Đốn hạ cây xanh trên đường: Dân không được tự ý làm

Nếu phát hiện sự cố về cây xanh, người dân có thể gọi ngay đến tổng đài 1022 để được xử lý.

Mới đây, trên đường Ỷ Lan (phường Hiệp Tân, quận Tân Phú, TP.HCM), một cây bàng cao hơn 15 m, đường kính gốc hơn 40 cm, cành lá xanh tốt nhưng phần gốc đã hư mục bị xe tải va trúng. Cú va chạm khiến cây bàng bị bật gốc, đè trúng đường dây điện.

Tại hiện trường vụ va chạm, cây bàng nằm chắn ngang đường, đè vào đường dây điện khiến các phương tiện không thể lưu thông qua lại. Chiếc xe cũng hư hỏng phần thùng.

Theo người dân, cây bàng đã nghiêng đổ từ trước. Trước đây, một số người dân sống xung quanh cũng đã phản ánh lên cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý, đảm bảo an toàn nhưng không hiểu sao cây vẫn chưa được đốn hạ.

Phần gốc cây bàng đã bị hư mục trên đường Ỷ Lan (quận Tân Phú, TP.HCM). Ảnh: HT

Phần gốc cây bàng đã bị hư mục trên đường Ỷ Lan (quận Tân Phú, TP.HCM). Ảnh: HT

Trước vụ việc trên, chúng tôi nhận được một số câu hỏi liên quan của bạn đọc. Bạn đọc Hạnh Hiếu hỏi: “Khi người dân phát hiện cây xanh trên đường sắp đổ ngã, để tránh xảy ra tai nạn thì phải báo lên đâu mới được xử lý nhanh?”. “Người dân có thể tự ý đốn hạ cây xanh trên đường khi phát hiện cây sắp đổ ngã được không?” - bạn đọc Năm Tần thắc mắc…

Liên quan đến vấn đề quản lý cây xanh bị đổ ngã trên đường Ỷ Lan, đại diện Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TP.HCM (Công ty Cây xanh) cho biết: “Qua kiểm tra tất cả thông tin từ năm trước đến thời điểm này, chúng tôi không ghi nhận được phản ánh nào liên quan đến cây bàng trên đường Ỷ Lan, phường Hiệp Tân.

Những cây xanh trên địa bàn TP do nhiều công ty, đơn vị duy tu nên tùy vào địa bàn, loại cây mà đơn vị đang quản lý phối hợp xử lý nếu xảy ra sự cố. Nếu có bất kỳ sự cố gì về cây xanh đô thị như ngã đổ, trốc gốc, gãy cành… thì người dân có thể gọi ngay đến tổng đài 1022 để được xử lý kịp thời ” - đại diện Công ty Cây xanh cho hay.

Cũng theo đại diện Công ty Cây xanh, nguyên nhân chính gây bật gốc cây xanh ở đường Ỷ Lan, phường Hiệp Tân, quận Tân Phú là do trong lúc di chuyển, xe tải va chạm vào cây xanh.

“Để đảm bảo an toàn cho người dân, công ty có kế hoạch thường xuyên kiểm tra và chăm sóc cây. Thời điểm này chúng tôi cũng đã tăng cường kiểm tra, phát hiện những cây nào nhánh khô, nhánh nặng tàn để có kế hoạch cắt tỉa trong mùa mưa sắp tới” - vị đại diện này chia sẻ.

Ông Vũ Văn Điệp, Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP, thông tin: “Với những trường hợp cây có sự cố, người dân không được tự ý chặt cây khi cảm thấy có vấn đề không an toàn, mà phải báo đến cơ quan quản lý để xử lý. Khi nhận được tin báo từ người dân, chúng tôi sẽ cho xử lý ngay”.

Ông Vương Kiến Tân, Phó Chủ tịch UBND phường Hiệp Tân, quận Tân Phú, TP.HCM, cho hay: “Cây bàng trên đường Ỷ Lan, phường Hiệp Tân là cây có đánh số do TP quản lý. Với những cây xanh mà người dân cảm thấy có vấn đề như mục gốc, rễ cây gây ảnh hưởng đến nhà, gãy nhánh… thì liên hệ đến phường để chúng tôi hướng dẫn người dân giải pháp khắc phục. Đối với những cây do TP quản lý, chúng tôi có hướng dẫn người dân làm đơn để chuyển đơn vị quản lý xử lý. Đối với những cây do phường, quận quản lý, nếu có vấn đề thì chúng tôi cho khảo sát và xin ý kiến xử lý. Hằng năm, chúng tôi đều có kế hoạch cắt mé, duy tu những cây do phường, quận quản lý”.•

Điều kiện chặt hạ, dịch chuyển cây xanh đô thị

Theo Điều 14 Nghị định 64/2010 có quy định về chặt hạ, dịch chuyển cây xanh đô thị. Cụ thể, điều kiện chặt hạ cây xanh phải là cây đã chết, đã bị gãy đổ hoặc có nguy cơ gãy đổ gây nguy hiểm; cây xanh bị bệnh hoặc đến tuổi già cỗi không đảm bảo an toàn…

Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép chặt hạ cây xanh đô thị bao gồm: Đơn đề nghị nêu rõ vị trí chặt hạ; kích thước, loài cây và lý do cần chặt hạ; sơ đồ vị trí cây; ảnh chụp hiện trạng cây...

Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép chặt hạ cây xanh đô thị được nộp tại cơ quan quản lý cây xanh đô thị theo quy định của UBND cấp tỉnh. Thời gian giải quyết cho việc cấp phép này tối đa không quá 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

Trước khi triển khai việc chặt hạ cây xanh, tổ chức hoặc cá nhân thực hiện phải thông báo cho chính quyền địa phương.

Việc chặt hạ cây xanh đô thị trong các khu vực công cộng và trong các khuôn viên của tổ chức, cá nhân quản lý phải bảo đảm quy trình kỹ thuật, an toàn cho người và tài sản.

Luật sư LÊ VĂN HOAN, ĐoànLuật sưTP.HCM

NGUYỄN CHÂU - VÕ HÀ

Nguồn PLO: https://plo.vn/ban-doc/don-ha-cay-xanh-tren-duong-dan-khong-duoc-tu-y-lam-1043731.html