Đơn giá duy trì hệ thống thoát nước đô thị thành phố Hà Nội: Những điểm mới cơ bản
UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 1279/QĐ-UBND về đơn giá duy trì hệ thống thoát nước đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội, trong đó cập nhật đầy đủ các quy định, chế độ chính sách mới và các hướng dẫn của các bộ, ngành có liên quan tại thời điểm lập đơn giá.
Các quy định được cập nhật
Bộ đơn giá đã cập nhật Nghị định số 90/2019/NĐ-CP ngày 15/11/2019 của Chính phủ về Quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động; Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 của Chính phủ về Quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên; Nghị định số 38/2019/NĐ-CP ngày 09/5/2019 của Chính phủ về Quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lương vũ trang; Thông tư số 14/2017/TT-BXD ngày 28/12/2017 của Bộ Xây dựng về việc hướng dẫn quản lý chi phí dịch vụ công ích đô thị (có hiệu lực kể từ ngày 15/02/2018); Thông tư số 11/2019/TT-BXD ngày 26/12/2019 của Bộ Xây dựng về việc hướng dẫn xác định giá ca máy và thiết bị thi công xây dựng và các văn bản pháp lý khác có liên quan; Thông tư số 17/2019/TT-BLĐTBXH ngày 06/11/2019 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội hướng dẫn xác định chi phí tiền lương, chi phí nhân công trong giá, đơn giá sản phẩm, dịch vụ công sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước do doanh nghiệp thực hiện; Văn bản số 2441/BXD-KTXD ngày 01/10/2018 của Bộ Xây dựng về việc hướng dẫn thực hiện Thông tư số 14/2017/TT-BXD ngày 14/12/2017 của Bộ Xây dựng trên địa bàn thành phố Hà Nội; Văn bản số 14/BXD-KTXD ngày 03/01/2020 của Bộ Xây dựng hướng dẫn về xác định chi phí nhân công trong chi phí trực tiếp và xác định chi phí quản lý chung trong giá, đơn giá sản phẩm, dịch vụ công; Văn bản số 4855/BLĐTBXH-LĐTL ngày 09/12/2020 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội hướng dẫn về xác định chi phí nhân công trong đơn giá sản phẩm, dịch vụ công trên địa bàn Thành phố Hà Nội; Văn bản số 949/STP-VBPQ ngày 01/4/2019 của Sở Tư pháp Hà Nội về đơn giá duy trì hạ tầng đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Các chi phí trong Bộ đơn giá duy được tính trên nguyên tắc đúng, tính đủ, phù hợp với quy trình kỹ thuật, điều kiện thực hiện, phù hợp với mặt bằng giá thị trường và khả năng cân đối ngân sách của địa phương. Trong đó, có một số nội dung thay đổi chính trong phương án tính đơn giá như: Thay đổi cơ cấu chi phí: Ngày 01/10/2018, Bộ Xây dựng có Văn bản số 2441/BXD-KTXD hướng dẫn thực hiện Thông tư số 14/2017/TT-BXD: “Chi phí tiền ăn giữa ca của nhân công trực tiếp theo hướng dẫn tại Thông tư số 14/2017/TT-BXD được xác định chi phí trực tiếp, không thuộc chi phí quản lý chung”; Thay đổi tỷ lệ chi phí quản lý chung: Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Xây dựng tại Văn bản số 2441/BXD-KTXD ngày 01/10/2018 và kết quả thực hiện của các đơn vị duy trì duy trì hệ thống thoát nước, chi phí chung trong bộ đơn giá duy trì hệ thống thoát nước trên địa bàn thành phố mới ban hành có tỷ lệ là 43,5% trên tổng chi phí nhân công trực tiếp (trước đây tỷ lệ này là 61%). Với kết cấu chi phí mới như vậy, yêu cầu các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ duy trì hệ thống thoát nước trên địa bàn Thành phố phải tinh giảm bộ máy (nhất là khối gián tiếp, tăng cường áp dụng công nghệ trong giám sát, quản lý của doanh nghiệp, tiết kiệm các chi phí gián tiếp).
Đơn giá duy trì hệ thống thoát nước chưa bao gồm thuế GTGT đối với vật tư, vật liệu đầu vào do lĩnh vực thoát nước thuộc đối tượng chịu thuế GTGT, khi thanh quyết toán được tính thuế GTGT đầu ra.
Bên cạnh đó, bộ đơn giá cũng được xây dựng trên cơ sở rà soát tình hình thực tiễn triển khai công tác duy tu duy trì hệ thống thoát nước của thành phố trong giai đoạn 2016 - 2020, loại bỏ những định mức, đơn giá không còn phù hợp và bổ sung đơn giá chưa có trong bộ đơn giá trước đây để đảm bảo yêu cầu tổ chức thực hiện phù hợp với thực tiễn quản lý.
Lưu ý khi áp dụng
Một số lưu ý khi áp dụng đơn giá: Một số mã đơn giá có hệ số điều chỉnh K để phù hợp với điều kiện thực hiện khác nhau nên khi áp dụng cần nghiên cứu điều kiện áp dụng tại từng mã đơn giá để tổ chức thực hiện đúng quy định.
Ví dụ, công tác nạo vét bùn cống ngầm bằng thủ công (Mã hiệu TN1.01.10): Đối với các cống có kích thước khác nhau thì đơn giá được điều chỉnh hệ số K khác nhau; Công tác nạo vét bùn cống ngang bằng thủ công (Mã hiệu TN1.01.20); Công tác nạo vét bùn cống ngang bằng thủ công có cơ giới hỗ trợ (Mã hiệu TN2.01.50); Công tác nạo vét bùn mương, sông bằng thủ công (Mã hiệu TN1.02.10); Đơn giá Nạo vét bùn cống ngầm bằng xe phun nước phản lực kết hợp với các thiết bị khác (dây chuyền S1, mã hiệu TN2.01.10); Công tác nhặt, thu gom rác, phế thải và vớt rau bèo trên mương sông thoát nước kết hợp với quản lý quy tắc (Mã hiệu TN4.01.30); Các công tác sửa chữa hố ga thăm, thay thế nắp ga, sửa chữa thay thế ga thu hàm ếch, sửa chữa rãnh (các mã hiệu TN6.01.11, TN6.01.12, TN6.01.21, TN6.01.22, TN6.01.31, TN6.01.32, TN6.01.41 ÷ TN6.01.46) chưa bao gồm chi phí vật liệu chính (bộ ga gang hoặc đan bê tông cốt thép…); Công tác quản lý hồ điều hòa có hệ số điều chỉnh theo diện tích mặt hồ.
Ngoài ra, đối với các công tác duy trì hệ thống thoát nước đã lập dự toán theo các tập định mức do UBND thành phố ban hành nhưng đến thời điểm tập đơn giá này được công bố có hiệu lực chưa tổ chức mở thầu hoặc đặt hàng thì chủ đầu tư, cơ quan được giao tổ chức thực hiện nhiệm vụ quyết định lập và điều chỉnh dự toán công tác duy trì hệ thống thoát nước theo tập đơn giá này.
Đối với các công tác duy trì hệ thống thoát nước trên địa bàn thành phố Hà Nội đã mở thầu hoặc đặt hàng trước thời điểm Quyết định này có hiệu lực, việc điều chỉnh được thực hiện theo các nội dung quy định tại Hợp đồng và các quy định hiện hành của Nhà nước.