Đón học sinh trở lại trường an toàn

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, khoảng 17 triệu học sinh và trẻ mầm non đã đến trường học trực tiếp từ ngày 7/2, ngay sau đợt nghỉ Tết Nguyên đán. Đến thời điểm hiện tại, khi tỷ lệ tiêm vaccine trong cộng đồng cao, trong đó có đối tượng học sinh từ 12 đến dưới 18 tuổi, việc đưa học sinh quay trở lại trường học, không chỉ là chuyện mở cửa trường mà còn là bước củng cố, tái thiết giáo dục sau dịch bệnh.

Học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 của TP Hà Nội chính thức trở lại trường học trực tiếp. Ảnh: TTXVN

Học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 của TP Hà Nội chính thức trở lại trường học trực tiếp. Ảnh: TTXVN

Nghiêm túc thực hiện quy trình phòng dịch

Sau hai ngày đi học trở lại, em Nguyễn Thúy Hoàn, học sinh lớp 12 Trường THPT Chu Văn An (Tây Hồ, Hà Nội) cho biết: “Chỉ còn bốn tháng nữa là lại tới kỳ thi THPT quốc gia, việc đi học trở lại với học sinh lớp 12 chúng em là rất cần thiết. Chúng em sẽ được các thầy, cô rà soát lại kiến thức bị hổng, học kiến thức mới và quan trọng nhất là thường xuyên được luyện các dạng đề. Vấn đề an toàn phòng dịch, chúng em đã được nhắc nhở kỹ lưỡng, thực hiện thường xuyên và không coi là vấn đề phiền toái nữa”.

Tại Trường THCS Giảng Võ (Ba Đình, Hà Nội), nhà trường cùng toàn bộ các em học sinh đều nghiêm túc thực hiện quy trình phòng dịch bảo đảm an toàn khi đến trường. Ở cổng trường, lực lượng công an có nhiệm vụ điều tiết giao thông từ xa, bảo đảm phụ huynh đưa con đến trường phải di chuyển ngay, không tập trung đông ở cổng. Các học sinh đi bộ sẽ xếp hàng trên vỉa hè để vào trường từ cổng chính. Học sinh đi xe đạp thì vào từ cổng khác. Học sinh đi vào trường được đo thân nhiệt, đi theo hàng, theo luồng lên lớp học.

Nếu học sinh có dấu hiệu nghi nhiễm, các em sẽ được đưa vào phòng cách ly y tế để tìm hiểu kỹ hơn tình trạng sức khỏe, trấn an tinh thần và tiến hành các bước kiểm tra tiếp theo đúng quy định của ngành y tế. Cụ thể, chỉ F0 đó sẽ đi cách ly, còn những F1 sẽ thực hiện cách ly tại nhà. Các em không có dấu hiệu nghi nhiễm, trong lớp học được hướng dẫn các biện pháp bảo đảm phòng, chống dịch.

Kết thúc buổi học, học sinh ra về theo cầu thang, lối ra cổng như quy định lúc vào trường. Phòng học được vệ sinh, khử khuẩn sạch sẽ sau mỗi buổi học.

Bà Tô Thị Hải Yến, Hiệu trưởng Trường THCS Giảng Võ nói: “Vào thời điểm này, với sự chuẩn bị của chính quyền, của ngành chức năng cũng như của các nhà trường, tôi nghĩ, các con đến trường sẽ được an toàn. Nếu có tình huống phát sinh đến đâu thì chúng ta sẽ xử lý đến đó, nhưng tôi tin chúng ta sẽ kiểm soát được”.

Tính đến ngày 8/2, đã có thêm gần 600.000 học sinh THCS và THPT, từ lớp 7 - 12 ở Hà Nội được trở lại trường sau gần 10 tháng học trực tuyến ở nhà. Nhiều học sinh chia sẻ, các em hồi hộp, không ngủ được trước ngày đến trường đầu tiên, kể từ tháng 5/2021. Các em được gặp lại thầy cô, bè bạn sau nhiều tháng chỉ nhìn thấy nhau qua màn hình máy tính.

Để bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19 khi học sinh đi học trở lại, nhiều trường đã yêu cầu phụ huynh đo thân nhiệt cho con trước khi đến trường (nếu thân nhiệt của con hơn 37,5oC, phụ huynh cho con nghỉ ngơi tại nhà và thông báo cho giáo viên chủ nhiệm).

Học sinh phải đeo khẩu trang từ nhà đến trường, trong suốt thời gian học tập tại trường và khi đi từ trường về nhà; mang theo bình nước cá nhân; luôn bảo đảm thực hiện nghiêm túc quy tắc 5K và các biện pháp phòng, chống dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Khi đến trường, học sinh được yêu cầu tuân thủ hướng dẫn của các thầy, cô giáo. Khi vào trường, các em đi theo phân luồng và bảo đảm khoảng cách theo quy định ở các vị trí được đánh dấu, đo thân nhiệt và rửa tay khử khuẩn bằng cây đo thân nhiệt tự động trước khi vào lớp.

Củng cố, tái thiết giáo dục sau dịch bệnh

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, khoảng 17 triệu học sinh và trẻ mầm non đã đến trường học trực tiếp từ ngày 7/2, ngay sau đợt nghỉ Tết Nguyên đán. Trong đó, 63/63 tỉnh, thành phố đã lên kế hoạch đưa học sinh THCS, THPT đi học trực tiếp bắt đầu trong khoảng thời gian từ ngày 7 đến ngày 14/2. Có 60/63 tỉnh, thành phố đã lên kế hoạch đưa học sinh bậc mầm non, tiểu học quay trở lại trường học trực tiếp trong tháng 2. 100% các trường đại học, cao đẳng đã lên kế hoạch cho sinh viên, học viên đi học trở lại trong tháng 2/2022.

