Bài 1: Mang yêu thương về 'thung lũng sừng trâu'

Lào Cai - vùng biên gian khó, xa xôi của Tổ quốc, nơi có biết bao thôn, bản vùng cao heo hút, nằm cheo leo giữa mây núi, sương ngàn. Ở đó vẫn còn bao bản làng bị bủa vây bởi đói nghèo, lạc hậu. Để mang ánh sáng của tri thức đến với đồng bào, nhiều thế hệ nhà giáo đã dành cả tuổi thanh xuân và nhiệt huyết để cắm trường, cắm bản, 'gieo hạt chữ' lên non.

31 tuổi, chưa lập gia đình nhưng thầy giáo Tráng Seo Thắng, Trường Mầm non Tả Van Chư (huyện Bắc Hà) lại rất khéo léo, tháo vát. Khi ở trường, anh là “cha” của đàn con thơ, khi về nhà anh tiếp tục chăm sóc những cháu nhỏ thiếu vắng bàn tay cha mẹ. Tạm gác lại hạnh phúc riêng, tất cả thời gian có được, thầy Thắng đều dành chăm lo cho những “đứa con” đặc biệt của mình.

Trường Mầm non Tả Van Chư có 1 điểm trường chính và 4 điểm trường lẻ, trong đó Nhiều Cù Ván là điểm trường xa xôi, khó khăn nhất. Con đường cấp phối quanh co dài 7 km từ điểm trường chính dẫn lối để chúng tôi tìm về điểm trường Nhiều Cù Ván với lổn nhổn đất đá.

Cô giáo Vàng Thị Đông, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Tả Van Chư bảo: May hôm nay trời nắng nên xe còn đi được, chứ mưa xuống thì vất vả lắm! Năm nào vào mùa mưa, tuyến đường này cũng đôi ba lần sạt lở, giáo viên phải gửi xe giữa đường để cuốc bộ lên điểm trường. Đi nhiều rồi cũng thành quen.

Sau hơn 30 phút ghì cương "con ngựa sắt" để vượt qua lởm chởm đất đá, chúng tôi cũng đến được Nhiều Cù Ván. Thôn nhỏ người Mông hiện ra thật bình yên dưới nền trời xanh thẳm nhưng vẫn hiện hữu rõ nét cái đói, cái nghèo. Đứng từ tầm cao phóng mắt xuống lòng thung, giữa khoảng không mênh mông, những đồi cây ở đất cằn mãi chưa ra lộc biếc, chỉ để lại những triền vàng xơ xác và cả những chỏm đá tai mèo ôm chặt đất, nhô cao. Trong bức tranh yên bình ấy, điểm trường mầm non Nhiều Cù Ván hiện lên đẹp như mơ giữa nắng hè vàng ruộm.

Nghe tin có nhà báo lên, thầy Thắng vui mừng ra tận cổng đón. Thầy bảo, điểm trường nằm chơi vơi giữa mây ngàn, đường sá đi lại khó khăn, bốn mùa chỉ làm bạn với gió và núi, hiếm lắm mới có khách đến thăm.

Điểm trường Nhiều Cù Ván hiện có 2 lớp học, với 53 học sinh từ 2 đến 5 tuổi, do thầy Thắng và 1 cô giáo đảm nhiệm. Thời điểm chúng tôi đến, lớp học vang lên thanh âm rộn ràng của những bài hát thiếu nhi. Thầy Thắng đón khách xong lại tiếp tục vào lớp vừa bắt nhịp, vừa làm những động tác đáng yêu để học trò vui học. Sau tiết học trên lớp, thầy cho các em ra sân tập luyện thể thao, học múa khèn, thổi sáo và nghe những câu chuyện kể ở thư viện ngoài trời.

Thầy Thắng cười vui: Các chị may mắn khi lên đây đúng ngày trời quang, nắng đẹp nên được ngắm “view triệu đô”. Mới hôm qua thôi, mưa dầm dề, mịt mù, cả tuần trời học trò chỉ ngồi yên trong lớp.

Sân trường mà các em nhỏ đùa vui hôm nay trước đây ngập đầy bùn đất, ngày nắng bụi mù mịt, ngày mưa trơn trượt. Chẳng rõ có phải cơ duyên không khi cách đây nhiều năm, thời điểm vừa ra trường, thầy Thắng đã từng tham gia đoàn thanh niên ở địa phương và trong một lần tình nguyện, thầy đến điểm trường này cùng các đoàn viên, thanh niên tham gia đổ bê tông sân trường. Về sau, khi bắt đầu gắn bó với những học trò ở bản nghèo, thầy giáo Thắng vẫn tiếp tục vận động, kết nối các tổ chức, cá nhân và đoàn viên của chi đoàn nhà trường cùng tham gia trang trí, tạo cảnh quan sân trường, lớp học bằng nhiều cây xanh, những vạt hoa đầy màu sắc và đồ chơi từ những vật liệu tái sử dụng.

Anh Tráng Seo Lềnh, phụ huynh học sinh ở điểm trường mừng vui: Nhìn các con được học tập, vui chơi trong ngôi trường khang trang, được các thầy cô quan tâm dạy dỗ, tôi rất yên tâm và cố gắng để các con đi học đầy đủ.

Đợi đến khi những trò nhỏ ăn trưa xong, thầy Thắng ra hiệu cả lớp đi ngủ, khi ấy, chúng tôi mới bắt đầu câu chuyện với thầy giáo trẻ. Bằng giọng nói cởi mở, chân thành, hào sảng của người Mông, thầy giáo Thắng kể cho chúng tôi nghe về cơ duyên đến với nghề “cô nuôi dạy trẻ”.

