Đốn hạ gỗ quý làm thớt bán lấy tiền

Để có tiền tiêu xài, hai anh em ruột ở huyện Bá Thước (Thanh Hóa) đã bàn nhau vào rừng đốn hạ cây gỗ quý, cưa thành từng miếng nhỏ làm thớt để bán.

Theo hồ sơ, ngày 7 và 8/1/2024, Hà Văn Trưởng (SN 1980) và Hà Văn Tiệp (SN 1989), ở thôn Ấm - Hiêu, xã Cổ Lũng (Bá Thước, Thanh Hóa) rủ nhau vào rừng đặc dụng Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông tìm gỗ tốt đốn hạ làm thớt bán.

Hai bị cáo tại phiên sơ thẩm

Hai bị cáo tại phiên sơ thẩm

Để phục vụ cho hành động phi pháp của mình, hai anh em trang bị dao, cưa xăng, ba lô và đèn pin.

Khi đến khu vực lô 93, khoảnh 5, tiểu khu 265, rừng đặc dụng Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, Trưởng và Tiệp dùng cưa xăng đốn hạ 1 cây gỗ quý hiếm (gỗ nghiến).

Nhận được tin báo, lực lượng chức năng đã tổ chức lên kế hoạch bắt giữ. Khoảng 22h, ngày 8/1, tổ công tác phát hiện Trưởng và Tiệp đang gùi ba lô, bên trong có 6 cái thớt gỗ nghiến từ trên rừng đi xuống. Tiệp bỏ chạy khỏi hiện trường còn Trưởng bị tạm giữ cùng 3 khúc gỗ tròn dạng thớt.

Được sự vận động, Hà Văn Tiệp sau đó đã đến Trạm Kiểm lâm Cổ Lũng để khai nhận hành vi vi phạm của mình và giao nộp toàn bộ tang vật, phương tiện vi phạm.

Tiệp và Trưởng khai, do nhận thức pháp luật còn hạn chế nên vào rừng đốn hạ gỗ để cắt nhỏ làm thớt bán cho người dân.

Sau khi hạ cây gỗ xuống, Tiệp cất giấu cưa xăng ở gần vị trí khai khác rồi bỏ 2 cái thớt vào ba lô mang về bán cho một người ở xã Cổ Lũng huyện Bá Thước, với giá 240.000 đồng.

Đến ngày 8/1, hai anh em nhà Tiệp tiếp tục vào rừng để cắt thớt từ cây gỗ đã đốn hạ trước đó, thì bị lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ.

Cây gỗ này thuộc nhóm IIA trong “Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm”, có tổng khối lượng thiệt hại là 1,742 m3.

Sau khi hoàn chỉnh hồ sơ vụ việc, cơ quan tố tụng đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản” quy định tại điểm e, khoản 1, Điều 232, Bộ Luật Hình sự.

Tại phiên tòa lưu động tại hội trường xã Cổ Lũng vừa qua, TAND huyện Bá Thước (Thanh Hóa) đã tuyên phạt bị cáo Hà Văn Tiệp 24 tháng cải tạo không giam giữ, thời gian thử thách là 48 tháng; bị cáo Hà Văn Trưởng 18 tháng cải tạo không giam giữ, thời gian thử thách là 36 tháng.

Đồng thời, giao hai bị cáo cho UBND xã Cổ Lũng giám sát, giáo dục trong thời gian cải tạo không giam giữ và thời gian thử thách.

Chính quyền địa phương đã tuyên truyền cho người dân biết các quy định của pháp luật về việc xâm hại rừng, gỗ rừng sau vụ án này.

Thanh Phương

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/don-ha-go-quy-lam-thot-ban-lay-tien-439850.html