Đơn khởi kiện của cô giáo chống tiêu cực lại chạy vòng quanh
Cô Nguyễn Thị Tân – giáo viên Trường Tiểu học Lý Tự Trọng đã khởi kiện Hiệu trưởng nhưng đơn lại được chuyển về Phòng giáo dục.
Đường đi “vòng vèo” của lá đơn khởi kiện
Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam từng có loạt bài phản ánh liên quan đến cô Nguyễn Thị Tân – giáo viên Trường Tiểu học Lý Tự Trọng (Thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) đã tố cáo hành vi tiêu cực của cô Lê Kim Diên – Hiệu trưởng nhà trường.
Cho đến nay, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam vẫn chưa nhận được phản hồi từ phía cơ quan chức năng của Thành phố Buôn Ma Thuột cũng như tỉnh Đắk Lắk.
Liên quan đến vụ việc này, ngày 12/4, cô Tân đã có khởi kiện Hiệu trưởng Lê Kim Diên đến Tòa án nhân dân Thành phố Buôn Ma Thuột do có hành vi vu khống, làm nhục, trù dập người khác.
Tòa án nhân dân Thành phố Buôn Ma Thuột đã tiến hành xem xét đơn khởi kiện của cô Tân và nhận thấy việc giải quyết đơn nói trên không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án mà thuộc thẩm quyền giải quyết của Công an Thành phố Buôn Ma Thuột.
Tòa án nhân dân Thành phố Buôn Ma Thuột đã chuyển đơn cùng toàn bộ tài liệu, chứng cứ kèm theo của cô Tân đến Công an Thành phố Buôn Ma Thuột để giải quyết theo thẩm quyền.
Ngày 29/6, cô Tân nhận được thông báo của cơ quan cảnh sát điều tra Công an Thành phố Buôn Ma Thuột về việc tiếp nhận xử lý đơn. Thông báo đề ngày 17/5.
Nội dung của thông báo thể hiện, ngày 09/5, cơ quan cảnh sát điều tra Công an Thành phố Buôn Ma Thuột nhận được phiếu chuyển đơn của Tòa án nhân dân Thành phố kèm theo đơn của cô Tân.
Công an Thành phố Buôn Ma Thuột xét thấy nội dung đơn của cô Tân tố giác thuộc thẩm quyền giải quyết của Phòng Giáo dục và Đào tạo Thành phố Buôn Ma Thuột.
Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Thành phố Buôn Ma Thuột đã có phiếu chuyển đơn của cô Tân đến Phòng Giáo dục và Đào tạo Thành phố Buôn Ma Thuột để tiếp nhận và giải quyết.
Tòa án chưa làm việc hết trách nhiệm với nguyên đơn
Luật sư Hồ Nguyên Lễ - Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh phân tích, cô Nguyễn Thị Tân hoàn toàn có quyền nộp đơn khởi kiện đến tòa án để yêu cầu người có hành vi xâm hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín để bồi thường.
Cô Tân xác định bị đơn đã xâm hại đến lợi ích, tinh thần từ năm 2012 đến tháng 3/2019.
Luật sư Lễ nghiên cứu đơn khởi kiện của cô Tân thì có sự nhầm lẫn căn cứ khởi kiện bằng các Điều 121, 122 của Bộ luật hình sự năm 1999 đã hết hiệu lực.
Trong đơn cũng không có nội dung cụ thể nào yêu cầu Tòa án nhân dân Thành phố Buôn Ma Thuột giải quyết dân sự nên tòa án không thể thụ lý mà chuyển đơn của cô Tân sang cơ quan khác.
Nhận được đơn của cô Tân, Tòa án nhân dân Thành phố Buôn Ma Thuột phải căn cứ Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 để hướng dẫn sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện nếu chưa rõ yêu cầu khởi kiện;
Hoặc trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện nếu vụ việc đó không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.
Thực tế, Tòa chuyển đơn của cô Tân sang Công an Thành phố Buôn Ma Thuột để giải quyết nhưng trong phiếu chuyển vẫn giữ nguyên các Điều 121, 122 của Bộ luật hình sự năm 1999 đã hết hiệu lực là chưa thể hiện hết trách nhiệm của Tòa án.
Luật sư Lễ cho rằng, tòa án phải hướng dẫn cô Tân viết lại đơn kiện hoặc hướng dẫn cô Tân nộp đơn tố giác về tội phạm đến Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát có thẩm quyền và xác định hành vi phạm tội theo quy định mới là Điều 155, 156 của Bộ luật hình sự năm 2015 – 2017 đang có hiệu lực thi hành.
Có dấu hiệu vi phạm Bộ luật tố tụng hình sự?
Luật sư Hồ Nguyên Lễ lập luận, đối với cơ quan điều tra Công an Thành phố Buôn Ma Thuột, nếu xác định không có sự việc phạm tội, hành vi không cấu thành tội phạm... thì phải ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự và thông báo cho cá nhân đã tố giác biết.
Từ đó, cá nhân tố giác có quyền khiếu nại quyết định không khởi tố vụ án hình sự theo đúng quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.
Việc cơ quan điều tra chỉ ban hành thông báo gửi cô Tân là chưa đúng vì cô Tân không thể khiếu nại...
Mặt khác, nếu xác định đây là hành vi dân sự thì hướng dẫn người bi thiệt hại tranh chấp tại tòa án theo đúng quy định pháp luật.
Luật sư Lễ đưa ra nhận định, cơ quan cảnh sát điều tra Công an Thành phố Buôn Ma Thuột lại tiếp tục chuyển đơn tố giác về tội phạm của người tố giác về chính cơ quan chuyên môn quản lý trực tiếp người tố giác là vi phạm Bộ luật tố tụng hình sự.
Bởi, cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố cáo phải áp dụng biện pháp bảo vệ người tố cáo, ngăn chặn thiệt hại có thể xảy ra…
Luật sư Hồ Nguyên Lễ thắc mắc, tại sao trong trường hợp này cơ quan cảnh sát điều tra Công an Thành phố Buôn Ma Thuột lại chuyển đơn tố giác cho chính người bị tố giác để giải quyết?