Chiều 8/2, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã họp với Bộ Y tế, UBND thành phố Hà Nội về công tác chuẩn bị điều trị trong tình huống học sinh nhiễm Covid-19 khi trở lại trường. Các ý kiến tại cuộc họp thống nhất đánh giá, các địa phương đã thực hiện yêu cầu chung để bảo đảm an toàn khi học sinh trở lại trường như tiêm vaccine; tập huấn các tình huống để xử trí khi xuất hiện ca nhiễm trong lớp học, trường học; có kinh nghiệm điều trị các ca nhiễm Covid-19 là trẻ em…

Các chuyên gia, nhà khoa học cho rằng, lực lượng phòng, chống dịch vẫn phải lường đến những tình huống xấu như có thể xuất hiện biến chủng mới lây nhanh hơn, độc lực không thấp hơn so với các chủng virus hiện tại, thậm chí có những biến chủng có thể “lẩn tránh” vaccine, thuốc điều trị. Lãnh đạo Bộ Y tế, Sở Y tế Hà Nội, Bệnh viện Nhi T.Ư, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư đã chia sẻ một số kinh nghiệm trong điều trị trẻ em nhiễm Covid-19, cũng như một số vấn đề đặt ra khi thực hiện các quy định, kịch bản phòng, chống dịch đã được ban hành, tập huấn.

Đáng chú ý, mặc dù đến nay tỷ lệ trẻ em mắc Covid-19, số ca bệnh diễn biến nặng thấp nhưng vẫn có trường hợp tử vong khi số ca mắc quá nhiều. Do vậy, các chuyên gia đặc biệt nhấn mạnh yếu tố phòng dịch và không để có quá nhiều trẻ lây nhiễm bệnh cùng lúc. Bên cạnh đó, hiện các loại thuốc điều trị Covid-19 không khuyến nghị sử dụng cho trẻ em.

Do đó, khi 20 triệu học sinh trở lại trường thì số trẻ nhiễm bệnh có thể tăng, bởi thực tế, trẻ em khó thực hiện giữ khoảng cách và tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp chống dịch như 5K… Đặc biệt vòng lây nhiễm của trẻ em từ nhà trường khi về gia đình có thể lây bệnh cho người cao tuổi, trẻ nhỏ tuổi hơn và phụ nữ mang thai, những đối tượng nguy cơ cao, có bệnh nền và chưa tiêm vaccine phòng Covid-19.

Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn nhận định, nếu không có các kịch bản phòng, chống chi tiết, cụ thể khi có trường hợp học sinh nhiễm bệnh thì sẽ gây lúng túng cho các trường học cũng như lo lắng từ phụ huynh, xã hội.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, cuộc chiến chống dịch Covid-19 đặt mục tiêu bảo vệ sức khỏe của nhân dân lên hàng đầu, đặc biệt trong đó là bảo vệ sức khỏe của trẻ em. Nhất là khi trẻ em thuộc nhóm thể chất chưa phát triển toàn diện, trẻ em dưới 5 tuổi, trẻ sơ sinh đều chưa được tiêm vaccine và nhóm đối tượng này chưa biết diễn đạt về triệu chứng bệnh, đòi hỏi kỹ năng chăm sóc khó hơn, cũng như cần đặc biệt chú ý.

Đến thời điểm này, tâm lý xã hội vẫn là rào cản khi đưa học sinh quay trở lại trường. Nhiều phụ huynh lo lắng không muốn con đến trường vì sợ lây nhiễm dịch bệnh. Con có thể nghỉ học không sao nhưng không thể ảnh hưởng tới tính mạng. Về vấn đề này, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, không có phương án tuyệt đối đáp ứng mọi yêu cầu nhưng phải chọn phương án tốt nhất, mà tốt nhất ở thời điểm hiện tại là khẩn trương, kiên quyết, chu đáo để đưa học sinh quay trở lại trường. Bộ trưởng cũng lưu ý các địa phương tránh rơi vào hai trạng thái cực đoan: hoặc e dè, chần chừ thái quá trong mở cửa; hoặc khi chuyển sang trạng thái mới tích cực đưa học sinh tới trường lại chủ quan, chuẩn bị không chu đáo, phó mặc cho nhà trường, thầy cô giáo… “Việc đưa học sinh quay trở lại trường học, theo Bộ trưởng, không chỉ là chuyện mở cửa trường học mà còn là củng cố, tái thiết giáo dục sau dịch bệnh”, Bộ trưởng nói.

Giải pháp quan trọng nhất cần triển khai khi đưa trẻ trở lại trường

Theo Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, trong năm 2022, ngành giáo dục xác định cần có sự hỗ trợ cao nhất đối với các em học sinh về cả sức khỏe thể chất lẫn sức khỏe tinh thần. Cần một năm ưu tiên cho việc củng cố, bù đắp những thiếu hụt, những lỗ hổng kiến thức cho học sinh trong cả thời gian rất dài vừa qua. Cũng mong lãnh đạo các địa phương, trường học, trực tiếp là các thầy, cô giáo và các vị phụ huynh đặc biệt cùng quan tâm lưu ý để học sinh đạt được các chuẩn năng lực, kiến thức cũng như được phát triển trong điều kiện tốt nhất.

THẾ PHONG, BÍCH NGỌC

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/baothoinay-xahoi/don-hoc-sinh-tro-lai-truong-an-toan-685207/