Đơn hàng dồi dào, doanh nghiệp miền núi đẩy mạnh sản xuất
Với tỷ lệ lao động trở lại làm việc cao, đơn hàng dồi dào, từ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão đến nay, các doanh nghiệp ở Yên Bái đã đẩy mạnh sản xuất, góp phần hoàn thành mục tiêu tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn đạt 7,5%, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9%, giá trị xuất khẩu hàng hóa đạt 350 triệu USD của tỉnh.
Công ty Cổ phần Lâm, Nông sản Thực phẩm Yên Bái hiện có 8 nhà máy với hơn 400 người lao động, sản xuất 3 sản phẩm chính là tinh bột sắn, giấy đế và giấy vàng mã. Ông Nguyễn Văn Trữ, Phó Giám đốc Công ty cho biết, năm 2022 doanh thu thuần của công ty đạt 657 tỷ đồng, tăng 27% và lãi sau thuế là 106 tỷ đồng, tăng 85% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu xuất khẩu tăng trưởng rất mạnh trong năm vừa qua, từ 145 tỷ lên 377 tỷ đồng. Năm 2023 này, công ty dự kiến giữ đà tăng trưởng khá, tăng doanh thu ngay từ đầu năm nên tập trung triển khai các kế hoạch đẩy mạnh sản xuất kinh doanh và tìm kiếm các bạn hàng mới.
“Công ty xây dựng lại các quy chế làm việc cũng như tổ chức lại lao động để tăng năng suất lao động và một biện pháp hết sức quan trọng đó là phát động trong toàn công ty giảm chi phí sản xuất, đặc biệt là với các định mức tiêu hao”, ông Nguyễn Văn Trữ cho biết.
Sau gần 3 năm gián đoạn sản xuất, kinh doanh do tác động của đại dịch Covid-19, nhận diện những chuyển biến tích cực từ thị trường và khả năng thích ứng với tình hình mới, ngay từ đầu năm 2023 này, Công ty TNHH một thành viên đá trắng Bảo Lai cũng đã mở rộng sản xuất với các mặt hàng chính là: đá block, đá xẻ, đá nhân tạo, hạt nhựa và bột đá siêu mịn.
Ông Võ Tiến Dũng, Giám đốc công ty cho biết, đơn vị đã chủ động thực hiện tái cấu trúc mô hình sản xuất, kinh doanh, đón các chuyên gia nước ngoài sang làm việc, đồng thời nối lại với các bạn hàng và thị trường truyền thống, tìm kiếm đối tác mới: “Hiện nay, chúng tôi đang mở rộng thị trường mới: thị trường Trung Đông, Ý, Mỹ và một số thị trường châu Âu. Một số thị trường truyền thống như Trung Quốc, Ấn Độ thì vẫn tiếp tục duy trì và mở rộng thêm những khách hàng ở đó”.
Nhân lực là yếu tố quan trọng trong việc hiện thực hóa chiến lược kinh doanh mà các doanh nghiệp đặt ra. Do đó, ngay sau kỳ nghỉ Tết, các doanh nghiệp ở Yên Bái đã tăng cường tuyển dụng nhân lực ở tất cả các vị trí, từ lao động phổ thông đến lao động có trình độ cao.
Chuyển dây chuyền sản xuất từ thị trấn Yên Bình (huyện Yên Bình) sang Khu công nghiệp phía Nam tỉnh Yên Bái, Công ty TNHH Nasaki Việt Nam đã đầu tư lại toàn bộ dây chuyền sản xuất ngói theo công nghệ Nhật Bản, với mục tiêu đạt 5,5 triệu viên trong năm nay, tăng gấp 10 lần so với trước đây. Mặc dù quy trình sản xuất chủ yếu tự động hóa nhưng yếu tố con người vẫn đóng vai trò quan trọng, nhất là trong thẩm định sản phẩm; do đó, ngay từ đầu năm, công ty đã tập trung tuyển dụng lao động thông qua nhiều hình thức như kênh giới thiệu việc làm, tuyển dụng online, tuyển dụng trực tiếp.
Bà Nguyễn Thị Khuyên, Giám đốc công ty cho biết, với số lượng đơn đặt hàng lớn nên đòi hỏi phải có lượng nhân công ổn định, có trình độ tay nghề đảm bảo: “Các bạn trẻ có khá nhiều những ưu điểm, đó là bắt nhịp với công nghệ thông tin rất tốt, các bạn ấy có thể cập nhật những công nghệ mới khi chúng tôi đào tạo các bạn. Thứ hai là các bạn có đam mê, ham học hỏi”.
Năm 2022, Công ty TNHH Hòa Bình đạt doanh thu gần 1.200 tỷ đồng trên cả 3 lĩnh vực: vật liệu xây dựng, xe máy và vận tải. Năm nay, đơn vị đặt ra mức tăng trưởng khoảng 5%. Bà Bùi Thị Sửu, Giám đốc công ty cho biết, tùy thuộc vào tính chất công việc và vị trí việc làm mà công ty có những yêu cầu riêng về người tuyển dụng.
“Chúng tôi phải tuyển dụng thêm lao động để bổ sung vào những vị trí còn thiếu và mở rộng phát triển kinh doanh. Thứ nhất là với lao động có trình độ để nâng cao vai trò quản lý, cái thứ hai nữa là lao động phổ thông để đáp ứng những công việc phục vụ cho khách hàng”, bà Bùi Thị Sửu nói.
Yên Bái hiện có trên 2.600 doanh nghiệp vừa và nhỏ, hoạt động trên tất cả các lĩnh vực như: công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng, dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp…. Trong bối cảnh phục hồi sản xuất sau đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đều đặt mục tiêu tăng trưởng cao hơn năm trước từ 5 – 10%.
Tình hình sản xuất kinh doanh được dự báo sẽ vẫn tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, song với tinh thần vượt khó, nỗ lực thích ứng và thúc đẩy sản xuất ngay từ đầu năm, các doanh nghiệp ở miền núi Yên Bái đang nỗ lực hoàn thành mục tiêu đề ra, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế, xã hội chung của địa phương./.