Đơn Dương: Kiểm soát tác động nhà lưới, nhà kính

Trước sự phát triển của sản xuất và gia tăng diện tích nhà lưới, nhà kính, huyện Đơn Dương đang có những tính toán để đảm bảo về mặt lợi ích, vừa hướng tới sản xuất bền vững, hạn chế thấp nhất những tác động đến sinh thái, môi trường do nhà lưới, nhà kính gây ra.

Sản xuất rau, hoa trong nhà kính, nhà lưới đem lại giá trị cao cho nông dân

Sản xuất rau, hoa trong nhà kính, nhà lưới đem lại giá trị cao cho nông dân

Số liệu thống kê cho thấy, tổng diện tích nhà lưới, nhà kính trên địa bàn Đơn Dương là 2.340 ha, chiếm 11,52% tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp và chiếm 19,89% diện tích canh tác rau, hoa của huyện (tăng hơn 2.000 ha so với năm 2010 và tăng hơn 1.870 ha so với năm 2015).

Bà Tou Prong Nai Khoan - Phó phòng Nông nghiệp huyện cho biết, không thể phủ nhận giá trị của việc sản xuất trong nhà lưới, nhà kính đối với nền nông nghiệp hiện đại, nhất là với địa bàn phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng thông minh như Đơn Dương. Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong nhà kính, nhà lưới góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp trên một đơn vị diện tích, nâng cao thu nhập bình quân đầu người hàng năm, phù hợp với định hướng thực hiện Đề án xây dựng huyện Đơn Dương đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng thông minh. Với đặc thù về thời tiết, khí hậu và chi phí đầu tư thấp nên người dân chủ yếu canh tác rau ăn lá và rau họ cà trong nhà lưới. Trong những năm qua, diện tích nhà lưới phát triển nhiều hơn diện tích nhà kính.

Tuy nhiên, có một thực tế là trong lĩnh vực trồng trọt, việc xây dựng nhà kính, nhà lưới chủ yếu theo khuyến cáo của nhà sản xuất và các công ty cung cấp vật liệu xây dựng chứ chưa có quy định, hướng dẫn để người dân, doanh nghiệp xây dựng nhà kính, nhà lưới với mật độ phù hợp. Việc phát triển nhà kính, nhà lưới chưa được kiểm soát chặt chẽ, chưa có quy định tỷ lệ khoảng cách được xây dựng. Việc thiếu các mảng cây xanh trong khu vực sản xuất cũng ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường và phát triển du lịch canh nông.

Sản xuất cây trồng trong nhà kính, nhà lưới được ngành nông nghiệp địa phương đánh giá là một trong những giải pháp mà các doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân ứng dụng, nhằm cung cấp các sản phẩm với số lượng ổn định, đáp ứng được nhu cầu của thị trường. UBND tỉnh đã quy hoạch khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại thôn R’Lơm, xã Tu Tra với diện tích 400 ha. Huyện cũng đã hoàn tất hồ sơ trình UBND tỉnh công nhận vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hơn 117 ha tại 3 thôn Lạc Thạnh, Quỳnh Châu Đông, Hải Hưng của xã Lạc Lâm với 407 hộ dân.

Ông Trương Quang Kiên - Chủ tịch UBND xã Lạc Lâm cho hay, trong vùng người dân trồng chủ yếu các loại rau có giá trị kinh tế cao như cà chua, bắp cải, xà lách, ớt ngọt, ớt cay… với trung bình 1-2 vụ/năm. Các giống có năng suất cao và khả năng chống chịu vượt trội với 90% sử dụng giống ngoại nhập. Qua kiểm tra, hiện mới chỉ có 19 ha (16,1%) được cấp giấy chứng nhận VietGAP, còn lại vẫn chưa có chứng nhận an toàn sản phẩm. Địa phương đã lên kế hoạch trồng cây phân tán dọc các trục giao thông với các loại cây xanh có tán nhỏ xung quanh khu vực canh tác, trên bờ ranh, dải phân cách để giảm hiệu ứng nhà kính, tạo mỹ quan chung cho cả vùng. Trong thời gian tới, vùng được xây dựng và phát triển theo quy hoạch gắn với định hướng phát triển kinh tế - xã hội chung, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để đảm bảo một cách bền vững, đầu tư nâng cấp hệ thống nhà kính, nhà lưới đảm bảo tiêu chuẩn để phát huy hết công năng như điều khiển nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, chống côn trùng từ ngoài vào để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả trong sản xuất rau, hoa.

Hàng năm, UBND huyện Đơn Dương cũng đã ban hành kế hoạch phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó định hướng phát triển diện tích sản xuất trong nhà kính, nhà lưới phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương, không gây tác động hiệu ứng nhà kính. Bên cạnh đó, khoảng cách xây dựng nhà lưới có xen kẽ với khu vực sản xuất ngoài nhà kính, nhà lưới, đã tạo khoảng trống để tiêu thoát nước kịp thời vào mùa mưa và không gây tác động hiệu ứng nhà kính.

Theo bà Tou Prong Nai Khoan, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện trong thời gian tới được xác định sẽ quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị trong công tác quản lý, kiểm soát, nhằm giảm thiểu tác hại của nhà kính, nhà lưới trên địa bàn huyện; tăng cường thực hiện quản lý, giám sát chặt chẽ các dự án đầu tư có sử dụng nhà kính, nhà lưới trong sản xuất, nhất là các dự án triển khai gần các khu vực có ao, hồ, sông, suối… Bên cạnh đó, khuyến cáo người dân nâng cấp, sửa chữa kịp thời các nhà kính, nhà lưới xuống cấp; không để vật liệu mái che cũ tràn lan ngoài đồng ruộng gây ô nhiễm môi trường. Việc tổ chức sản xuất, quản lý môi trường nông nghiệp phù hợp theo hướng đảm bảo 3 yêu cầu: Cảnh quan, mỹ quan và môi trường; chỉ phát triển nhà kính đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật; khuyến khích doanh nghiệp, hộ nông dân phải để diện tích đất trồng cây ngoài nhà kính, nhà lưới hoặc trồng cây xanh để điều hòa tiểu khí hậu và cảnh quan; thường xuyên tổ chức khơi thông suối, kênh mương trong khu vực để tạo nhanh dòng chảy, hạn chế tối đa việc ngập úng cục bộ. Đồng thời triển khai quy định khu vực không xây dựng nhà kính, nhà lưới; quy định tỷ lệ diện tích sử dụng; khoảng lùi; trồng cây xanh trên bờ lô, bờ thửa khu vực nhà kính; lựa chọn công nghệ, vật liệu phục vụ trồng trọt thân thiện với môi trường để hướng dẫn người dân sử dụng, nhằm thay thế dần các vật liệu rác thải khó tiêu hủy gây ảnh hưởng đến đất đai, nguồn nước… Đẩy mạnh công tác tuyên truyền các biện pháp kỹ thuật canh tác trong nhà kính, nhà lưới và kỹ thuật canh tác không sử dụng nhà kính, nhà lưới trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức hội nghị, hội thảo để người dân hiểu về những tác động của nhà kính, nhà lưới đến môi trường; hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật canh tác cây trồng ngoài trời có hiệu quả kinh tế cao để người dân thay đổi dần canh tác.

HỒNG THẮM

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202007/don-duong-kiem-soat-tac-dong-nha-luoi-nha-kinh-3011899/