Đòn kép

Cuối cùng, các nghị sĩ Anh đã bỏ phiếu thông qua một dự luật nhằm ngăn chặn việc Anh rời khỏi Liên minh Châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, mà không có thỏa thuận vào cuối tháng 10, chính thức đánh dấu thất bại đầu tiên của tân Thủ tướng Boris Johnson trong chiến lược Brexit đầy tham vọng của ông.

Cuối cùng, các nghị sĩ Anh đã bỏ phiếu thông qua một dự luật nhằm ngăn chặn việc Anh rời khỏi Liên minh Châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, mà không có thỏa thuận vào cuối tháng 10, chính thức đánh dấu thất bại đầu tiên của tân Thủ tướng Boris Johnson trong chiến lược Brexit đầy tham vọng của ông. Điều này đồng nghĩa với việc chính phủ Anh phải kéo dài hạn chót Brexit sau ngày 31-10 nếu không đạt được thỏa thuận nào với EU.

Rõ ràng, Thủ tướng Johnson lại bị Quốc hội khiến cho bẽ mặt trong ngày thứ hai hoạt động, trong đó chiến lược Brexit của ông đã bị trật bánh và ngay cả kế hoạch cho một cuộc tổng tuyển cử sớm cũng bị bác bỏ. Thủ tướng Johnson đã mất tất cả quyền hành trong Hạ viện và phải tìm cách giành được sự ủng hộ trong một cuộc bầu cử để có thể có được thế đa số. Nhà lãnh đạo này muốn tổ chức một cuộc bầu cử vào ngày 15-10 nhưng không giành được đủ sự ủng hộ từ các nghị sĩ trong cuộc bỏ phiếu vào tối 4-9 để thực hiện kế hoạch đó. Công đảng đối lập Anh tuyên bố đảng này sẽ không ủng hộ một cuộc tổng tuyển cử cho đến khi dự luật nhằm ngăn chặn một Brexit không thỏa thuận vào cuối tháng 10 tới trở thành luật - một khả năng dự kiến sẽ xảy ra vào ngày 9-9.

Chủ tịch Hạ viện Anh Jacob Rees-Mogg ngày 5-9 cho biết, các nghị sĩ Anh vào ngày 9-9 tới sẽ tổ chức cuộc bỏ phiếu khác về đề nghị có nên tổ chức bầu cử sớm hay không. Nhưng nếu tổ chức bầu cử và giành chiến thắng, ông Johnson lại sẽ bị mắc kẹt trong Tòa nhà số 10 phố Downing, bị buộc phải tuân theo luật pháp: trì hoãn Brexit cho đến khi có được một thỏa thuận tốt nhất. Ông Johnson lại sẽ lún sâu vào vũng lầy Brexit.

2 năm trước, cựu Thủ tướng Therea May đã kêu gọi tổ chức cuộc bầu cử sớm với hy vọng sẽ giành chiến thắng lớn. Nhưng cuối cùng, bà đã mất phần lớn số ghế trong Quốc hội, một thất bại dẫn đến sự hỗn loạn trên sân khấu chính trị Anh kể từ đó. Ông Johnson là nhà lãnh đạo thứ ba của đảng Bảo thủ đang bị sa lầy trong nhiệm vụ Brexit khó nhằn, hơn 3 năm sau cuộc trưng cầu dân ý định mệnh. Tuy nhiên, không giống như hai người tiền nhiệm, ông là một kiến trúc sư chủ chốt trong việc thuyết phục người dân Anh bỏ phiếu rời đi. Đó là thế khó của nhà lãnh đạo này.

THANH VĂN

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/92_212163_don-kep.aspx