Đòn giáng mạnh vào ưu thế không quân của Mỹ tại châu Á

Máy bay chiến đấu tàng hình có người lái thế hệ mới vừa được Trung Quốc tiết lộ được coi là bước tiến vượt bậc về năng lực không quân của nước này, dự kiến sẽ định hình lại cục diện tác chiến trên không, nhất là ở châu Á.

Hình ảnh được các mạng xã hội Trung Quốc lan truyền về chiếc máy bay được cho là chiến đấu cơ tàng hình thế hệ 6 của nước này - J-36.

Hình ảnh được các mạng xã hội Trung Quốc lan truyền về chiếc máy bay được cho là chiến đấu cơ tàng hình thế hệ 6 của nước này - J-36.

Trong một diễn biến bất ngờ, Trung Quốc đã công bố một loại máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ mới có thể thay đổi cục diện tác chiến trên không và thách thức ưu thế không quân của Mỹ tại châu Á.

Theo báo cáo của The War Zone, chiếc máy bay chiến đấu đầu tiên, được cho là mang tên J-36 nhưng chưa được xác nhận chính thức, không có cánh đuôi truyền thống và phần cánh được thiết kế hình tam giác cải tiến.

Mặc dù danh tính và thông số kỹ thuật chính xác của máy bay này vẫn chưa rõ ràng, nhưng nó có khả năng được sản xuất bởi Tập đoàn Máy bay Thành Đô (CAC). Đây dường như là số hiệu cao nhất trong loạt máy bay chiến đấu dòng Jianjiji, với mẫu trước đó là J-35.

Thiết kế của máy bay này phù hợp với tham vọng của Trung Quốc về sức mạnh không quân tiên tiến, nhấn mạnh tới khả năng tàng hình và hoạt động tầm xa.

Cấu hình không cánh đuôi được cho là nhằm giảm độ phản xạ tín hiệu radar và cải thiện hiệu suất khí động học, mặc dù có thể ảnh hưởng đến khả năng cơ động của máy bay.

Việc J-36 được trang bị ba động cơ cho thấy nó tập trung vào việc bay với tốc độ cao và hoạt động ở độ cao lớn.

Tới nay, Bộ Quốc phòng Trung Quốc chưa đưa ra bình luận chính thức nào về chiếc máy bay chiến đấu mới xuất hiện này, nhưng đã trở thành đề tài xôn xao trên mạng xã hội nhiều ngày qua.

Ngay sau khi Trung Quốc tiết lộ máy bay chiến đấu chiến thuật thế hệ tiếp theo, The War Zone cũng đưa tin Trung Quốc ra mắt một mẫu thiết kế nhỏ hơn, được cho là thuộc Tập đoàn Máy bay Thẩm Dương (SAC).

Theo báo cáo, mẫu máy bay này, mang tên J-50, sở hữu công nghệ tàng hình với thiết kế không cánh đuôi giúp tăng khả năng giảm mức độ phản xạ tín hiệu radar. Không giống như J-36 được trang bị ba động cơ, J-50 chỉ được trang bị hai động cơ.

Mặc dù các máy bay mới của Trung Quốc được mô tả là “máy bay chiến đấu thế hệ thứ sáu”, thuật ngữ này vẫn chưa được định nghĩa rõ ràng và có thể được sử dụng để phô trương năng lực quân sự.

Định nghĩa về máy bay thế hệ thứ sáu

Trong một bài viết năm 2009 trên tạp chí Lực lượng Không quân và Vũ trụ (Air and Space Forces Magazine), chuyên gia John Tirpak định nghĩa máy bay thế hệ thứ sáu là máy bay chiến đấu tiên tiến, tập trung vào khả năng tàng hình vượt trội, tính thích nghi và tích hợp công nghệ cao.

Theo chuyên gia Tirpak, loại máy bay này sẽ tích hợp các tính năng như khung máy bay có thể thay đổi hình dạng, được trang bị vũ khí năng lượng định hướng và lớp “vỏ thông minh” với hàng loạt cảm biến để nâng cao năng lực nhận thức tình huống.

Máy bay thế hệ thứ sáu sẽ được thiết kế để hoạt động có người lái hoặc không người lái, tích hợp khả năng kết nối mạng tiên tiến, cho phép phối hợp liền mạch với các nền tảng khác.

Chuyên gia Tirpak cũng nói rằng các máy bay này sẽ được chế tạo để đạt hiệu suất cao trên nhiều chế độ bay, có thể sử dụng động cơ chu kỳ biến thiên và được trang bị các hệ thống phòng thủ năng lượng định hướng.

Mặc dù các máy bay tàng hình thế hệ mới của Trung Quốc có một số đặc điểm của máy bay thế hệ thứ sáu, nhưng hiện tại chưa đủ thông tin để xác định chúng đạt đến tiêu chuẩn này.

