Đòn giáng kép đối với người tiêu dùng khi giá dầu diesel tăng vọt
Khi giá dầu diesel tăng cao, chi phí nhiên liệu sẽ được chuyển sang người tiêu dùng, tạo ra đòn giáng kép khiến áp lực lạm phát ngày càng phình to.
Theo CNBC, giá dầu diesel tăng cao đang tạo thêm áp lực cho nền kinh tế Mỹ và thế giới. Các tàu chở dầu, tàu hỏa và xe tải đều chạy bằng dầu diesel. Loại nhiên liệu này cũng được sử dụng trong những ngành công nghiệp như sản xuất, nông nghiệp, kim loại và khai thác.
“Dầu diesel là nhiên liệu cung cấp năng lượng cho nền kinh tế. Giá tăng cao chắc chắn sẽ đẩy giá hàng hóa lên cao”, ông Patrick De Haan - Trưởng bộ phận Phân tích Dầu khí tại GasBuddy - bình luận.
Theo ông, chi phí nhiên liệu cao hơn sẽ được chuyển cho người tiêu dùng. “Nhất là tại những cửa hàng tạp hóa, sắt thép và bất cứ nơi nào các vị mua sắm”, ông De Haan nói thêm.
Nói cách khác, tác động từ đà tăng giá của dầu diesel sẽ lan sang toàn bộ nền kinh tế.
Giá dầu diesel tăng vọt
Giá dầu diesel bật tăng sau khi các hoạt động kinh tế trên khắp thế giới bắt đầu phục hồi. Điều này đẩy khối lượng hàng dự trữ xuống mức thấp kỷ lục.
Các sản phẩm như dầu diesel, dầu đốt và nhiên liệu máy bay phản lực thường được gọi là “sản phẩm chưng cất giữa”. Bởi chúng được tạo ra từ giữa khoảng sôi của dầu.
Theo UBS, dầu diesel và nhiên liệu máy bay phản lực tại cảng New York hiện đều được giao dịch trên ngưỡng 200 USD/thùng. Việc châu Âu tìm cách giảm phụ thuộc vào năng lượng của Nga càng khiến giá dầu tăng mạnh. Theo ông Stephen Brennock tại hãng môi giới PVM, khối này đang nhập khẩu khoảng 700.000 thùng dầu diesel mỗi ngày từ Nga.
Mối lo ngại rằng châu Âu có thể cạn kiệt dầu diesel ngày càng phình to
Ông Stephen Brennock tại hãng môi giới PVM
“Nguồn cung toàn cầu càng bị thắt chặt hơn khi Liên minh châu Âu (EU) đề xuất lệnh cấm dầu Nga”, ông bình luận. Theo ông, nếu được thông qua, lệnh cấm vận sẽ có tác động lớn tới các thị trường sản phẩm từ dầu, nhất là dầu diesel.
“Mối lo ngại rằng châu Âu có thể cạn kiệt dầu diesel ngày càng phình to”, ông Brennock nhận định.
Đồng quan điểm, hãng tư vấn năng lượng Rystad cho rằng việc chặn nguồn cung các sản phẩm tinh chế từ Nga sẽ khiến tình trạng thiếu hụt dầu diesel ở châu Âu trở nên trầm trọng hơn.
Mới đây, bà Janet Yellen - Bộ trưởng Tài chính Mỹ - thừa nhận rằng lạm phát liên tục ở mức cao và tác động lan tỏa từ xung đột Nga - Ukraine sẽ gây ra rủi ro kinh tế.
"Tôi lo ngại rằng giá hàng hóa và ảnh hưởng từ xung đột giữa Nga - Ukraine có thể tác động tiêu cực không chỉ với Mỹ mà còn cả châu Âu và các thị trường mới nổi", bà cảnh báo.
Trong khi đó, các nhà máy lọc dầu không thể ngay lập tức tăng công suất để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng. Ở Mỹ, công suất lọc dầu đã giảm trong những năm qua. Philadelphia Energy Solutions - khu phức hợp lọc dầu lớn nhất Bờ Đông nước Mỹ - phải đóng cửa sau một vụ hỏa hoạn hồi tháng 6/2019.
Một số nhà máy lọc dầu cũng đang tiến hành bảo dưỡng định kỳ, vốn đã quá hạn sau thời kỳ dịch bệnh kéo dài. Các cơ sở này thường hoạt động hết công suất - 24 giờ/ngày, 7 ngày/tuần.
Áp lực lạm phát
Theo ông De Haan, Bờ Đông phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu từ những khu vực khác để sản xuất các sản phẩm tinh chế. Nhưng ở thời điểm hiện tại, châu Âu cũng đang tranh giành những nhiên liệu này nhằm giảm phụ thuộc vào Nga.
Trên thị trường hàng hóa, giá tăng cao có thể khiến nhu cầu giảm đi, từ đó giúp giá giảm. Nhưng theo UBS, nhu cầu của các sản phẩm chưng cất có xu hướng ít co giãn hơn so với giá xăng.
Nói cách khác, giá xăng tăng cao có thể khiến người tiêu dùng giảm mua vào, nhưng nếu một doanh nghiệp cần đưa hàng hóa từ điểm A tới điểm B, họ sẽ chấp nhận trả giá cao hơn.
Theo ông Tom Kloza - Trưởng bộ phận Nghiên cứu năng lượng toàn cầu tại OPIS, trong những năm trước đây, một thùng dầu diesel thường được bán với giá cao hơn dầu thô khoảng 10 USD. Nhưng ngày nay, mức chênh lệch đã tăng lên ngưỡng cao kỷ lục 70 USD.
Dầu diesel tại bến cảng New York đang được giao dịch ở mức khoảng 5 USD/gallon (1 gallon bằng 3,785 lít), còn giá nhiên liệu máy bay phản lực ở mức 6,72 USD, tương đương khoảng 282 USD/thùng.
Giá dầu diesel bán lẻ cũng đang tăng mạnh. Tính đến cuối tuần trước, theo AAA, giá trung bình trên toàn quốc đạt 5,51 USD/gallon.
“Đó sẽ là đòn giáng kép đối với người tiêu dùng trong những tuần và tháng tới. Giá dầu diesel có thể khiến giá hàng hóa tăng cao - một yếu tố khác tạo áp lực lạm phát lên ví tiền người tiêu dùng”, ông De Hann nhận xét.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 của Mỹ đã tăng 8,5% so với một năm trước đó (trên cơ sở chưa điều chỉnh), cao hơn ước tính 8,4% của Dow Jones. Đây là mức tăng giá chưa từng thấy kể từ thời kỳ lạm phát đình trệ diễn ra vào cuối những năm 1970, đầu thập niên 1980.
Trong đó, giá thực phẩm tăng 1% trong tháng và 8,8% so với năm ngoái, còn giá năng lượng tăng lần lượt 11% và 32%.