Đơn giản hóa trình tự, thủ tục thực hiện kế hoạch vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài

Đại diện Bộ Tài chính cho biết nguồn vốn ODA có tính chất đặc thù về phương thức, hình thức sử dụng vốn, điều kiện và thủ tục tài trợ, quy trình, thủ tục giải ngân…; vì vậy cần thiết phải có 1 chương riêng để quy định chi tiết...

Ngày 23/8, Bộ Tư pháp tổ chức họp thẩm định đề nghị xây dựng Luật Đầu tư công sửa đổi.

Tại phiên họp, các thành viên Hội đồng thẩm định đã tập trung trao đổi, thảo luận về các nội dung đề nghị sửa đổi, bổ sung trong Luật Đầu tư công.

Ông Trần Quang Anh, Vụ Pháp chế và Kiểm soát nội bộ, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, cho biết Luật Đầu tư công 2019 không quy định các nội dung cấp phép bố trí ngân sách trung ương cho doanh nghiệp nhà nước để đầu tư vào hỗ trợ nợ, đầu tư cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích, phúc lợi xã hội theo chỉ đạo của Chính phủ cũng như nguồn vốn ngân sách nhà nước để duy trì, bảo dưỡng, xây dựng các công trình hồ đập, thủy lợi.

Điều này dẫn tới việc một số doanh nghiệp như Tổng Công ty Cà phê Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ giao dự án đầu tư nhưng chưa được bố trí vốn ngân sách nhà nước khiến tiến độ các dự án bị chậm trễ. Vì vậy, ông Trần Quang Anh đề nghị sửa đổi, bổ sung nội dung này để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.

Đối với chính sách 2, ông Bùi Phương Đông, Tập đoàn Điện lực Việt Nam nhất trí với việc đẩy mạnh phân cấp thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án và thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm vốn ngân sách trung ương giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương. Theo ông Đông, việc phân cấp này sẽ góp phần không nhỏ để đẩy nhanh tiến độ dự án.

Cùng với đó, để giảm bớt các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp đầu tư, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu quy định trình tự, thủ tục áp dụng với các nguồn vốn vay ODA cho các doanh nghiệp vay lại theo hướng trình tự, thủ tục đầu tư về vốn ban đầu sẽ tuân theo Luật Đầu tư công còn quá trình thực hiện dự án đầu tư sẽ được xác định như quy trình vay thương mại và tuân theo quy định pháp luật chuyên ngành.

Ngoài ra, đề xuất cho phép các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ được làm cơ quan chủ quản dự án đầu tư công và đề nghị làm rõ việc cho phép doanh nghiệp có 100% vốn điều lệ do Nhà nước sở hữu là cơ quan chủ quản thực hiện dự án đầu tư công theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ là như thế nào.

Đại diện Bộ Tài chính cho biết nguồn vốn OAD có tính chất đặc thù về phương thức, hình thức sử dụng vốn, điều kiện và thủ tục tài trợ, quy trình, thủ tục giải ngân…; vì vậy cần thiết phải có 1 chương riêng để quy định chi tiết.

Cùng với đó, hiện dự thảo Luật quy định một phần của vốn đầu tư công là nguồn vốn ngân sách nhà nước.

Theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước 2019, một trong những nguồn vốn ngân sách nhà nước được hình thành từ bội chi ngân sách trung ương, trong đó loại trừ các khoản Chính phủ vay về cho vay lại.

Vì vậy, đề nghị cân nhắc không đưa nội dung về việc bổ sung quy định cơ quan gửi đề xuất dự án sử dụng vốn nước ngoài cho công ty con của doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ vào phạm vi điều chỉnh của Luật Đầu tư công.

Về công tác chuẩn bị đầu tư dự án, đại diện Bộ Quốc phòng đề nghị cơ quan chủ trì nghiên cứu, bổ sung quy định về điều kiện, nguyên tắc, thời gian bố trí vốn chuẩn bị đầu tư.

Đối với các dự án đầu tư công có cấu phần xây dựng, đề nghị làm rõ các nội dung công việc của giai đoạn chuẩn bị đầu tư để phân biệt với khái niệm, nội dung công việc của giai đoạn chuẩn bị dự án theo quy định của Luật Xây dựng.

Ngoài ra, cơ quan chủ trì soạn thảo cũng cần thống nhất cách hiểu quy định về thời gian thực hiện và giải ngân đối với vốn kế hoạch đầu tư công hằng năm của năm cuối cùng của kỳ trung hạn giai đoạn trước.

Nguyệt Như

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/don-gian-hoa-trinh-tu-thu-tuc-thuc-hien-ke-hoach-von-oda-von-vay-uu-dai-nuoc-ngoai.htm