Trong một phát biểu được truyền thông trích dẫn, Giáo sư James Char từ Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore) cũng cho rằng các máy bay mới có thể là nguyên mẫu thử nghiệm của Tập đoàn Máy bay Thành Đô và Tập đoàn Máy bay Thẩm Dương, nhưng nếu nói đây là máy bay thế hệ thứ sáu là “vội vàng và thiếu cơ sở.”

Khả năng của J-36 và J-50

Trong một bài viết tháng trước trên tạp chí Chiến lược gia (The Strategist), chuyên gia Bill Sweetman cho rằng J-36 đại diện cho bước nhảy vọt trong công nghệ hàng không. Ông nhận xét rằng J-36 là máy bay chiến đấu lớn nhất được phát triển tại Trung Quốc và lớn thứ hai trên thế giới trong 35 năm qua.

Chuyên gia Sweetman cho biết thiết kế cánh tam giác kép của J-36 cải thiện hiệu suất siêu vượt âm và khả năng tàng hình toàn diện. Máy bay này dài khoảng 23 mét, sải cánh 19 mét, và diện tích cánh khoảng 200 mét vuông.

Chuyên gia Sweetman cũng chỉ ra rằng J-36 có khoang vũ khí chính dài khoảng 7,6 mét, được bổ sung bởi các khoang phụ dành cho vũ khí nhỏ hơn, cho thấy khả năng mang tải lớn. Cấu hình ba động cơ, với hai động cơ hút khí qua cửa hút hình lược và động cơ thứ ba sử dụng cửa hút không cần bộ chuyển hướng, cho thấy J-36 có thể có khả năng hoạt động với hành trình dài mà không cần bộ phận tăng lực.

Đối với J-50, tờ Tin nhanh Quốc phòng (Defense Express) cho biết máy bay này dài khoảng 22 mét và có diện tích cánh 145 mét vuông. Trọng lượng cất cánh tối đa ước tính 40 tấn, tốc độ tối đa Mach 2 và bán kính tác chiến 2.200 km.

J-50 được trang bị nhiều khoang vũ khí, với khoang lớn nhất có thể chứa bốn tên lửa không đối không PL-17 có tầm bắn lên tới 300 km, hoặc một tên lửa chống hạm YJ-12 có tốc độ bay gấp ba lần tốc độ âm thanh và tầm bắn là 400 km.

Bài viết đăng trên tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng ngày 6/1/2025 đặt câu hỏi về khả năng chiến đấu cơ thế hệ 6 bí ẩn của Trung Quốc trở thành trung tâm chỉ huy thiết bị bay không người lái trên đấu. Ảnh chụp màn hình

Bài viết đăng trên tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng ngày 6/1/2025 đặt câu hỏi về khả năng chiến đấu cơ thế hệ 6 bí ẩn của Trung Quốc trở thành trung tâm chỉ huy thiết bị bay không người lái trên đấu. Ảnh chụp màn hình

Sự tương phản với nỗ lực của Mỹ

Trong khi không quân Trung Quốc hiện đại hóa mạnh mẽ, các chương trình tương tự của Mỹ dường như đang gặp khó khăn.

Vào tháng 9/2024, tờ Thời báo châu Á (Asia Times) đưa tin rằng Không quân Mỹ đang xem xét lại chương trình máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo (NGAD) do hạn chế ngân sách, tiến bộ công nghệ và mối đe dọa từ thiết bị bay không người lái (UAV) có vũ trang.

Bộ trưởng Không quân Mỹ Frank Kendall đã thông báo tạm dừng chương trình NGAD vào tháng 7/2024 để đánh giá lại yêu cầu, trong đó cân nhắc việc tích hợp các máy bay hiện có như F-35, F-15EX và F-22 với các công nghệ mới như máy bay chiến đấu tích hợp (CCA).

Chi phí cao của chương trình NGAD, ước tính gần 250 triệu USD mỗi máy bay, cùng với các chương trình đắt đỏ khác như B-21 Raider và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Sentinel, đang đặt ra thách thức lớn.

Xem video tiêm kích F-35A thử nghiệm với bom B61-12. Nguồn: Popular Mechanics

Ý nghĩa chiến lược

Báo cáo Sức mạnh quân sự Trung Quốc năm 2024 (China Military Power Report 2024) của Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết việc Trung Quốc giới thiệu các thiết kế máy bay chiến đấu tiên tiến, bao gồm máy bay tàng hình như J-20 và các hệ thống thế hệ thứ sáu đang phát triển, thể hiện tham vọng của Không quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLAAF) nhằm đạt ngang bằng hoặc vượt qua năng lực không quân của Mỹ và đồng minh.

Báo cáo lưu ý rằng những tiến bộ này có thể thay đổi tính toán chiến lược của các quốc gia láng giềng và làm phức tạp kế hoạch phòng thủ của Mỹ và đồng minh, đặc biệt là ở không phận tranh chấp tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Thành Nam/Báo Tin tức (Theo Asia Times/War Zone)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/don-giang-manh-vao-uu-the-khong-quan-cua-my-tai-chau-a-20250106110010989.htm