cùng con, cháu trở về nhà. Nắm chặt bàn tay một chiến sĩ Biên phòng, bà nói: “Nước lũ rút rồi mệ (mẹ) về phụ chúng nó dọn nhà. Nếu nước lũ có lên lại, các con nhớ về đón mệ lên với nghe! Nhà mệ thấp quá, khổ lắm!” Bà Lúi cũng nói rằng, sống đến ngần này tuổi chưa bao giờ chứng kiến những trận lũ dồn dập như thế. Chưa đầy 10 ngày, tỉnh Quảng Trị phải gánh chịu 3 đợt lũ, đợt sau lớn hơn đợt trước, nước lũ mênh mông, nhiều nơi ngập sâu khiến cho người dân không kịp trở tay. Hàng trăm hộ gia đình bị cô lập, đe dọa đến sự an toàn về tính mạng.
Ngay từ đầu khi thời tiết có diễn biến phức tạp, Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Trị đã duy trì 100% quân số thường trực, huy động tối đa phương tiện như ca nô, xe vận tải, xe cứu thương sẵn sàng hỗ trợ nhân dân ứng phó. Phần lớn cán bộ, chiến sĩ, phương tiện đều được lệnh cơ động bám địa bàn phức tạp, trọng điểm hỗ trợ nhân dân. Không chỉ thực hiện nhiệm vụ ở địa bàn biên giới, các tổ công tác của BĐBP cũng được điều động đến các địa bàn nội địa như huyện Cam Lộ, Hải Lăng, thành phố Đông Hà… để cứu dân. Những ngày này, từ chỉ huy đơn vị đến cán bộ, chiến sĩ nhiều đêm thức trắng, ướt sũng, đối mặt với lũ dữ để cứu dân ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Sau thời gian dài ngập trong biển nước, giữa tháng 10 lũ trên địa bàn tỉnh Quảng Trị bắt đầu rút xuống, BĐBP, chính quyền địa phương cùng các lực lượng chức năng khẩn trương hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả, sớm ổn định cuộc sống. Thế nhưng, đến ngày 16-10, Quảng Trị mưa to kéo dài trở lại, khiến cho nước lũ lên nhanh, nhiều địa điểm không chịu tác động của 2 đợt lũ trước bỗng ngập sâu trong biển nước khiến người dân không kịp trở tay.
Trước tình huống cấp bách, từ sáng sớm 17-10, Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Trị đã điều động tối đa quân số, phương tiện ca nô vượt lũ cứu dân ra khỏi khu vực nguy hiểm. Những tổ ca nô của BĐBP Quảng Trị gần như không nghỉ ngơi, chạy đua với thời gian để cứu dân. Hơn 13 giờ chiều ngày hôm đó, ngồi trên mũi ca nô đang chạy giữa dòng nước xiết, vừa cắn chiếc bánh bao, uống chai nước lọc, Trung úy Lê Quang Lữ, Phó Thuyền trưởng, Hải đội 2, BĐBP Quảng Trị cho biết: “Nước lên nhanh quá, chúng tôi tập trung cứu dân từ sáng đến giờ quên hết đói nhưng cũng phải ăn tạm bánh bao để còn có sức “chiến đấu” lâu dài. Cũng đã quen rồi nhà báo ơi!”
Những chuyến ca nô cập “bến” an toàn, lại thêm rất nhiều người dân được đưa ra khỏi vùng nguy hiểm. Thế nhưng họ lại rơi vào cảnh tay trắng, không biết đi về đâu? Trước thực tế tình hình, Đại tá Lê Văn Phương, Chỉ huy trưởng BĐBP Quảng Trị đã bàn bạc, thống nhất với chỉ huy đơn vị, đưa toàn bộ dân không có nơi tránh trú về cơ quan Bộ Chỉ huy chăm sóc. Chỉ trong thời gian ngắn, hội trường cơ quan Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Trị được tổ chức, bố trí chăn màn để người dân nghỉ ngơi. Cán bộ quân y cũng thường trực, sơ cứu ban đầu cho người dân bị nạn trong lúc tránh lũ.
Trong khi đó, các tổ ca nô của BĐBP Quảng Trị vẫn tiếp tục vượt dòng nước lũ để sơ tán nhân dân. Phải mất rất nhiều thời gian, vượt qua dòng nước chảy xiết, đêm muộn ngày 17-10, cán bộ, chiến sĩ BĐBP Quảng Trị mới tiếp cận đưa được toàn bộ gia đình bà Trần Thị Mai, 67 tuổi, ở phường Đông Lương, thành phố Đông Hà để đưa ra khỏi khu vực nguy hiểm. Bà Mai có tiền sử bị gãy xương sống, nên việc lên, xuống ca nô gặp khó khăn. Để đảm bảo an toàn, BĐBP Quảng Trị đã điều động xe cứu thương ra tận điểm ca nô cập bờ để vận chuyển bà về đơn vị. Trong xúc động, bà Mai chia sẻ: “Mệ định không đi nhưng đêm đến nước lên ghê quá, rắn rít (rết) vào khắp nơi nên các con mới gọi điện thoại cầu cứu. May có các chú Biên phòng đến kịp, rồi còn bố trí cho cả nhà nghỉ ngơi, ăn uống, nói sao cho hết nghĩa tình quân dân”.
Ngày 18-10, các kíp ca nô với hàng chục cán bộ, chiến sĩ của BĐBP Quảng Trị vẫn dầm mình trong những dòng nước lũ để cứu dân. Thời điểm này, Đại tá Lê Văn Phương, Chỉ huy trưởng BĐBP Quảng Trị cùng các đồng chí lãnh đạo của đơn vị cũng đang có mặt tại hiện trường để chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn. Một tin dữ được thông báo, đã xảy ra vụ sạt lở đất tại Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337, Quân khu 4 (xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) khiến hơn 22 cán bộ, chiến sĩ bị vùi lấp. Đại tá Lê Văn Phương đã giao quyền chỉ huy cho các đồng chí khác tiếp tục chỉ đạo công tác cứu dân, còn mình điều động 120 cán bộ, chiến sĩ khẩn trương hành quân lên đường thực hiện kiếm tìm đồng đội. Trong số 120 cán bộ, chiến sĩ có người đang thực hiện nhiệm vụ tại các kíp ca nô, quần áo ướt sũng.....
Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/don-dan-ve-don-vi-tranh-lu-post434349.html