Đơn hàng gia tăng, hoạt động xuất khẩu phục hồi mạnh mẽ
Chiều 29/3, Bộ Công Thương đã tổ chức họp báo thường kỳ thông tin về tình hình sản xuất công nghiệp, thương mại tháng 3 và 3 tháng đầu năm 2024. Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân chủ trì họp báo.
Tại họp báo thường kỳ, ông Bùi Huy Sơn, Vụ trưởng Vụ trưởng Kế hoạch Tài chính (Bộ Công Thương) cho biết, tiếp tục đà tăng trưởng từ cuối năm 2023, sản xuất công nghiệp trong quý I/2024 tiếp tục khởi sắc với giá trị tăng thêm toàn ngành ước tính tăng 6,18% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm trước giảm 0,73%), đóng góp 2,02 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.
Về hoạt động xuất nhập khẩu, với sự phục hồi của thị trường thế giới, các đơn hàng xuất khẩu gia tăng nên hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa trong quý I/2024 đã có những khởi sắc và đạt được những kết quả tích cực. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 3/2024 ước đạt 65,09 tỷ USD, tăng 35,6% so với tháng trước và tăng 12% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý I/2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 178,04 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước.
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa quý I/2024 ước đạt 84,98 tỷ USD, tăng 13,9% so với cùng kỳ. Quý I/2024 có 17 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm 76,1% tổng kim ngạch nhập khẩu, trong đó có 2 mặt hàng nhập khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 40,3%.
Cán cân thương mại tháng 3/2024 tiếp tục thặng dư khoảng 2,93 tỷ USD, nâng tổng xuất siêu trong quý lên mức 8,08 tỷ USD.
Đánh giá chung về tình hình sản xuất công nghiệp, thương mại trong 3 tháng đầu năm, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho rằng, những kết quả đạt được là rất khả quan, đóng góp tích cực vào kết quả tăng trưởng của cả nền kinh tế. Trong 3 tháng đầu năm, nền kinh tế có những tín hiệu phục hồi tích cực là động lực cho tăng trưởng tiêu dùng trong nước. Bên cạnh đó, nguồn cung các mặt hàng lương thực, thực phẩm trong nước dồi dào sẽ góp phần kiểm soát lạm phát.
Trong thời gian tới, các đơn vị chức năng trong Bộ Công Thương sẽ theo dõi sát diễn biến thị trường và thay đổi chính sách của các đối tác để đề xuất các giải pháp phù hợp, phát triển đa dạng các thị trường xuất khẩu truyền thống và thị trường mới.
Trả lời báo chí về các đề xuất mới trong xây dựng dự thảo nghị định về xăng dầu, trong đó nhấn mạnh việc để doanh nghiệp xăng dầu tự quyết định giá và việc giữ Quỹ Bình ổn xăng dầu sau khi có nhiều lỗ hổng được chỉ ra, bà Nguyễn Thúy Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết, Bộ Công Thương và các bộ ngành liên quan đang xây dựng dự thảo mới theo hướng tiến gần hơn cơ chế thị trường. Các đề xuất Bộ đưa ra sẽ được công bố để lấy ý kiến rộng rãi. Bộ Công Thương sẽ chủ trì, phối hợp với các bộ ngành khác để tổng hợp các đề xuất gửi Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ xem xét quyết định chủ trương.
Về Quỹ Bình ổn xăng dầu, bà Hiền thừa nhận thời gian qua đã bộc lộ nhiều bất cập. Cơ quan soạn thảo sẽ lấy ý kiến để đưa ra cơ chế phù hơp, đảm bảo đúng với Luật Giá và các quy định pháp luật liên quan.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho hay, có rất nhiều ý kiến xung quanh việc bỏ hay không bỏ quỹ này. "Chúng tôi sẽ tiếp tục lấy ý kiến để đưa ra các đề xuất phù hợp", ông Tân nói.
Liên quan đến bất cập trong chi quỹ, ông Tân cho rằng, việc trích lập và chi quỹ được thực hiện theo Thông tư 103 của Bộ Tài chính. Thực tế cho thấy những bất cập, ban soạn thảo sẽ thảo luận thêm về một số vấn đề xung quanh và sẽ đưa ra ý kiến sau thời gian xin ý kiến - thường mất khoảng 60 ngày và nhiều quy trình.
"Bộ Công Thương vừa trình Chính phủ về dự thảo nghị định mới về xăng dầu, dự thảo này sẽ thay thế các nghị định trước đây về kinh doanh xăng dầu. Các vấn đề được quan tâm là, để doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu và giữ Quỹ Bình ổn xăng dầu nhưng xây dựng cơ chế mới thay thế quy định hiện hành và sẽ quy định cụ thể trường hợp trích, chi sử dụng quỹ…", ông Tân nói.