Đôn đốc giải ngân đầu tư công

Đầu tư công được kỳ vọng là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế năm nay. Hội nghị toàn quốc đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công diễn ra hôm nay (21.2) có thể sẽ tìm được giải pháp khai thác động lực này một cách hiệu quả nhất.

Yếu tố “chủ công”

Với những người thận trọng, thành tích tăng trưởng tốp đầu châu Á - Thái Bình Dương trong năm 2022 của Việt Nam không thể làm lu mờ những khó khăn, thách thức từ bên ngoài lẫn bên trong, cả khách quan và chủ quan cũng như phần có thể dự báo và những điều bất định ở phía trước.

Bức tranh kinh tế trong tháng đầu tiên của năm 2023 qua số liệu của Tổng cục Thống kê dường như khắc sâu thêm lo lắng. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 1 ước giảm 14,6% so với tháng trước và giảm 8% so với cùng kỳ năm trước. Cũng trong tháng 1, có gần 44 nghìn doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, giải thể, cao hơn gấp nhiều so với con số 25,9 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Một dữ liệu khác: chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam đạt 47,4 điểm trong tháng 1.2023, tuy có tăng chút đỉnh so với tháng 12.2022 nhưng vẫn cho thấy sức khỏe ngành sản xuất suy giảm mạnh. Báo cáo của S&P Global nêu rõ, ngành sản xuất của Việt Nam tiếp tục đối mặt với các điều kiện kinh doanh khó khăn trong tháng đầu năm; sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục giảm.

Từ bên ngoài, sự giảm tốc của nền kinh tế toàn cầu, tác động của xung đột Nga và Ukraine, lạm phát dâng cao tại các nền kinh tế lớn khiến một loạt ngân hàng trung ương nâng mạnh lãi suất, Trung Quốc không còn duy trì chính sách “Zero Covid” nhưng khó phục hồi hoàn toàn ngay lập tức… sẽ tiếp tục tác động mạnh mẽ đến tăng trưởng của nước ta. “Việc các tổ chức quốc tế liên tục hạ dự báo tăng trưởng năm 2023 của Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc không phải là tin tốt với nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất nhập khẩu như Việt Nam”, TS. Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Việt Nam nhận định.

Bối cảnh như vậy càng củng cố nhận định đầu tư công sẽ là yếu tố chủ công để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm nay. “Động lực tăng trưởng được kỳ vọng nhất của năm nay là đầu tư công”, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế, nhấn mạnh. Ông cho biết, nguồn vốn đầu tư công từ ngân sách theo kế hoạch được Quốc hội giao là khoảng hơn 707 nghìn tỷ đồng, tăng 25% so với kế hoạch năm 2022. Cùng với đó là khoảng 147 nghìn tỷ đồng từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Nguồn lực đầu tư lớn như vậy là động lực rất quan trọng để hỗ trợ nền kinh tế năm nay.

Đặc biệt, theo ông Phan Đức Hiếu, đầu tư công năm nay có cơ sở để kỳ vọng hơn bởi nhiều dự án trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã cơ bản hoàn thành thủ tục, giờ chỉ tập trung triển khai. Nhiều dự án khác trong kế hoạch đầu tư công trung hạn cũng đã xong vấn đề về thủ tục, quy trình. Vì vậy có thể hy vọng tốc độ giải ngân năm nay sẽ tích cực hơn các năm trước.

Nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng đầu tư công là động lực quan trọng cho tăng trưởng năm nay. “Giải ngân tốt nguồn vốn đầu tư công sẽ tăng sức cầu, tăng thêm nguồn lực từ vốn của ngân sách vào nền kinh tế. Tác động của đầu tư công sẽ giúp kinh tế Việt Nam phục hồi và lan tỏa tới các khu vực khác”, PGS.TS. Vũ Sỹ Cường, Học viện Tài chính nói.

Đầu tư công được kỳ vọng là động lực tăng trưởng quan trọng của năm nay. Nguồn: VGP

Đầu tư công được kỳ vọng là động lực tăng trưởng quan trọng của năm nay. Nguồn: VGP

Áp lực vô cùng lớn

Tuy nhiên, yếu tố chủ công này luôn gặp thách thức lớn về giải ngân - vừa chậm, vừa không đồng đều (thường dồn vào cuối năm). Dù có những yếu tố thuận lợi - như phân tích của Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phan Đức Hiếu, song áp lực giải ngân khoảng 850 nghìn tỷ đồng - tổng chi tiêu của Chính phủ dưới hình thức đầu tư công năm 2023 - là áp lực vô cùng lớn. Điều này cũng có nghĩa, tác động của động lực này đến đâu còn phụ thuộc vào việc khắc phục, giải quyết được những vướng mắc về giải ngân.

Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, để khai thác hiệu quả động lực đầu tư công cho tăng trưởng, chỉ cần thực hiện đúng, đủ, kịp thời các nhóm nhiệm vụ, giải pháp nêu trong Nghị quyết số 68/2022/QH15 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và Nghị quyết số 69/2022/QH15 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023. Trong đó, Quốc hội yêu cầu phải nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư, khắc phục hạn chế trong chậm triển khai thực hiện dự án đầu tư công, chậm giải ngân vốn đầu tư công. Kiên quyết điều chuyển vốn của các dự án chậm tiến độ sang các dự án có khả năng giải ngân nhưng thiếu vốn, hạn chế tối đa việc chuyển nguồn. Xem xét trách nhiệm trong xây dựng dự toán không sát thực tế, tổ chức thực hiện thiếu hiệu quả dẫn đến giải ngân vốn đầu tư công thấp.

Không chỉ giải ngân, yêu cầu của Quốc hội còn là phải sớm phân bổ số vốn còn lại của Kế hoạch đầu tư công trung hạn, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội để bố trí cho các dự án thuộc Chương trình khi đủ điều kiện theo quy định, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến trước ngày 31.3.2023.

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, các giải pháp cả trong ngắn hạn và dài hạn đã được xác định và khá đầy đủ! “Vấn đề bây giờ là Chính phủ và các cơ quan cần hành động cụ thể, thực chất, quyết liệt và đầy đủ triển khai các giải pháp đã đề ra. Như vậy mới tạo được nền tảng cho tăng trưởng”.

“Hy vọng quyết tâm mạnh mẽ của Quốc hội, Chính phủ trong việc giải ngân vốn đầu tư trong năm nay sẽ tạo đà cho việc nhanh chóng sửa đổi các quy định, xử lý các điểm nghẽn liên quan tới vốn đầu tư công, tạo tiền đề cho việc giải ngân tốt hơn nguồn vốn này trong tương lai”, TS. Lê Duy Bình chia sẻ.

Hà Lan

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/don-doc-giai-ngan-dau-tu-cong-i316702/