Dồn gánh nặng lên học phí khi tự chủ đại học

Hiện nay, nhiều trường đại học công lập tốp trên thực hiện tự chủ làm cho học phí tăng cao khiến nhiều thí sinh con nhà nghèo gặp khó khăn. Trong ảnh: Thí sinh Phú Yên tham gia một chương trình tư vấn tuyển sinh năm 2021. Ảnh: THÚY HẰNG

Tự chủ đại học đang được các trường đại học trong cả nước đẩy mạnh thực hiện. Bên cạnh những mặt tích cực, một vấn đề đáng lo ngại hiện nay mà thí sinh phải đối mặt đó là tình trạng học phí leo thang.

Xu hướng tăng học phí

Hội đồng Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh vừa thông qua đề án Đổi mới cơ chế hoạt động theo hướng tự chủ đại học của Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn từ năm học 2022-2023. Theo đó, trường này được tự chủ về tổ chức bộ máy và nhân sự, cơ sở vật chất, tài chính. Đặc biệt, học phí sẽ có sự thay đổi từ năm học 2022-2023. Trong đó, học phí nhóm ngành khoa học xã hội bậc đại học chương trình chuẩn từ 16-20 triệu đồng/sinh viên/năm, nhóm ngành du lịch và ngôn ngữ từ 21-24 triệu đồng. Học phí chương trình chất lượng cao gấp 3 lần mức trần học phí chương trình đào tạo hệ chuẩn trình độ đại học, dự kiến 60 triệu đồng/sinh viên/năm. Học phí hệ văn bằng 2 chính quy, văn bằng 1 vừa làm vừa học... không vượt quá 1,5 lần mức trần học phí chương trình đào tạo hệ chuẩn trình độ đại học. Học phí bậc thạc sĩ không vượt quá 1,5 lần, bậc tiến sĩ không vượt quá 2,5 lần mức trần học phí chương trình đào tạo chuẩn trình độ đại học theo từng nhóm ngành.

Học phí bậc đại học chương trình chuẩn hiện nay của Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn trung bình khoảng 10 triệu đồng/sinh viên/năm học. Như vậy, từ năm học tới, học phí chương trình chuẩn của trường sẽ tăng từ 6-14 triệu đồng/năm so với năm học này.

Tại Phú Yên, các trường đại học Xây dựng Miền Trung, đại học Phú Yên, việc tự chủ đại học cũng đang được các trường từng bước thực hiện. Tuy nhiên, tự chủ tài chính là vấn đề cực kỳ quan trọng, nếu không đảm bảo nguồn thu sẽ là một thách thức lớn đối với các trường trong duy trì hoạt động và phát triển. PGS.TS Nguyễn Vũ Phương, Hiệu trưởng Trường đại học Xây dựng Miền Trung, cho hay: Nhà trường đào tạo đa ngành đa lĩnh vực, nhưng thế mạnh của trường là đào tạo nhóm ngành kỹ thuật, trong đó đào tạo chuyên ngành kỹ sư phần lớn các môn học là thực hành, thực tập đòi hỏi kinh phí đầu tư trang thiết bị rất lớn. Nguồn thu của trường hiện nay chủ yếu vẫn là từ học phí, trong khi đó mức trần học phí của trường vẫn còn thấp khoảng 10 triệu đồng/sinh viên/năm học. Nếu tự chủ tài chính buộc nhà trường phải tăng học phí theo định mức kinh tế - kỹ thuật với mức học phí rất cao. Tuy nhiên, sinh viên của trường đa số đến từ vùng nông thôn, có hoàn cảnh khá khó khăn về kinh tế và ảnh hưởng không nhỏ đến công tác học tập. Vì vậy, việc tự chủ tài chính đối với trường vẫn chưa thể thực hiện được.

Từ thực tế thực hiện từ thí điểm đến nhân rộng cho thấy, tự chủ đại học mở ra rất nhiều cơ hội nhưng cũng không ít các khó khăn thách thức đối với các trường đại học, nhất là các trường địa phương.

Học phí quá cao sẽ hạn chế người tài vào được trường tốt

Việc các trường đại học công lập đang nhận hỗ trợ ngân sách đào tạo, chuyển sang tự chủ và tăng học phí, theo nhiều cán bộ quản lý là chuyện không thể khác nhằm bảo đảm chất lượng đào tạo, gia tăng phúc lợi, dịch vụ phục vụ sinh viên cũng như bảo đảm nguồn lực nhất định để tái đầu tư cho cơ sở vật chất, công tác nghiên cứu khoa học… Việc học phí tăng khi các trường đại học thực hiện tự chủ và dần tiến tới tự chủ luôn nhận được sự quan tâm của toàn xã hội bởi ảnh hưởng thiết thực đến từng gia đình, từng thí sinh trong việc quyết định lựa chọn hướng đi sau tốt nghiệp THPT.

Chị Nguyễn Thị Thúy có con đang học lớp 12 Trường THPT Trần Suyền (huyện Phú Hòa) chia sẻ: “Dẫu biết đã đến lúc người học phải chấp nhận việc trả một mức phí cao hơn khi theo học tại các trường công hoạt động theo cơ chế tự chủ, tuy nhiên, nếu mức học phí quá cao sẽ thực sự làm khó đối với con nhà nghèo”.

Thực tế tuyển sinh năm học 2021-2022 cho thấy, học phí tăng cao đang là bài toán khó với nhiều gia đình và ảnh hưởng không nhỏ đến quyết định chọn trường của các thí sinh. Không ít thí sinh con nhà nghèo băn khoăn có nên vay tín dụng để đi học hay chỉ nên chọn một trường có học phí vừa phải để theo học. Sự đắn đo này cũng là điều dễ hiểu bởi mặt bằng kinh tế của chúng ta hiện có sự chênh lệch cao giữa các vùng miền. Điều mà phụ huynh và xã hội mong muốn, tự chủ đại học nhưng các trường cũng đừng đua nhau tăng học phí, bởi với đại đa số gia đình ở nông thôn, thậm chí nhiều gia đình ở thành thị, mức học phí như hiện nay đã là một gánh nặng khó xoay xở.

Điều mà phụ huynh và xã hội mong muốn, tự chủ đại học nhưng các trường cũng đừng đua nhau tăng học phí, bởi với đại đa số gia đình ở nông thôn, thậm chí nhiều gia đình ở thành thị, mức học phí như hiện nay đã là một gánh nặng khó xoay xở.

THÚY HẰNG

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/79/267096/don-ganh-nang-len-hoc-phi-khi-tu-chu-dai-hoc.html