Đơn hàng tăng trưởng về cuối năm, nhưng doanh nghiệp dệt may vẫn đối diện sức ép biên lãi

Trong phân tích ngành Dệt may mới cập nhật, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự báo ngành dệt may sẽ tăng trưởng trong nửa cuối năm 2024 nhờ sản lượng, tuy nhiên lưu ý biên lãi gộp của doanh nghiệp dệt may khó tăng cao trong giai đoạn này.

Ngành dệt may kỳ vọng đơn hàng tăng trưởng về nửa cuối năm

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 6 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu của hàng dệt may có sự tăng trưởng nhẹ so với cùng kỳ, đạt 16,5 tỷ USD (+4,6% so với cùng kỳ). Riêng tháng 6, xuất khẩu hàng dệt may thu về 3,16 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ, phản ánh sự tiếp tục của đà tăng trưởng giá trị xuất khẩu được dẫn dắt bởi cầu tăng tại thị trường Mỹ.

VDSC kỳ vọng ngành dệt may sẽ tăng trưởng trong nửa cuối năm 2024 nhờ một số yếu tố như giá trị nhập khẩu hàng vải trong 6 tháng đầu năm đã đạt 7,2 tỷ USD, tăng 12,7% so với cùng kỳ và giá bán của các loại sợi cũng đã chứng kiến đà tăng trưởng. Nhóm phân tích nhận thấy sự tăng trưởng của giá bán của các loại sợi và giá trị vải nhập khẩu là chỉ báo sớm cho đơn hàng tăng.

Bên cạnh đó, nhóm phân tích cho rằng mức tăng đột biến của chỉ số PMI của Việt Nam trong tháng 6 (lên tới 54,7 điểm) cũng báo hiệu cho hoạt động sản xuất lạc quan trong nửa cuối năm 2024.

 Giá trị nhập khẩu hàng vải trong 6 tháng đầu năm tăng cao so với cùng kỳ. Ảnh: VDSC

Giá trị nhập khẩu hàng vải trong 6 tháng đầu năm tăng cao so với cùng kỳ. Ảnh: VDSC

Biên lãi gộp của doanh nghiệp khó tăng

Mặc dù triển vọng thị trường là tích cực, VDSC cho rằng biên lãi gộp của các doanh nghiệp dệt may khó tăng trong nửa cuối 2024 do nhiều yếu tố trong và ngoài nước.

Trong nước, mức lương tối thiểu tăng 6% kể từ tháng 7/2024 cũng có thể tác động làm giảm biên lãi của doanh nghiệp dệt may. VDSC ước tính chi phí nhân công tại các doanh nghiệp dệt may thường chiếm từ 30-50% tổng chi phí sản xuất nên mức lương tăng sẽ kìm hãm đà tăng biên lãi gộp.

Cùng đó, giá đơn hàng khó tăng cao khi tỷ lệ phá giá nội tệ của các nước cạnh tranh còn cao. Cụ thể, VDSC cho rằng trong nửa cuối năm nay, giá bán khó tăng cao do sự cạnh tranh của các nước đối thủ khi dự báo đồng tiền của Bangladesh, Indonesia và Mexico đều mất giá cao so với VND.

 Ảnh: VDSC

Ảnh: VDSC

Ngoài ra, nhóm phân tích cũng dự báo dự báo giá bán tại thị trường Mỹ, một trong những thị trường chủ lực của hàng dệt may Việt Nam, khó tăng cao trong nửa cuối năm 2024. Nguyên nhân chủ yếu do nhu cầu nhập khẩu hàng may mặc (HS Code 61,62) tại Mỹ vẫn còn yếu khi doanh số bán lẻ quần áo vẫn thấp. Doanh số bán lẻ tháng 4 và lượng hàng tồn kho vẫn còn tương đương cùng kỳ.

 Ảnh: VDSC

Ảnh: VDSC

VDSC cho rằng chi tiêu tiêu dùng của Mỹ sẽ tiếp tục giảm do tình hình thị trường lao động chậm lại, hạn chế tăng trưởng thu nhập và buộc nhiều gia đình phải hạn chế chi tiêu do dự trữ tiết kiệm giảm và gánh nặng nợ cao hơn.

Nhìn chung, trong bối cảnh thị trường hiện tai, VDSC nhận thấy các doanh nghiệp Việt Nam đang phải chuyển dịch dần sang sản phẩm GTGT cao và phức tạp khi Bangladesh có lợi thế về chi phí ở sản phẩm giá trị thấp với sản lượng cao.

"Việt Nam sẽ có lợi thế ở mặt hàng có giá trị cao như đồ thể thao (6112), Áo ngực (6212), Áo khoác ngoài (6201, 6202) và phức tạp như Găng tay (6116), quần áo nỉ (6210), đồ thể thao đan len hoặc móc (6211), trong khi mất dần lợi thế ở mặt hàng áo khoác (6104), áo len (6110), áo phông (6109), 6204. Và mặt hàng giá trị cao thì thường sản lượng sẽ thấp, thời gian vận chuyển nhanh và đòi hỏi tay nghề cao. Các mặt hàng đồ thể thao của TNG, MSH, TCM, HDM và TVT được kỳ vọng ít cạnh tranh với Bangladesh trong ngắn hạn", báo cáo của VDSC cho hay.

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/don-hang-tang-truong-ve-cuoi-nam-nhung-doanh-nghiep-det-may-van-doi-dien-suc-ep-bien-lai.html