Anh Thắng là con thứ 4 trong gia đình có 5 anh chị em ở thôn Tẩn Chư, xã Tả Van Chư, huyện Bắc Hà. Sau khi học hết lớp 12, anh phải gác lại ước mơ làm thầy giáo mầm non bởi gia đình quá khó khăn, không có điều kiện tiếp tục theo học chuyên nghiệp. Những ngày đi chăn trâu, cắt cỏ, anh Thắng lén mang theo sách ôn luyện để không quên kiến thức. Thấy cháu ham học, người chú ruột đã thuyết phục bố mẹ anh cho anh được theo đuổi ước mơ, đồng thời hứa sẽ hỗ trợ trong những năm học xa nhà. Không phụ lòng của người thân, 1 năm sau, anh Thắng thi đỗ Trường Cao đẳng Sư phạm Hải Dương, chuyên ngành mầm non.

Ngày nhập học, anh được chú cho 2 triệu đồng, đó cũng là số tiền duy nhất để chàng sinh viên bắt đầu cuộc sống xa nhà. Để có tiền đóng học phí và trang trải cuộc sống, sau giờ học, anh xin làm thêm đủ thứ việc như rửa xe, trông xe, phục vụ quán ăn… Năm 2016, anh Thắng trở thành người đầu tiên trong dòng họ tốt nghiệp cao đẳng và cũng là thầy giáo đầu tiên ở bản Mông Tẩn Chư. Ra trường, cầm tấm bằng trên tay, anh trở về quê hương và tham gia công tác đoàn thanh niên, sau đó nhận nhiệm vụ giảng dạy tại điểm trường Nhiều Cù Ván.

Nhiều Cù Ván theo tiếng của đồng bào có nghĩa là “thung lũng sừng trâu”, có lẽ do địa hình nơi đây được bao bọc bởi những dãy núi đá tai mèo trông xa như những chiếc sừng trâu đen bóng. Từ bao đời nay, cuộc sống của đồng bào Mông nơi này luẩn quẩn bởi cái nghèo, cái khổ bao vây. Ngày thầy Thắng về nhận nhiệm vụ, cơ sở vật chất dạy học ở điểm trường tạm bợ và thiếu thốn. Lớp học không có điện, phải thắp đèn dầu. Mùa nắng còn đỡ, mùa đông giá rét, mưa phùn, thầy trò phải đốt lửa để xua đi lạnh giá.

Nhà thầy Thắng ở thôn Tẩn Chư, cách điểm trường 5 km. Các anh chị đi làm xa, ngoài việc trên lớp, thầy Thắng còn đảm nhận việc chăm sóc 4 cháu nhỏ. Sáng nào thầy Thắng cũng dậy sớm chuẩn bị cho các cháu ăn rồi đưa từng đứa đến lớp. Xong xuôi, thầy lại tất tả đến trường đón nhận trẻ.

“Đường ở thôn khó khăn quá, ngày mưa trơn trượt, biết bao lần nhìn lũ trẻ đến lớp với lấm lem bùn đất, co mình vì áo quần ướt lạnh, tôi không khỏi chạnh lòng. Vì thế, vào những ngày mưa, tôi thường đến nhà những em ở xa để chở học sinh đến lớp. Chiều tan học, nếu mưa vẫn chưa ngớt, tôi lại đưa các em về nhà” - thầy Thắng tâm sự.

Thầy giáo Thắng nhớ mãi kỷ niệm một lần có học sinh trong lớp sốt cao, thời điểm đó thầy cô không thể liên lạc với gia đình bởi bố mẹ em không dùng điện thoại, nhờ trưởng thôn đến nhà gọi thì mới biết phụ huynh đang ở nương xa. Nhìn học trò đuối sức dần, thầy Thắng gửi lại lớp cho cô giáo kế bên rồi dùng xe máy chở học sinh đến trạm y tế xã. Quãng đường từng đi bao ngày bỗng chốc trở nên xa xôi vì sự sốt ruột, lo lắng tình trạng học trò chuyển nặng. Thầy trở thành người thân ở lại trạm y tế xã chăm sóc trẻ cho tới khi gia đình đến.

Ở vùng đất xa xôi, heo hút, tưởng như sẽ không có nhiều việc để làm bởi nhịp sống bao đời vẫn vậy, nhưng thực tế một ngày của thầy giáo mầm non tất bật từ sáng tới tối, xoay quanh việc dạy dỗ, chăm lo từ bữa ăn đến giấc ngủ của những đứa trẻ từ 2 đến 5 tuổi. Nhiều khi học trò nhỏ tuổi quấy khóc, thầy phải bế ròng trên tay vỗ về. Là thầy giáo dạy mầm non, ít nhiều thầy Thắng phải đối diện với những khó khăn về giới khi vừa là thầy, vừa phải đóng vai trò là "cô", là "mẹ" của học trò. Những kỹ năng múa hát, kể chuyện, chăm sóc trẻ cũng là yêu cầu khó mà không phải ai cũng làm được.

Sinh ra là lớn lên trong nghèo khó, lại cùng là đồng bào Mông, thầy Thắng mong mỏi hơn ai hết những đứa trẻ ở bản nghèo được đến trường vui chơi, học tập. Món quà duy nhất trong suốt những năm qua mà thầy được nhận của học trò và đồng bào nơi đây là tình cảm yêu mến.

Trời ngả về chiều, chúng tôi nói lời tạm biệt với thầy trò ở bản Mông. Chiếc xe vượt con đường đầy đá để xuôi về vùng thấp, để lại sau lưng là lòng thung bình yên trong nắng và tiếng trẻ líu lo đọc bài.

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/bai-1-mang-yeu-thuong-ve-thung-lung-sung-trau-post386192.html