Đón đầu cơ hội, chủ động thu hút đầu tư chất lượng cao

Nhằm tạo sức hút mới về đầu tư nước ngoài (FDI) trong năm 2023, Bình Dương tiếp tục tập trung thu hút nguồn lực xây dựng, phát triển hạ tầng các khu công nghiệp (KCN) theo hướng hiện đại, đồng bộ để đón đầu cơ hội thu hút dòng vốn chất lượng, xanh và thông mình hơn.

Đoàn lãnh đạo tỉnh Yamaguchi, Nhật Bản tham quan hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Toyotsu Safety Việt Nam, KCN Mỹ Phước 3

Đoàn lãnh đạo tỉnh Yamaguchi, Nhật Bản tham quan hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Toyotsu Safety Việt Nam, KCN Mỹ Phước 3

Sẵn sàng đón nhận

Theo ông Lee Jeong Won, đại diện Tập đoàn Coex Hàn Quốc, sức hút của Bình Dương là hạ tầng giao thông thuận lợi, các KCN được đầu tư bài bản, dịch vụ đi kèm đầy đủ, doanh nghiệp (DN) FDI đầu tư vào muốn thuê đất hay nhà xưởng xây dựng sẵn đều có. Bình Dương đã trở thành điểm đến được ưu tiên lựa chọn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Các DN Hàn Quốc ủng hộ định hướng đổi mới thu hút đầu tư vào các ngành công nghệ cao của Bình Dương. Thành tựu trong thu hút đầu tư thời gian qua là cơ hội để Bình Dương tiếp tục quảng bá hình ảnh đến các tập đoàn lớn.

Năm 2022, dù bị ảnh hưởng bới những khó khăn và thách thức đa chiều, nhưng dòng vốn FDI vẫn tiếp tục chảy mạnh vào tỉnh. Bình Dương đã thu hút được thêm 3,14 tỷ đô la Mỹ (tăng 47,3% so với cùng kỳ). Lũy kế, toàn tỉnh có 4.082 dự án FDI với tổng vốn gần 40 tỷ đô la Mỹ, đứng thứ 2 cả nước. Không chỉ tăng về số lượng, năm 2022 đánh dấu sự chuyển mình của dòng vốn FDI đầu tư vào tỉnh ngày càng chất lượng hơn, xanh hơn, thông minh hơn. Nhiều dự án trong lĩnh vực công nghệ, chế biến, chế tạo, năng lượng vươn lên dẫn đầu, đang dần thay thế những dự án ít giá trị gia tăng trước kia.

Đáng chú ý, hầu hết những dự án được trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong năm 2022 đều có quy mô lớn. Điển hình như dự án sản xuất đồ chơi có vốn đầu tư 1,3 tỷ đô la Mỹ tại KCN VSIP III của Tập đoàn Lego (Đan Mạch); dự án xây dựng cơ sở chế tác trang sức của Tập đoàn Pandora (Đan Mạch) cũng tại KCN VSIP III với tổng vốn đầu tư trên 100 triệu đô la Mỹ; dự án Công ty TNHH Công nghiệp New Motion (Singapore) với mục tiêu sản xuất sản phẩm màn hình vô tuyến và màn hình hiển thị có vốn đầu tư tăng thêm 185 triệu đôla Mỹ tại KCN Phú Tân…

Ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, chia sẻ vốn FDI vào tỉnh ngày càng sôi động, nhiều tập đoàn đa quốc gia, DN lớn đã có mặt tại Bình Dương, quy mô vốn và chất lượng dự án tăng, góp phần tạo việc làm, thu nhập cho người lao động. Đồng thời, nguồn vốn FDI góp phần thúc đẩy kinh tế của tỉnh tăng trưởng cao hơn. Tỉnh liên tục cải thiện môi trường đầu tư, tạo thuận lợi cho DN, những vướng mắc của DN được kịp thời tháo gỡ.

Tăng sức hấp dẫn

Nhằm tiếp tục xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng, từng bước hình thành lớp thứ nhất trong đề án Vùng đổi mới sáng tạo, Bình Dương tiếp tục huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ và hiện đại gắn với phát triển công nghiệp - dịch vụ - đô thị. Tỉnh đã và đang tập trung phối hợp các bộ, ngành, địa phương tháo gỡ khó khăn trong thực hiện các thủ tục xây dựng KCN VSIP III, Cây Trường, Nam Tân Uyên mở rộng, chuẩn bị đầu tư một số cụm công nghiệp ở phía bắc của tỉnh và các tuyến đường giao thông trọng điểm: Vành đai 3, Vành đai 4, đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành qua địa bàn tỉnh, có thể tăng sức hút cho các dự án FDI mới. Bình Dương cũng vừa ký biên bản ghi nhớ với THACO để xây dựng KCN cơ khí hỗ trợ, dự kiến quy mô đầu tư khoảng 26.000 tỷ đồng. Đây là KCN chuyên sâu về công nghiệp hỗ trợ nhằm thu hút thêm dòng vốn FDI vào tỉnh.

Theo GS.TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, việc khởi công KCN VSIP III có diện tích 1.000 ha tiếp tục đánh dấu thêm một bước tạo lập hệ sinh thái công nghiệp mới, hệ sinh thái công nghiệp - công nghệ cao của Bình Dương, khác hẳn về chất so với “hệ sinh thái công nghiệp đời cũ” đã từng được phát triển tại Bình Dương với các thế hệ VSIP I và II. Bình Dương cũng là tỉnh tiên phong trong việc thay đổi chiến lược thu hút FDI, chuyển sang ưu tiên FDI công nghệ cao, giá trị gia tăng cao và ít gây ô nhiễm môi trường, đi kèm với chiến lược thúc đẩy cách mạng công nghiệp 4.0.

Ông Mai Hùng Dũng cho biết quỹ đất hiện tại của các KCN tại tỉnh đã đạt tỷ lệ lấp đầy khá cao. Vì vậy, giai đoạn tới, công tác thu hút đầu tư vào các KCN của tỉnh sẽ có sự chuyển biến tích cực, thực chất hơn, chọn lọc hơn theo hướng chuyên biệt, sinh thái, thông minh và sẽ tạo sức hút mới. Nhiều giải pháp thu hút dòng vốn FDI có chất lượng đang được Bình Dương đẩy mạnh thời gian tới. Trong đó, sẽ vẫn tập trung theo hướng tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, phát huy lợi thế như môi trường đầu tư ổn định, vị trí thuận lợi, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh từ cải thiện môi trường kinh doanh, nguồn lực lao động, hạ tầng cơ sở...

Ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh: “Để đón dòng vốn FDI chất lượng cao, Bình Dương tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các DN FDI hiện hữu phát triển sản xuất, kinh doanh có hiệu quả. Tỉnh kiên định hợp tác đầu tư có chọn lọc để góp phần tái cơ cấu nền kinh tế, ưu tiên thu hút các dự án công nghệ cao, công nghệ mới, sử dụng và tạo năng lượng sạch, thân thiện môi trường, kêu gọi các dự án có quy mô lớn, sản phẩm cạnh tranh cao tham gia chuỗi giá trị toàn cầu”.

NGỌC THANH

Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/don-dau-co-hoi-chu-dong-thu-hut-dau-tu-chat-luong-cao-a289758.html